27/11/2024 lúc 20:17 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nội: Hàng trăm giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn 'lòng như lửa đốt' vì nguy cơ bị mất việc

VNHN-Hơn 200 giáo viên hợp đồng cả cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành gần 30 năm, vừa viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước nguy cơ họ sắp bị mất việc.

VNHN - Hơn 200 giáo viên hợp đồng cả cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), trong đó có người đã cống hiến trong ngành gần 30 năm, vừa viết đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng trước nguy cơ họ sắp bị mất việc.

Rất nhiều giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) vẫn đang 'lòng nóng như lửa đốt' khi biết thông tin mình có thể sắp bị mất việc.

Ảnh: Đình Tuệ.

Hàng trăm giáo viên hợp đồng có nguy cơ bị mất việc

Theo đơn kiến nghị của hơn 200 giáo viên hợp đồng dạy cấp tiểu học và THCS ở huyện Sóc Sơn (Hà Nội), sau khi tốt nghiệp các trường sư phạm, họ được UBND huyện Sóc Sơn kí hợp đồng lao động và được phân công về giảng dạy tại các trường trên địa bàn. Tính đến thời điểm này, đã có giáo viên công tác trong ngành giáo dục huyện Sóc Sơn gần 30 năm.

"Ngay từ những ngày huyện Sóc Sơn còn thiếu giáo viên, chúng tôi đã nhận dạy hợp đồng cho huyện. Dù đời sống có gặp nhiều khó khăn nhưng chúng tôi luôn nỗ lực phấn đấu cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của huyện. Trong suốt thời gian công tác, chúng tôi đã thể hiện được năng lực chuyên môn của mình. 

Nhiều giáo viên hợp đồng chúng tôi đã từng là giáo viên dạy giỏi cấp huyện, cấp thành phố. Không ít thầy cô luôn là giáo viên mũi nhọn trong nhà trường, bồi dưỡng được nhiều học sinh giỏi tham gia kì thi học sinh giỏi cấp thành phố. Có thầy cô được tặng bằng khen các cấp, tặng huy chương vì sự nghiệp giáo dục.

Trong quá trình công tác, chúng tôi đều được đóng bảo hiểm liên tục, được tăng lương và hưởng các chế độ theo qui định. Vì vậy, chúng tôi đã yên tâm gắn bó với công tác giáo dục của huyện suốt nhiều năm qua", các giáo viên khẳng định.

Cũng theo đơn kiến nghị, vào cuối tháng 7/2018, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Nội vụ rà soát toàn bộ giáo viên hợp đồng tại các quận, huyện, không để tình trạng giáo viên hợp đồng lâu năm không được tuyển chính thức.

"Như vậy lãnh đạo thành phố đã có hướng mở đối với giáo viên hợp đồng lâu năm.

Ngày 21/01, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn kí văn bản số 146/UBND - NV về việc đăng kí nhu cầu tuyển viên chức đặc biệt đối với giáo viên đã hợp đồng từ 5 năm trở lên gửi về các trường trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Trên cơ sở rà soát nhu cầu của các nhà trường, UBND huyện đã có văn bản đề xuất gửi UBND TP Hà Nội về việc xét tuyển đặc cách đối với giáo viên dạy hợp đồng từ 5 năm trở lên.

Việc làm này của UBND huyện Sóc Sơn thể hiện sự quan tâm, chăm lo đến số phận của những giáo viên hợp đồng  trong huyện. 

Ngày 7/3, ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội kí quyết định số 1076/QĐ - UBND phê duyệt chỉ tiêu tuyển viên chức giáo dục TP Hà Nội, trong đó có huyện Sóc Sơn," đơn kiến nghị nêu rõ.

Tuy nhiên, các giáo viên cho biết, ngày 14/3 vừa qua, UBND huyện Sóc Sơn ban hành văn bản số 667/TB - UBND thông báo về việc tuyển dụng viên chức giáo dục huyện Sóc Sơn năm 2019. Theo đó, các giáo viên hợp đồng vẫn phải đăng kí để dự thi tuyển viên chức năm 2019. 

Cô giáo Hồng Vân (bìa trái) cho hay, nhiều giáo viên hợp đồng có hoàn cảnh rất đặc biệt, khó khăn. Ảnh: Đình Tuệ.

Nếu thi viên chức thì cơ hội đỗ của giáo viên hợp đồng rất mong manh

Ngày 22/3, UBND huyện Sóc Sơn mời 256 giáo viên hợp đồng trong toàn huyện để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của các giáo viên hợp đồng. Họ đều mong muốn được xét tuyển vào viên chức giáo dục không qua thi tuyển vì đã cống hiến cho ngành giáo dục Sóc Sơn từ năm 1995 đến nay. 

Trong đơn của các giáo viên cũng nêu, lãnh đạo huyện Sóc Sơn yêu cầu các giáo viên hợp đồng nộp hồ sơ thi, nếu thi không đỗ hoặc không thi thì cắt hợp đồng của các giáo viên này...

"Nhận được thông tin này, chúng tôi vô cùng hoang mang, lo lắng. Bởi lẽ, theo kế hoạch thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 do UBND TP Hà Nội ban hành không có chế độ nào ưu tiên đối với giáo viên đã hợp đồng lâu năm, như vậy rất thiệt thòi cho chúng tôi. 

Bên cạnh đó,  qui chế thi không có giới hạn về hộ khẩu, mọi thí sinh trên cả nước đều có quyền dự thi. Như vậy, số thí sinh tham dự kì thi tuyển viên chức đợt này sẽ tăng lên, mức độ cạnh tranh sẽ rất cao, cơ hội thi đỗ đối với giáo viên hợp đồng chúng tôi là khá mong manh. 

Như thế có nghĩa là, cuộc thi này có sự cạnh tranh khốc liệt giữa các thế hệ ông bà, cha mẹ và con cháu. Chỉ cần điều đó xảy ra đã khiến cả hai thế hệ vô cùng đau lòng. Nếu chúng tôi thi không đỗ, bị cắt hợp đồng thì hệ lụy kéo theo là không nhỏ: Danh dự bị tổn thương, cuộc sống bị đảo lộn, gia đình con cái nheo nhóc", cô giáo Bùi Hương Lan, giáo viên trường THCS Đức Hòa (Sóc Sơn, Hà Nội) chia sẻ. 

Còn theo cô Hồng Vân, giáo viên trường THCS Hiền Ninh, trong số các giáo viên hợp đồng tại Sóc Sơn còn có nhiều hoàn cảnh đặc biệt. Có người chồng mất, con nhỏ còn đang trong tuổi học hành, thậm chí có nhiều thầy cô phải đấu tranh với bệnh tật… 

"Khó khăn là vậy, chúng tôi vẫn yêu nghề, vẫn tha thiết được cống hiến. Nếu bây giờ yêu cầu chúng tôi thi thì sẽ không công bằng. Bởi lẽ chúng tôi ngày xưa được đào tạo tiếng Pháp, tiếng Nga mà bây giờ thi tiếng Anh thì làm sao chúng tôi có thể cạnh tranh với thế hệ trẻ bây giờ được đào tạo tiếng Anh bài bản  từ lớp 3 cho đến đại học. 

Hơn nữa chương trình đào tạo giáo viên bây giờ cũng khác ngày xưa rất nhiều nên rất khó cho chúng tôi những giáo viên lâu năm trong việc thi tuyển vào viên chức giáo viên theo quy chế thi năm 2019. 

Vậy chúng tôi khẩn thiết kính đề nghị các cơ quan cấp trên tạo điều kiện giúp đỡ, tạo cho chúng tôi một cơ chế nhân văn đó là xét đặc cách cho chúng tôi vào viên chức giáo dục thay vì thi tuyển như thí sinh tự do", cô Vân bày tỏ. 

Trao đổi với báo chí, ông Lê Hữu Mạnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn cho biết: "Chính sách thi tuyển viên chức là của thành phố theo tinh thần Nghị định 161 của Chính phủ. Việc muốn xét đặc cách cho các thầy cô hợp đồng thì không thuộc thẩm quyền của huyện nữa mà là thành phố. Nếu thành phố có muốn tuyển đặc cách cũng cần phải có ý kiến của Chính phủ. Nếu cấp trên tạo điều kiện để có cơ chế đặc biệt cho các giáo viên hợp đồng thì tốt quá". 

Việt Nam Hội Nhập điện tử sẽ tiếp tục thông tin.