Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, sau khi ra trường, hơn 80% số người học nghề có việc làm với mức thu nhập tốt. Từ những tín hiệu tích cực này, Hà Nội sẽ tiếp tục chú trọng công tác đào tạo thợ lành nghề, thợ bậc cao nhằm tạo đột phá trong giáo dục nghề nghiệp cũng như chuyển biến nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp.
Năm 2020, có 362 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Thủ đô trong năm 2020 đã tuyển sinh, đào tạo nghề cho 218.848 người (đạt 104,21% so với kế hoạch); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70,25% (kế hoạch đề ra là 70,2%)… Đặc biệt là, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, hơn 80% số người học nghề có việc làm mới hoặc vẫn làm nghề cũ, nhưng tạo ra thu nhập cao hơn. Do vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội luôn chú trọng việc tăng cường mối liên kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp. Đây được coi là giải pháp quan trọng để đào tạo những thợ lành nghề, bậc cao mà thị trường lao động đang có nhu cầu lớn.
Hiện Hà Nội có 88 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp hợp tác với 844 lượt doanh nghiệp theo nhiều nội dung, hình thức khác nhau. Đối với 21 trường cao đẳng, trường trung cấp thuộc thành phố, 100% các đơn vị thực hiện đào tạo gắn với doanh nghiệp và hầu hết học sinh ra trường có việc làm sau khi tốt nghiệp (đạt tỷ lệ 90%). Đặc biệt, một số ngành nghề, như: Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử…, 100% học viên, sinh viên ra trường đều được doanh nghiệp tuyển dụng, với mức lương khởi điểm 6-8 triệu đồng/tháng/người.
Để tạo chuyển biến mạnh mẽ về giáo dục nghề nghiệp trong năm 2021 và giai đoạn 2021-2025, thành phố đặt mục tiêu tuyển sinh, đào tạo nghề năm 2021 được 220.500 lượt người; phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75-80%, trong đó thợ lành nghề, bậc cao theo hướng ứng dụng, thực hành đạt 55-60%... Với mục tiêu này, ngoài việc tạo điều kiện tối đa cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp gắn kết, hợp tác với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, Sở sẽ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp khác, như: Tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp, qua đó gỡ bỏ dần tâm lý của phụ huynh muốn con, em học đại học; phân bổ chỉ tiêu hợp lý để đẩy mạnh phân luồng học sinh học nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông; tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng trường chất lượng cao tại một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp, như: Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Hàn Quốc thành phố Hà Nội...