17/06/2024 lúc 17:57 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh: Mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh vừa phối hợp với UBND huyện Cẩm Xuyên tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá kết quả thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên.

Hướng tới nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch và bền vững ngành nông nghiệp Hà Tĩnh đã và đang phấn đấu tập trung sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và hữu cơ góp phần tăng chất lượng sản phẩm, nâng giá trị thu nhập cho nông dân.

KS. Nguyễn Hải Lý - Cán bộ Khuyến nông tỉnh đang kiểm tra ruộng lúa hữu cơ

KS. Nông nghiệp Nguyễn Hải Lý cán bộ Khuyến nông cho biết: Để đánh giá sản phẩm lúa trong giai đoạn chuyển đổi theo tiêu chuẩn hữu cơ, chúng tôi đã thực hiện qua 3 vụ sản xuất với quy mô/ha. Vụ xuân năm 2024, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiếp tục thực hiện mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp. Nhằm thực hiện đánh giá, cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Đây chính là tiền đề giúp các hộ sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.

Hội thảo đầu bờ: Các đại biểu tham quan học tập mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên

Qua tham quan thực tế trên cánh đồng nhiều đại biểu đã ghi nhận sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, tinh thần dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân. Qua hội thảo đầu bờ, tận mắt chứng kiến mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ trên cánh đồng thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận: Nhận thức của các hộ sản xuất ngày một chuyển biến tích cực hơn nhiều so với vụ trước, luôn có ý thức học hỏi, tiếp thu cái mới, mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, tuân thủ quy trình làm đất, bón phân cân đối theo giai đoạn sinh trưởng, sử dụng mạ khay, máy cấy giúp ruộng lúa thông thoáng, có mật độ thích hợp, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng khoẻ, quang hợp tốt, đẻ nhánh mạnh, bông dài, hạt chắc trên bông tăng, tỷ lệ hạt lép thấp, ít bị sâu bệnh, cây lúa khỏe mạnh, bộ lá xanh bền, sạch sâu bệnh, tỷ lệ hạt chắc cao,...

Ông Nguyễn Hữu Dực - Phó chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Sở NN-PTNT tỉnh đang trao đổi kinh nghiệm với Giám đốc CTCP Hòa Lạc ICE Dương Thế Hoàng - Nhà đầu tư đồng hành cùng nông dân SX lúa hữu cơ và bao tiêu sản phẩm

Ông Nguyễn Hữu Minh, Thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình khoe với chúng tôi, nhà ông năm nay nhận sản xuất lúa hữu cơ trên 10 sào, vụ Xuân này được mùa to đặc biệt sản xuất lúa theo quy trình hữu cơ luôn tuân thủ một nguồn nước tưới, một loại phân bón,  không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, an toàn sức khỏe cho nông dân, chất lượng gạo luôn đảm bảo, giá thành vượt trên 30% so với giá mặt bằng chung, đặc biệt khi gặt xong doanh nghiệp thu mua và trả tiền ngay giữa ruộng, với định hướng sản xuất lúa hữu cơ của tỉnh, huyện, xã như này nông dân chúng tôi rất phấn khởi.  Tại thôn Bình Quang còn rất nhiều hộ đã giành toàn bộ diện tích đất  để tập trung vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ như gia đình ông Nguyễn Xuân Thiện, gia đình chị Hạnh,… Qua quá trình thực hiện bà con luôn giúp đỡ, đồng hành cùng nhau, đồng nhất sản xuất theo một quy trình, một giống, sử dụng một dòng phân bón hữu cơ Boss Farm 4 dưới sự giám sát của Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC, đơn vị luôn đồng hành cho nông dân vay vốn để sản xuât, bao tiêu thu mua toàn bộ sản phẩm cho nông dân.

Bà Hồ Thị Thủy - Cán bộ chi cục trồng trọt Sở Nông nghiệp trước thềm Hội thảo

Việc áp dụng cùng một quy trình trong sản xuất không những giảm được chi phí đầu tư cho sản xuất, mà còn đem lại năng suất cao, đảm bảo chất lượng hữu cơ, giá trị vượt trội. Đánh giá về vụ Đông xuân năm nay ước tính năng suất lúa bình quân đạt khoảng 63 tạ/ha. Toàn bộ sản phẩm đều được công ty cổ phần Hòa Lạc IEC ký hợp đồng liên kết bao tiêu và thu mua với giá cao hơn thị trường 3.000đ/kg, lúa tươi tại ruộng. Như vậy, khi so sánh về năng suất gần như tương đương nhau, nhưng khi so sánh về hiệu quả kinh tế sản xuất lúa hữu cơ cao hơn so với sản xuất thông thường là 12.720.000đ/ha.

Ông Nguyễn Hữu Minh - hộ nông dân điển hình tích tụ ruộng đất, sản xuất lúa hữu cơ theo giống ST25, cho năng suất 310 hạt/bông, giá trị thu nhập bán ra vượt 30% so với sản xuất lúa truyền thống

Phụ trách Trung tâm Khuyến nông tỉnh, ThS.Nguyễn Hữu Ngọc cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hữu cơ nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Đến nay Hà Tĩnh đã có tổng diện tích bao gồm các loại sản phẩm nông nghiệp như rau, củ quả, cam, bưởi và lúa,… đạt trên 350ha, trong đó có một số sản phẩm như lúa, rau, quả bưởi Phúc Trạch, cam Can Lộc đã được cấp chứng nhận đạt chuẩn sản phẩm hữu cơ. Trong đó huyện Cẩm Xuyên là địa phương có 95,3ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ đứng đầu toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên Lê Ngọc Hà phát biểu tại hội thảo

Kết luận Hội thảo, ông Lê Ngọc Hà, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên  đánh giá cao nỗ lực của các cấp ủy chính quyền địa phương trong thời gian qua đã đoàn kết đồng hành cùng chung tay thực hiện nhiệm vụ, triển khai đồng bộ các chủ trương chính sách của nhà nước về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các sản phẩm nông nghiệp, nhất là lúa gạo. Cán bộ chuyên môn tận tình quan tâm bám sát đồng ruộng, bước đầu thấy rõ hiệu quả kinh tế xã hội, hiệu quả về môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và từng bước nâng cao giá trị của sản phẩm an toàn chất lượng. Trong thời gian tới thành quả của mô hình sẽ là tiền đề để các cấp chính quyền địa phương khác tham quan học tập và nhân rộng, tạo sức lan tỏa về nhận thức trong sản xuất lúa hữu cơ tới bà con nhân dân,...

Ruộng lúa hữu cơ cho năng suất cao của hộ ông Nguyễn Hữu Minh

Nhằm giúp bà con tiếp tục khẳng định giá trị sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ, mở rộng diện tích và định hướng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, từng bước đưa bà con nông dân hướng đến nền nông nghiệp xanh phát triển bền vững.

Anh Bình - Hải Lý

...