19/01/2025 lúc 10:28 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam phát huy tiềm năng, thế mạnh, đẩy mạnh thu hút đầu tư

Trong những năm gần đây, môi trường đầu tư của tỉnh Hà Nam luôn nhận được sự đánh giá cao của các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Sức hút mạnh mẽ đó được bắt nguồn từ những thế mạnh mà Hà Nam đang có trên nhiều phương diện như: điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, sự phát triển của hạ tầng giao thông, nhân lực... và quyết tâm của các cấp, các ngành; sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong việc ban hành các cơ chế, chính sách cải thiện môi trường đầu tư.

Hà Nam là tỉnh cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, nằm trên huyết mạch giao thông Bắc - Nam với hệ thống đường bộ, đường sắt, đường thủy hết sức thuận lợi. Vị trí chiến lược quan trọng cùng hệ thống giao thông đa dạng tạo cho Hà Nam lợi thế rất lớn trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội, khoa học - kỹ thuật với các tỉnh, thành phố trong vùng và cả nước, đặc biệt là với thủ đô Hà Nội.

Hà Nam sở hữu vị trí đắc địa, thuận lợi cho giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội.

Không chỉ có vị trí địa lý mang tính chiến lược, Hà Nam còn sở hữu nhiều thế mạnh về điều kiện tự nhiên như: khí hậu ôn hòa, ít thiên tai; tài nguyên đất đai với địa hình đa dạng; tài nguyên khoáng sản nổi bật với nguồn đá vôi chất lượng cao, trữ lượng lớn tới hơn 7 tỷ m3, là nguyên liệu quan trọng cho phát triển của nhiều ngành công nghiệp.

Bên cạnh đó, Hà Nam đang được đánh giá cao về môi trường đầu tư kinh doanh với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận. Xác định hạ tầng giao thông đi trước, mở đường cho sự phát triển kinh tế, giao thương và thu hút, Hà Nam tranh thủ sự quan tâm của Trung ương, đồng thời huy động tổng hợp các nguồn lực để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối liên vùng đảm bảo đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường bộ, đường thuỷ nội địa, cảng... nhằm mở ra không gian và cơ hội phát triển mới cho các ngành kinh tế quan trọng của địa phương như logistics, thương mại dịch vụ, du lịch...

Hạ tầng giao thông Hà Nam kết nối tốt với các khu vực lân cận.

Chất lượng giáo dục - đào tạo của Hà Nam nằm trong tốp đầu của cả nước. Khu Đại học Nam Cao được xác định là nơi đào tạo nhân lực chuyên môn kỹ thuật trình độ cao đã thu hút được nhiều cơ sở đào tạo lớn trong nước đăng ký về nghiên cứu đầu tư như: Tổ hợp giáo dục FPT UniSchool, Đại học Xây dựng... Hà Nam hiện có cơ cấu dân số trẻ, nguồn lao động dồi dào, có kiến thức văn hóa và tinh thần sáng tạo đáp ứng yêu cầu công việc của các doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, do thuận lợi về vị trí địa lý, không gian sống nên hằng năm tỉnh cũng thu hút hàng nghìn lao động trẻ từ các địa phương khác về sinh sống và làm việc.

Nguồn lao động trẻ dồi dào đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Trên đà phát triển, tỉnh Hà Nam đang tiếp tục tập trung cải thiện môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng sức cạnh tranh để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của địa phương. Song song với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh được coi trọng và đẩy mạnh, đặc biệt là các thủ tục hành chính có liên quan đến doanh nghiệp như cấp chứng nhận đầu tư, xây dựng, môi trường, đất đai... hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục đảm bảo thời gian nhanh nhất cho nhà đầu tư. Lãnh đạo tỉnh Hà Nam quan tâm tổ chức nhiều Hội nghị Gặp mặt các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các doanh nghiệp nhằm đưa ra những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hà Nam liên tục tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư, học hỏi kinh nghiệm tại các nước có nền kinh tế phát triển trên thế giới.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát huy, quảng bá các lợi thế; quan tâm chuẩn bị quỹ đất sạch, đầu tư xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhà đầu tư và hạ tầng xã hội, như: nhà ở công nhân, nhà trẻ, dịch vụ thương mại phục vụ nhu cầu chuyên gia nước ngoài và công nhân lao động tại các khu công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng; xây dựng, hoàn thành các công trình giao thông kết nối Hà Nam với các tỉnh, thành phố xung quanh; tiếp tục nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ, nhất là các dịch vụ về điện, nước sạch, bảo đảm phục vụ tốt hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; hỗ trợ tối đa các doanh nghiệp trong công tác tuyển dụng lao động…

Với những tiềm năng, lợi thế đó, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tình hình phát triển các khu công nghiệp tại Hà Nam vẫn đạt được những bước tiến đáng kể khi có thêm 4 khu công nghiệp mới được bổ sung vào quy hoạch phát triển, với tổng diện tích là 940 ha. Sự có mặt của các dự án đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia không chỉ đóng góp chủ lực cho tăng trưởng kinh tế, tăng thu ngân sách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định với mức thu nhập tốt cho người lao động mà còn tạo ra “làn sóng” đầu tư mới cho Hà Nam. Một thời kỳ mới đã mở ra cho chu trình hợp tác giữa Hà Nam với các nhà đầu tư chiến lược của Mỹ, Đức, Cộng hòa Czech, Thụy Sỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … thông qua các hội nghị xúc tiến đầu tư nước ngoài của lãnh đạo tỉnh diễn ra gần đây. Theo báo cáo tình hình thu hút đầu tư 6 tháng đầu năm 2024 trên địa bàn tỉnh, Hà Nam đã tạo ra bước đột phá khi thu hút 35 dự án (bằng 219% so với cùng kỳ 2023) và thực hiện điều chỉnh tăng, giảm vốn đầu tư 33 dự án (bằng 220% so với cùng kỳ 2023) với tổng vốn đăng ký mới và điều chỉnh là 396,1 triệu USD (bằng 260% so với cùng kỳ 2023) và 4.491,1 tỷ đồng (bằng 87% so với cùng kỳ 2023).

Trong thời gian tới, Hà Nam tiếp tục tập trung thực hiện các giải pháp thu hút đầu tư như hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, hiện đại và hạ tầng số thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó chú trọng quy hoạch khu y tế chất lượng cao, khu đô thị Đại học Nam Cao; quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp và phát triển chăn nuôi, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; vùng khai thác, chế biến vật liệu xây dựng; quy hoạch phát triển du lịch nông thôn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái, hỗ trợ cho các sản phẩm du lịch chính như: Du lịch sinh thái, tâm linh, nghỉ dưỡng, giải trí, sáng tạo, văn hóa, lễ hội; quan tâm xử lý, bảo vệ môi trường; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, triển khai có hiệu quả dịch vụ hành chính công từ tỉnh đến cơ sở, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp, nghiên cứu xây dựng bổ sung các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chung của tỉnh về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nhằm thu hút các dự án lớn, trọng điểm, dự án công nghệ cao…

Như Thiệp