20/01/2025 lúc 21:45 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Tập trung hoàn thành Đề án xây dựng 5 huyện thành quận

Sáng 23/4, tại Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã quán triệt nội dung 2 Chương trình công tác số 03 và 08.

Sáng 23/4, tại Hội nghị học tập, quán triệt, tuyên truyền 10 Chương trình công tác của Thành ủy Hà Nội khóa XVII, nhiệm kỳ 2020-2025, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã quán triệt nội dung 2 Chương trình công tác số 03 và 08.

https://hanoi.gov.vn/image/image_gallery?img_id=2003102844850
Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn quán triệt nội dung các Chương trình công tác của Thành ủy

Ưu tiên triển khai cải tạo các chung cư cũ

Về Chương trình số 03-CTr/TU "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025", Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn đã đi sâu, phân tích về 7 kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2015-2020, như: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 49,2% diện mạo Thủ đô nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp, khang trang, văn minh, hiện đại hơn; Chương trình trồng mới 1 triệu cây xanh đã hoàn thành trước 2 năm và đã trồng thêm 600 nghìn cây xanh; đảm bảo tỷ lệ chiếu sáng từ 95-98%; Đã huy động nguồn lực xã hội đầu tư cấp nước sạch cho người dân khu vực ven đô, nông thôn, tổng công suất nguồn từ các nhà máy nước tập trung đạt khoảng 1,52 triệu m3/ngày/đêm. Đến cuối năm 2020 tỷ lệ phủ mạng cấp nước khu vực nông thôn đạt 78% tăng hơn; Trật tự, kỷ cương xây dựng từng bước được lập lại, số công trình vi phạm giảm mạnh từ 13,5% (năm 2016) xuống còn 2,13% (năm 2020)... 

Chủ tịch HĐND Thành phố cũng nêu rõ về 8 hạn chế, khuyết điểm và nguyên nhân, đồng thời tập trung quán triệt về các quan điểm, mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể, hệ thống các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình số 03. Cụ thể, tập trung phát triển mạnh mẽ kinh tế đô thị, nhất là các ngành nghề phi nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao gắn với bảo vệ môi trường; chú trọng các mô hình kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, phát triển thêm các tuyến phố đi bộ,… 

Nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính khả thi của công tác chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị tại các khu vực trung tâm; cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị cũ góp phần xây dựng cảnh quan thành phố xanh, văn minh, hiện đại. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị khung, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô; tăng cường mối liên kết vùng, tạo động lực phát triển trong vùng Thủ đô. Ưu tiên xây dựng không gian ngầm đô thị theo hướng tích hợp đa chức năng. Nâng cao chất lượng các dịch vụ công ích đô thị...

 Bên cạnh đó, Thành phố sẽ ưu tiên phát triển đô thị xanh, bền vững, thông minh, hiện đại. Đầu tư mở rộng khu vực đô thị, xây dựng hạ tầng khung, hạ tầng xã hội tại 05 huyện thành quận và đô thị vệ tinh. Hình thành các công trình, khu vực điểm nhấn đô thị mang tính biểu tượng, tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan đặc sắc của Thủ đô.

Nêu rõ về 19 chỉ tiêu của Chương trình 03, Chủ tịch HĐND Thành phố cho biết, đến năm 2025, hoàn thành Đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đối với 05 huyện: Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng. Hoàn thành xây dựng Đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ trên địa bàn Thành phố; triển khai cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ nguy hiểm cấp D; triển khai cải tạo, xây dựng lại 02-03 khu chung cư cũ và chuẩn bị triển khai các khu còn lại. Chỉnh trang 20 nhà biệt thự và 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954. Trồng mới 500.000 cây xanh đô thị (trong tổng số 3,5 triệu cây xanh trồng mới toàn Thành phố). 

Thành phố cũng sẽ cải tạo, nâng cấp 45 công viên, vườn hoa hiện có; đầu tư xây dựng mới 05 công viên, vườn hoa. Nâng tỷ lệ đô thị hóa lên 60-62%. Triển khai đầu tư xây dựng 2-3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh. Nâng tổng công suất khai thác của các nhà máy nước đạt 1,8 - 2 triệu   m3/ngày đêm; tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch 100%...

Phân tích kỹ về chỉ tiêu cải tạo chung cư cũ, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, hiện tại trên địa bàn thành phố Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, bao gồm 1.273 nhà thuộc 76 khu chung cư và 306 chung cư cũ độc lập, được xây dựng từ năm 1960-1994 và trước năm 1954. Trong những năm qua, Thành phố đã 2 lần kiểm tra, đánh giá sơ bộ hiện trạng các khu chung cư cũ và tới đây sẽ bố trí, sử dụng ngân sách Thành phố để triển khai công tác kiểm định, đánh giá chất lượng các chung cư cũ trên địa bàn.

Chủ tịch HĐND Thành phố cũng nhấn mạnh, để hoàn thành được chỉ tiêu này, cần tập trung 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Về nguồn vốn, về quy hoạch, về GPMB, về cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện. Trong đó, thành lập Ban Chỉ đạo của Thành phố để xây dựng, triển khai chương trình (kế hoạch) cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố.

Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn Thành phố

Quán triệt nội dung Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”, Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho biết, đây là một chương trình mới của nhiệm kỳ này, nhằm mục tiêu tổng quát là giải quyết hài hòa, hiệu quả giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển xã hội và quản trị xã hội. Phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững, không ngừng nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô, giảm chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị - nông thôn, phấn đấu đạt nhiều chỉ tiêu cao hơn mức chuẩn quốc gia, góp phần xây dựng Thành phố phát triển nhanh, bền vững và tiến bộ.

Chủ tịch HĐND Thành phố cũng phân tích kỹ hệ thống 27 chỉ tiêu của Chương trình 08, như giảm tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; Giải quyết việc làm 160.000 lượt người/năm; 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; 40% lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp trên lực lượng lao động trong độ tuổi lao động; Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 95%; Cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố; Duy trì 100% học sinh khuyết tật, học sinh là đối tượng bảo trợ xã hội, học sinh thuộc hộ nghèo được miễn học phí. Từng bước mở rộng đối tượng học sinh thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 100% học phí…

Đáng chú ý, Chương trình 08-CTr/TU cũng đề ra mục tiêu 100% người dân được quản lý sức khỏe; 85% phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được sàng lọc 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất; Tuổi thọ bình quân đạt 76,5 tuổi; 55% người sau độ tuổi nghỉ hưu được hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội hàng tháng và trợ cấp hưu trí, xã hội...

Chủ tịch HĐND Thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cũng tập trung quán triệt, phân tích về 3 yêu cầu, 6 nhiệm vụ chủ yếu về phát triển hệ thống an sinh xã hội, 6 nhiệm vụ chủ yếu về nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân cùng với 5 giải pháp trọng tâm.

Theo Cổng thông tin điện tử thành phố Hà Nội