27/12/2024 lúc 01:02 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội phản hồi thông tin xe buýt BRT không đạt kết quả như kỳ vọng

Theo UBND TP Hà Nội, sau 5 năm vận hành, tuyến buýt nhanh Yên Nghĩa - Kim Mã đã góp phần làm giảm ùn tắc giao thông, giảm phương tiện cá nhân vào nội đô.

UBND thành phố Hà Nội vừa có báo cáo trả lời kiến nghị cử tri sau kỳ họp thứ 7 HĐND thành phố khóa XVI. Liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải, cử tri cho rằng sau hơn 5 năm triển khai tuyến buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa vẫn không đạt được kỳ vọng, đề nghị thành phố đánh giá lại hiệu quả dự án để có giải pháp khắc phục.

Về vấn đề này, UBND TP Hà Nội cho biết, sau 5 năm đi vào hoạt động (từ 1/2017 - 6/2022), buýt nhanh BRT mang lại kết quả tích cực, được nhân dân tin tưởng sử dụng và đánh giá tốt.

“Chất lượng phục vụ được duy trì ổn định, sản lượng hành khách ngày càng tăng và doanh thu luôn được duy trì ở mức cao so với toàn mạng lưới xe buýt”, UBND TP Hà Nội cho hay.

Tuyến xe buýt BRT (Kim Mã – Yên Nghĩa)

Theo UBND TP, tuyến xe buýt BRT (Kim Mã – Yên Nghĩa) đã góp phần giảm ùn tắc giao thông cá nhân ra vào nội đô, giảm chi phí đi lại cho hành khách, chất lượng phục vụ tốt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đối với các khu vực có tuyến đi qua.

Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng lấn làn BRT trên tuyến, có một số đoạn chạy chung với các phương tiện ảnh hưởng đến tốc độ chuyến đi, một số nhà chờ chưa được tiếp cận bằng cầu đi bộ, chưa có hệ thống vé điện tử.

Theo UBND TP, trong giai đoạn từ 2017-2019, tổng hành khách vận chuyển năm 2017 đạt 4,9 triệu lượt hành khách; năm 2018 đạt 5,3 triệu lượt, tăng 6,3% so với năm 2017; năm 2019 đạt 5,5 triệu lượt hành khách, tăng 3,7% so với năm 2018.

Từ năm 2020 đến nay, do chịu tác động của đại dịch Covid-19 (xe buýt phải dừng hoạt động và giảm dịch vụ từ 20-80% công suất), sản lượng và doanh thu thực hiện trên tuyến BRT sụt giảm so với giai đoạn trước đó.

Doanh thu năm 2020 đạt 15,2 tỷ đồng; doanh thu năm 2021 đạt 7,9 tỷ đồng. Tỷ lệ trợ giá chi phí năm 2020 là 48,6%, thấp nhất toàn mạng; năm 2021 tỉ lệ này là 65,2%, thấp nhất toàn mạng.

Tuyến xe buýt nhanh BRT Kim Mã - Yên Nghĩa (tổng chiều dài 14,7km), tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng. Tuyến BRT bắt đầu hoạt động từ năm 2017, với lộ trình Yên Nghĩa - Ba La - Lê Trọng Tấn - Tố Hữu - Lê Văn Lương - Láng Hạ - Giảng Võ - bến xe Kim Mã. Người dân di chuyển toàn tuyến dài 14,77 km sẽ mất khoảng 45 phút.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng và các chuyên gia, sau hơn 5 năm vận hành, tuyến BRT chưa đáp ứng được kỳ vọng. Có lẽ vì vậy nhiều năm từ khi tuyến BRT đầu tiên được phê duyệt, TP Hà Nội chưa triển khai thêm tuyến mới.

Nguyễn Lâm