24/11/2024 lúc 02:56 (GMT+7)
Breaking News

Chuyện lạ ở các trường THCS Sóc Sơn: Giáo viên Văn 'gánh' luôn môn Sử

VNHN - Mấy năm nay, ngành giáo dục đang tìm mọi cách để nâng cao vị thế môn Lịch sử trong trường phổ thông nhưng nhiều trường THCS ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội lại đang đi ngược lại chiều hướng đó bằng cách đưa hết giáo viên giỏi sang dạy Ngữ văn và phân công các giáo viên không chuyên, không qua đào tạo giảng dạy môn Lịch sử. 

VNHN - Mấy năm nay, ngành giáo dục đang tìm mọi cách để nâng cao vị thế môn Lịch sử trong trường phổ thông nhưng nhiều trường THCS ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội lại đang đi ngược lại chiều hướng đó bằng cách đưa hết giáo viên giỏi sang dạy Ngữ văn và phân công các giáo viên không chuyên, không qua đào tạo giảng dạy môn Lịch sử. 

Áp lực về thành tích nên coi nhẹ môn Lịch sử

Vì môn Ngữ văn là môn thi tuyển vào lớp 10 nên hiện nay các nhà trường đều rất lo lắng, dành sự ưu ái cho môn học này so với các môn Sử, Địa, Giáo dục công dân. Điều này dẫn đến một số trường coi môn Lịch sử là môn “phụ”, thậm chí phân công giáo viên dạy giỏi môn Sử sang dạy Văn (bởi giáo viên này học trường sư phạm được đào tạo hai môn Ngữ văn-Lịch sử) nhưng khi thi tuyển viên chức và quyết định viên chức lại là môn Sử. 

Nhiều người phụ trách chuyên môn ở Sóc Sơn thậm chí còn chia sẻ: “Môn Sử ai dạy chả được”, chính vì thế mới có chuyện ngược đời nhiều giáo viên dạy Ngữ văn ở Sóc Sơn lại nghiễm nhiên phải "gánh" thêm môn Lịch sử.

Cô H.G - viên chức môn Ngữ văn trường THCS P.L trên địa bàn Sóc Sơn bộc bạch: Nhiều năm nay tôi dạy Ngữ văn nhưng vẫn phải kiêm nhiệm thêm môn Lịch sử. Năm học 2016-2017 kỳ I dạy Lịch sử khối 8, sang kỳ II dạy Lịch sử khối 6 và khối 7 vì nhà trường thiếu giáo viên chuyên trách môn Sử. Năm học này nhà trường có đến 4 giáo viên chuyên Ngữ văn phải “gánh” môn Lịch sử, ai cũng bày tỏ sự lo lắng học sinh sẽ không hứng thú với môn học này bởi bài giảng thiếu sức hút, không được đầu tư đúng mức bởi giáo viên nào cũng phải dồn tâm huyết đầu tư cho môn chính của mình để đáp ứng yêu cầu của nhà trường. Thêm nữa, các đợt tập huấn hàng năm chỉ có giáo viên chuyên môn Sử mới được đi bồi dưỡng chứ giáo viên Văn kiêm nhiệm thì không được tham gia. Như vậy, sao có thể đảm bảo chất lượng giảng dạy? 

Để có giờ dạy Lịch sử hấp dẫn học sinh, giáo viên cần đầu tư sưu tầm, nghiên cứu nhiều tài liệu. Ảnh: Giaoducthoidai.vn.

Đặc thù môn Sử: Thầy giảng hay trò mới "say"

Nội dung chương trình môn Lịch sử trong trường phổ thông hiện nay được đánh giá là khá nặng và khô khan với nhiều số liệu, mốc thời gian cần ghi nhớ… Chính vì vậy, để môn học này trở nên hấp dẫn, thu hút học sinh, giáo viên phải vừa có chuyên môn, kiến thức vừa có phương pháp dạy thu hút và thực sự yêu thích Lịch sử. Nhiều người nói vui rằng riêng với môn này “thầy phải giảng hay, trò mới say”.

Tại Sóc Sơn, hầu hết các học sinh của trường THCS P.L và một số giáo viên trong huyện đều biết cô giáo P.T.H hiện đang là hiệu phó của một trường THCS là người dạy rất hay môn Lịch sử, được nhiều thế hệ học sinh ca tụng. Có những học sinh của cô H. dù ra trường rất lâu vẫn có thể say sưa kể về những trận đánh lớn chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ nhờ những bài giảng Lịch sử đã học ở trường phổ thông. 

Để dạy giỏi môn Lịch sử, giáo viên phải không ngừng tìm tòi đổi mới phương pháp dạy và trau dồi, cập nhật kiến thức và ứng dụng các công nghệ mới trong giảng dạy để tăng sức hấp dẫn cho bộ môn có tính đặc thù này.  

Thế nên, việc một số trường ở Sóc Sơn có tư duy không cần giáo viên chuyên Sử dạy Sử mà phân công lẫn lộn về chuyên môn khiến giờ học thiếu đi sự hấp dẫn, học sinh chán nản, mất trật tự, lười học bài cũ vì coi đây là môn phụ, học ít cũng được. 

Để đạt hiệu quả giáo dục cao nhất, việc phân công giáo viên dạy chuyên sâu một môn là tất yếu, đặc biệt là chất lượng dạy và học môn Sử đang “có vấn đề” trong nhiều năm qua. Nếu vì lý do thiếu giáo viên thì phân công không đúng chuyên môn, kiêm nhiệm cũng chỉ mang tính chất tạm thời không thể để tình trạng kéo dài nhiều năm như ở Sóc Sơn hiện nay, sẽ dẫn đến chất lượng giảng dạy môn Lịch sử ngày càng “đi xuống”, ngược với định hướng và yêu cầu của Bộ Giáo dục – Đào tạo. 

Phân công trái chuyên môn: Người dạy – người học đều nản

Xuất phát từ tình trạng áp lực về thành tích nên coi nhẹ môn Lịch sử, dồn giáo viên giỏi sang dạy Văn như đã nói ở trên, một số trường THCS ở Sóc Sơn đã phân công những giáo viên hợp đồng, giáo viên mới ra trường tay nghề còn non yếu và cả các giáo viên không được đào tạo về môn Sử dạy thay cho các thầy cô chuyên dạy Sử. Các môn xã hội khác như Địa lý, Giáo dục công dân cũng ở tình trạng tương tự.

Các giáo viên dạy môn Lịch sử cũng không vui vẻ gì khi nhà trường phân công trái chuyên môn nhưng vẫn không dám chống lệnh. Giáo Ngữ văn phải “gánh” thêm môn Sử cũng đâu khác gì “thiếu trâu mèo phải cày”, dẫn đến bài giảng gượng ép, tẻ nhạt. 

Em M. H, học sinh lớp 8 trường THCS P.L cho biết: “Năm lớp 6 em được học cô giáo dạy Sử rất hay nên mỗi giờ học đều vô cùng hấp dẫn, chúng em không chỉ có thêm kiến thức trong sách giáo khoa mà còn được cô khơi gợi tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc từ chính những bài giảng vô cùng tâm huyết. Nhưng từ năm lớp 7, trường phân công giáo viên Văn mới ra trường dạy môn Sử cho lớp nên các giờ học khá tẻ nhạt. Cô dạy theo kiểu đọc chép, hầu hết kiến thức đều có trong sách giáo khoa chứ rất ít kiến thức mở rộng hay câu chuyện lịch sử hấp dẫn, chính vì vậy chúng em cũng không còn dành nhiều sự quan tâm cho môn học này”.

Hiện nay, thầy và trò cả nước đang chung tay tìm mọi cách để môn Lịch sử khởi sắc trở lại, để môn Sử có được vị trí quan trọng như vốn có. Vậy nhưng một số trường THCS ở Sóc Sơn, Hà Nội lại đang “giết dần” môn Sử. Rất mong Phòng Giáo dục - Đào tạo và Ban Giám hiệu các nhà trường trên địa bàn huyện quan tâm, tìm biện pháp giải quyết triệt để tình trạng nêu trên để đảm bảo chất lượng dạy-học môn Sử nói riêng và chất lượng giáo dục nói chung./.