19/12/2024 lúc 12:50 (GMT+7)
Breaking News

Hà Nam: Ứng dụng chuyển đổi số trong phát triển kinh tế nông thôn

Trong những năm qua, tỉnh Hà Nam xác định Chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng, tạo ra sự thay đổi toàn diện trong mọi lĩnh vực. Trên cơ sở đó, mỗi địa phương, cơ quan, doanh nghiệp đã nhanh chóng đề ra chiến lược và kế hoạch thực hiện Chuyển đổi số phù hợp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu phát triển của tỉnh.

Ngay sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 24 ngày 25/4/2022 về Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, UBND tỉnh đã chỉ đạo, xây dựng, ban hành Quyết định số 1516 ngày 09/8/2022 phê duyệt Đề án Chuyển đổi số tỉnh Hà Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 với mục tiêu: “Xây dựng đồng bộ chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số nhằm đổi mới phương thức, nâng cao hiệu quả trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp và hoạt động của các cơ quan, đơn vị; góp phần cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và các ngành kinh tế, hình thành và phát triển các ngành, lĩnh vực mới, thúc đẩy KT-XH phát triển nhanh và bền vững”

Những nỗ lực chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đã làm thay đổi nhận thức, cách làm truyền thống của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh. Một trong những điểm nhấn quan trọng trong chuyển đổi số thời gian qua là đẩy mạnh ứng dụng nền tảng số trong phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn.

Không chỉ tích cực ứng dụng công nghệ số vào đời sống, các hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp ở nông thôn đã chủ động áp dụng CĐS vào sản xuất, kinh doanh để tiết kiệm chi phí, nâng cao giá trị sản phẩm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Cùng với đó tận dụng tốt các nền tảng số để giới thiệu, bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp. Nhờ đó nhiều nông sản, sản phẩm làng nghề của Hà Nam từ lũy tre làng đã đến được với người dân trong nước và thế giới. Hà Nam đã triển khai 02 sàn thương mại điện tử chính là buudien.vn và Sàn thương mại điện tử Hà Nam, thu hút gần 70 nghìn hộ sản xuất nông nghiệp tham gia, trên 3.300 sản phẩm được đưa lên sàn, số lượng giao dịch trên sàn thương mại điện tử trên địa bàn tỉnh là trên 15.300 giao dịch.

Hà Nam đã triển khai Sàn thương mại điện tử với hàng nghìn sản phẩm được đưa lên sàn.

Hợp tác xã (HTX) sông trong ao Hải Đăng, xã Thanh Sơn, huyện Kim Bảng là một trong những đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cho đến nay, sau 5 năm hoạt động, trung bình mỗi năm HTX cung ứng cho thị trường hơn 100 tấn thủy sản các loại, có khoảng 70-80% lượng cá thu hoạch được HTX đưa vào chế biến các sản phẩm cá kho, chả cá rô phi và ruốc cá trắm. Đây là các sản phẩm OCOP đạt chứng nhận 4 sao, đạt tiêu chuẩn VietGap và được cấp giấy chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Để được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thời gian qua HTX đã mạnh dạn nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Với uy tín, chất lượng, sản phẩm của HTX đã có mặt tại các hệ thống siêu thị, cửa hàng bán nông sản sạch trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, HTX sông trong ao Hải Đăng cũng đã ứng dụng nền tảng công nghệ 4.0 trong việc bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội như Fanpage HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng, website hieuca.com.vn và zalo cá nhân, đồng thời bán hàng trên nền tảng online của Công ty bưu chính viễn thông và kênh bán hàng online của Viettel. Việc bán hàng trên nền tảng công nghệ 4.0 đã giúp HTX tiêu thụ được hơn 40% sản phẩm làm ra. Đánh giá về việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, anh Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc HTX khẳng định: đây được xem là yếu tố sống còn đối với mỗi cơ sở sản xuất, doanh nghiệp trong thời đại công nghệ số. Cơ sở nào tranh thủ ứng dụng sớm sẽ vượt lên trước và nắm bắt được các cơ hội để phát triển. 

Website: hieuca.com.vncủa HTX thủy sản sông trong ao Hải Đăng giúp DN tiêu thụ hơn 40% sản phẩm làm ra

Tại Công ty dược thảo Minh Đức, xã Công Lý (Lý Nhân) nấm đông trùng hạ thảo được trồng trong nhà có trang bị hệ thống điều hòa. Công nghệ số được ứng dụng để quản lý tự động quá trình sinh trưởng của nấm, bảo đảm chất lượng tốt nhất. Nấm đông trùng hạ thảo của công ty đã được chứng nhận OCOP và xếp hạng 3 sao. Hoặc như ở Công ty cổ phần sữa và giống bò sữa Mộc Bắc, xã Mộc Bắc, huyện Duy Tiên đã và đang đẩy mạnh áp dụng công nghệ số vào phần lớn các khâu sản xuất, quản lý, tiêu thụ, qua đó tiết kiệm được nhân lực, chi phí, đẩy mạnh sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm sữa. Công ty được cấp chứng chỉ châu Âu về chăn nuôi bò sữa. 

Trong thời đại công nghệ số, nhất là khi thương mại điện tử ngày càng bùng nổ, trở thành một trong những xu hướng mua sắm quen thuộc, CĐS trở thành bước ngoặt thiết yếu của doanh nghiệp bán lẻ. Với những làng nghề truyền thống, việc CĐS hiện nay xem như bước chuyển mình giúp nắm bắt thời cuộc. Với sự linh hoạt, nhạy bén trong nắm bắt thị trường, anh Nguyễn Bá Toàn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Đặc Sản Việt Nam – Dasavina đã thành công trong việc quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu cá kho truyền thống xã Hòa Hậu (Lý Nhân) thông qua nền tảng số. Trong đó, tận dụng tối đa tiện ích của mạng xã hội để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Thiết kế website doanh nghiệp với hình thức bắt mắt, nội dung thông tin đa dạng, cách thức mua hàng và thanh toán dễ dàng. Cùng đó, xây dựng đội ngũ nhân viên tư vấn, bán hàng chuyên nghiệp, trách nhiệm, hướng tới sự hài lòng của khách hàng. Khâu giao hàng, đóng gói và bảo quản sản phẩm cũng được chú trọng, bảo đảm chất lượng sản phẩm khi tới tay khách hàng. Việc bán hàng online có đóng góp lớn vào doanh thu của cơ sở.

Các hộ kinh doanh lụa tại xã Mộc Nam, Duy Tiên đẩy mạnh bán hàng qua MXH

HTX Du lịch sinh thái, dệt lụa Hồng Tiến (xã Mộc Nam, Duy Tiên) cũng đang từng bước ứng dụng khoa học công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý. Theo anh Nguyễn Hồng Tiến – Giám đốc HTX Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến, các thành viên của HTX luôn cố gắng ứng dụng công nghệ thông tin để quảng bá, bán hàng trong thời đại số, các xã viên của HTX đã được tạo điều kiện tham gia các lớp tập huấn về nội dung CĐS do các sở, ngành tổ chức. Đến nay, nhiều hộ thành viên đã có sản phẩm đăng tải trên các sàn thương mại điện tử, trên website, facebook. Đặc biệt, nhiều hộ đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, bán hàng. Không cần làm thủ công, ghi chép sổ sách như trước đây, với sự trợ giúp của phần mềm công nghệ, các hộ kinh doanh dễ dàng quản lý hóa đơn đầu vào, đầu ra, nắm bắt được sản lượng tiêu thụ, doanh số bán hàng trong ngày, sản phẩm được quảng bá rộng rãi hơn, được nhiều khách hàng trong và ngoài nước biết đến…

Với sự chủ động từ người dân, các HTX, doanh nghiệp ở nông thôn cùng các chính sách hỗ trợ của tỉnh, sự tích cực của ngành chức năng, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh, quảng bá, tiêu thụ nông sản, sản phẩm làng nghề khu vực nông thôn ngày càng mạnh mẽ. Qua đó khai thác tối đa tiềm năng kinh tế nông thôn trên nền tảng số, dịch chuyển kinh tế nông thôn phát triển theo hướng “kinh tế số”.

Như Thiệp