22/11/2024 lúc 19:35 (GMT+7)
Breaking News

Phối hợp liên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tại Hà Nam

Sáng 4/9, Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị ký kết Chương trình phối hợp liên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ tại Nghị quyết số 24-NQ/TU ngày 25/4/2022 của Tỉnh ủy về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1516/QĐ-UBND ngày 09/8/2022 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thúc đẩy thực hiện nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch chuyển đổi số hàng năm của UBND tỉnh; Kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số tỉnh Hà Nam. Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nam đã ký kết chương trình phối hợp với 8 cơ quan gồm: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ, Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, Tỉnh đoàn, Hội Liên Hiệp Phụ nữ tỉnh. Qua đó, tăng cường mối quan hệ phối hợp công tác giữa các cơ quan trên địa bàn tỉnh; phối hợp hỗ trợ các cơ quan, đơn vị khác trên địa bàn tỉnh thực hiện chuyển đổi số; trong đó tập trung hỗ trợ UBND cấp huyện thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần thực hiện mục tiêu, quan điểm của Chính phủ. 

Đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Đức Vượng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam nhấn mạnh: Chuyển đổi số (CĐS) là một xu hướng tất yếu của thời đại, là yêu cầu cấp bách trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, cải cách hành chính, và tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng và doanh nghiệp. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi từ dịch vụ công, tiện ích xã hội thuận tiện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển. Bên cạnh đó, đồng chí cũng ghi nhận những kết quả đạt được trong lĩnh vực chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh thời gian qua, cụ thể:

Nhận thức về chuyển đổi số đã có sự thay đổi rõ rệt ở mọi cấp độ: Từ cấp ủy, chính quyền đến cán bộ, công chức đều đã được đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Người dân cũng đã được cơ quan nhà nước, Tổ công nghệ số cộng đồng tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng các nền tảng số trong việc thanh toán không dùng tiền mặt (như thanh toán tiền điện, tiền nước, học phí, viện phí...), sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các hoạt động chuyển đổi số này đang trở thành thói quen và không thể thiếu cuộc sống hàng ngày của mỗi người.

Hạ tầng số và các nền tảng số dùng chung của tỉnh từng bước được triển khai xây dựng. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đã và đang được triển khai xây dựng, kết nối và chia sẻ dữ liệu, mang lại những lợi ích thiết thực cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Hà Nam hiện luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có kết quả cao trong việc thực hiện Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông phát biểu tại lễ ký kết.

Để chương trình phối hợp được triển khai hiệu quả, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, các cơ quan, tổ chức, cá nhân, cán bộ, công chức nỗ lực, đồng lòng, hành động quyết liệt, tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp làm việc thông qua việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nền tảng số, công nghệ số; nội dung chương trình phối hợp cần được cụ thể hóa, lồng ghép trong kế hoạch, chương trình công tác hằng năm của mỗi cơ quan, tổ chức; kế hoạch triển khai phải rõ ràng, mục tiêu cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, đặc biệt trách nhiệm người đứng đầu.

Sở Thông tin và Truyền thông cần phát huy vai trò là cơ quan chuyên môn, thường trực Ban Chỉ đạo về CĐS tỉnh, điều phối các hoạt động CĐS trên địa bàn; kịp thời tham mưu với UBND tỉnh ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy tiến trình CĐS, xây dựng, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn, hỗ trợ các cơ quan trong quá trình tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách, kế hoạch, chương trình, dự án về CĐS theo giai đoạn và hằng năm; định kỳ tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết chương trình phối hợp. Các cơ quan, tổ chức tham gia ký kết chương trình phối hợp thường xuyên trao đổi, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời về những nội dung liên quan đến chương trình phối hợp; chủ động đề xuất nội dung, phương thức phối hợp hiệu quả; hằng năm đánh giá kết quả, kiểm điểm, rút kinh nghiệm để thực hiện cho năm tiếp theo.

Lãnh đạo các cơ quan ký kết chương trình phối hợp liên ngành thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh.

Sở Thông tin và Truyền thông cùng với 08 cơ quan, đơn vị ký kết Chương trình phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh cho thấy sự đồng lòng và quyết tâm chính trị rất cao của các cơ quan, đơn vị trong việc phối hợp thúc đẩy chuyển đổi số; thể hiện sự cam kết mạnh mẽ từ các cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số được Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, góp phần cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số mà Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã đề ra./.

Như Thiệp