26/06/2024 lúc 17:29 (GMT+7)
Breaking News

Hà Tĩnh: Đổi mới tư duy sản xuất lúa hữu cơ với tầm nhìn, phát triển

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đang từng bước thay đổi tư duy ngành nông nghiệp. Xu hướng chuyển dần từ nền nông nghiệp hóa học sang nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch của người tiêu dùng.

Khoa học kỹ thuật chìa khóa mở ra kho báu hữu cơ

Khi đời sống người dân được nâng cao nhu cầu sử dụng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm càng được chú trọng. Vì thế, việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, nhiều chất dinh dưỡng, có lợi cho sức khỏe, hạn chế dịch bệnh là hết sức cần thiết. Những năm gần đây bà con nông dân canh tác còn theo thói quen, tập quán; chưa thu hút được doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất để tạo thành sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Trong quá trình canh tác còn lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cả về số lượng lẫn chủng loại. Điều đó đã và đang gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường đất, nước, không khí, chất lượng nông sản và ảnh hưởng sức khoẻ con người. Xuất phát từ tình hình thực tế trên trên, năm 2023 - 2024, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh triển khai thực hiện Mô hình Sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp”, tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên.

Lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông kiểm tra lúa hữu cơ tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình

Để triển khai mô hình một cách có hiệu quả, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã phối hợp với các đơn vị chuyên ngành, các cấp chính quyền địa phương quy hoạch, lựa chọn vùng sản xuất chuyển đổi, tích tụ ruộng đất, bằng phẳng liền vùng liền thửa, xây dựng được vùng đệm, hệ thống kênh mương thuận lợi trong tưới tiêu.

Những điểm nhấn để phát triển

Nhận thấy xã Cẩm Bình là một trong những xã trọng điểm lúa của huyện Cẩm Xuyên luôn nắm bắt đi đầu trong việc tiếp cận, ứng dụng các quy trình mới vào sản xuất, đây chính là lợi thế để người dân luôn được hưởng lợi về các chính sách. Tuy nhiên, bước đầu triển khai thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì người dân chưa mặn mà với sản xuất nông nghiệp hữu cơ, lo sợ năng suất giảm, không được phun thuốc BVTV, sâu bệnh phát sinh nhiều, công chăm sóc nhiều, giá bán thấp, trên tinh thần đó cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông đã không quản ngày đêm để xuống tận các hộ dân vận động người dân, tổ chức các cuộc họp toàn thể bà con để lấy ý kiến, lựa chọn những hộ tâm huyết, dám nghĩ, dám làm để đồng hành cùng với mô hình trong suốt quá trình thực hiện.

Nhận thức được giá trị của sản phẩm hữu cơ không những đưa lại chất lượng an toàn, môi trường trong sạch mà thay vào đó là thay đổi phương thức canh tác sản xuất truyền thống bao năm qua. Với quy mô 5ha, 20 hộ tham gia, sử dụng các giống lúa chất lượng cao, cán bộ kỹ thuật đã xây dựng kế hoạch, cách làm, tổ chức các lớp tập huấn thực hành, hướng dẫn người dân sản xuất lúa theo đúng quy trình kỹ thuật theo tiêu chuẩn hữu cơ TCVN 11041-2:2017 Nông nghiệp hữu cơ; Quản lý cây trồng tổng hợp ICM, quản lý dịch hại tổng hợp IPM, thiết lập kế hoạch sản xuất hữu cơ, ghi chép nhật ký sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất hữu cơ xây dựng kho chứa phân bón, bảng dự tính dự báo, nhận thức về nông nghiệp hữu cơ theo quy trình nghiêm ngặt.

Về kỹ thuật chăm sóc Trung tâm Khuyến nông tỉnh hướng dẫn bà con sử dụng mạ khay, máy cấy giúp ruộng lúa thông thoáng, có mật độ thích hợp, tạo điều kiện cho cây lúa sinh trưởng khỏe, quang hợp tốt, đẻ nhánh mạnh, bông dài, hạt chắc trên bông tăng, tỷ lệ hạt lép thấp, ít sâu bệnh, cây lúa khỏe mạnh, bộ lá xanh bền; thực hiện một quy trình, một giống lúa (lúa thuần chất lượng cao, các giống đặc sản và các giống địa phương, không sử dụng giống biến đổi gen); Tuân thủ đúng lịch thời vụ của tỉnh và huyện; điều chỉnh mật độ cấy thích hợp bình quân 30 khóm/m2; Không được sử dụng thuốc trừ cỏ. Thực hiện các biện pháp làm cỏ thủ công; Bón phân hữu cơ kết hợp với làm cỏ, sục bùn.

Đồng thời điều tiết nước chủ động hợp lý theo giai đoạn sinh trưởng, trong quá trình làm đất thiết kế các rãnh trong và xung quanh ruộng để điều tiết nước dễ dàng. Khi bón phân phải giữ nước trong ruộng (2-3 cm). Sau bón phân thúc đẻ nhánh 7-10 ngày rút cạn nước, để ruộng khô nẻ chân chim. Trong thời kỳ cây lúa đẻ nhánh nếu lội xuống ruộng thấy dấu chân in trên ruộng là ruộng còn đủ ẩm - không cần cho nước vào. Nếu ruộng quá khô thì tháo nước vào ngập rãnh hoặc khoảng 3-4 cm rồi để ruộng tự khô nứt nẻ. Để nước cạn khô xen kẽ cho đến khi bón đón đòng. Cho nước vào ruộng kết hợp bón đón đòng và giữ nước thường xuyên 2-3cm đến khi lúa chín đỏ đuôi. Giai đoạn lúa chín đỏ đuôi: Tháo cạn nước để khô cho đến khi gặt.

Vẫn là “Nhât nước, nhì phân, tam cần, tứ giống

Về quản lý dịch hại cây lúa: Trong quá trình sản xuất áp dụng các biện pháp canh tác phù hợp như làm đất ải hoặc làm giầm; bố trí thời vụ hợp lý, cấy với mật độ phù hợp, duy trì độ phì của đất và cân đối dinh dưỡng, điều tiết mực nước theo các giai đoạn sinh trưởng của cây lúa; Sử dụng biện pháp vật lý như vệ sinh đồng ruộng để loại bỏ mầm bệnh và cỏ dại; dùng vợt, bẫy dính, bẫy ánh sáng để bắt côn trùng gây hại; Sử dụng biện pháp sinh học: dùng bẫy bả sinh học, nuôi thả và bảo vệ thiên địch…

Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC nhà đầu tư trọn gói với nông dân kiểm tra sản phẩm lúa hữu cơ trước lúc thu mua

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp chặt chẽ với Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC đồng hành cùng bà con trong suốt quá trình thực hiện. Đây là một trong những đơn vị đi đầu trong việc cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm lúa gạo hữu cơ tại Hà Tĩnh, kết nối hỗ trợ người dân giống, công cấy 30%, cung ứng phân bón hữu cơ và hỗ trợ người dân nợ phân bón, cuối vụ thu hoạch sản phẩm mới thanh toán; nhà nước hỗ trợ 40% phân bón, 100% đánh giá, phân tích mẫu và cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Toàn bộ sản phẩm được Công ty cổ phần Hòa Lạc IEC liên kết bao tiêu. Năng suất bình quân đạt từ 60- 63tạ/ha, với giá cao hơn thị trường 3.000đ/kg lúa tươi thu mua tại ruộng. Như vậy, khi so sánh về năng suất gần như tương đương nhau, nhưng khi so sánh về hiệu quả kinh tế sản xuất lúa hữu cơ cao hơn so với sản xuất thông thường.

Hội thảo đầu bờ mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại thôn Bình Quang, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Xuyên

Những sản phẩm sau vụ thứ nhất được cấp chứng nhận chuyển đổi hữu cơ và sau 3 vụ sản xuất được Trung tâm Kiểm nghiệm và Chứng nhận TQC CGLOBAL đánh giá, cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Niềm vui ấy đã gợi lên trên các nét mặt của người dân thôn Bình Quang với chứng nhận đạt tiêu chuẩn hữu cơ đầu tiên của tỉnh.  Thật tự hào, phấn khởi để người nông dân tiếp tục duy trì, mở rộng diện tích, tiếp cận thị trường thông qua liên kết với doanh nghiệp và doanh nghiệp đặt hàng nông dân sản xuất theo yêu cầu thị trường về chủng loại, số lượng, chất lượng. Được biết, trong những năm tới Công ty tiếp tục mở rộng diện tích liên kết lên 1.000ha về sản xuất lúa theo tiêu chuẩn hữu cơ, lúa chất lượng cao như: ST25, Japonica…định hướng xuất khẩu gạo sang các nước Châu Âu, Châu Á... Một khi tất cả các khâu được quản lý chặt chẽ từ sản xuất đến tiêu thụ thì sẽ mang lại giá trị kinh tế cho người sản xuất và các doanh nghiệp.

Đến nay, toàn xã Cẩm Bình đã nhân rộng 20 ha xung quanh vùng trồng, thành công của mô hình là tiền đề để các cấp chính quyền địa phương khác tham quan học tập và nhân rộng. Đồng thời giúp bà con tiếp tục khẳng định giá trị sản phẩm lúa gạo đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tạo sức lan tỏa, mở rộng diện tích và định hướng, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm từng bước tạo ra giá trị hàng hóa chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn đáp ứng thị trường trong và ngoài nước./.

Nguyễn Thị Lý

Trung tâm Khuyến nông tỉnh Hà Tĩnh

...