10/01/2025 lúc 22:05 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS.NGND Trần Nghi: Trọn cuộc đời vì ngành Địa chất nước nhà

GS.TS.NGND. Trần Nghi - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Tự nhiên; Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo, ĐHQG Hà Nội; Viện trưởng Viện Nghiên cứu Địa môi trường và Thích ứng biến đổi khí hậu là một nhà khoa học nhiệt thành, nhà giáo uyên bác, đáng kính. Suốt chiều dài sự nghiệp của mình, ông là người đã góp phần quan trọng định hình con đường phát triển ngành Khoa học Địa chất thời gian qua, là tác giả của nhiều công trình khoa học tiêu biểu đóng góp cho ngành địa chất nước nhà.

Ảnh chân dung GS.TS Trần Nghi bên Quả cầu địa chất bằng gỗ mít lớn nhất Thế giới do Giáo sư sáng tạo, thiết kế được chụp bởi GS.TS Tạ Hòa Phương.

GS.TS.NGND Trần Nghi sinh năm 1947 trong một gia đình hiếu học tại xã Quảng Minh, Thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Quê hương miền Trung giàu truyền thống và luôn dạt dào nghĩa tình ấy đã hun đúc trong ông tinh thần, ý chí và khát vọng phấn đấu học tập, nghiên cứu không ngừng nghỉ để thành công trong sự nghiệp sau này. Ông là một học sinh xuất sắc đặc biệt của tỉnh Quảng Bình vừa là học sinh của Ban  chuyên toán vừa là Ban chuyên văn của Trường và ông đã đạt giải nhất kỳ thi học sinh giỏi văn toàn tỉnh. Với tố chất năng khiếu toàn diện và lòng say mê học tập, sau khi tốt nghiệp phổ thông ông được nhận phần thưởng Bác Hồ-Phần thưởng cao quý nhất giành cho học sinh cuối cấp học lực đạt 10 môn học toàn điểm 5 (điểm tối đa). Nhờ thành tích đặc biệt đó Ban tuyển sinh tỉnh Quảng Bình vẫn quyết định cho ông đi học nước ngoài.Ông nhận được giấy báo nhập học tại trường ĐH Bắc Đại, Trung Quốc. Dù phải đi bộ vượt qua chặng đường dài để ra Hà Nội làm thủ tục học nhưng vì hoàn cảnh quốc tế nhiều biến động ông không sang học Trung Quốc nữa mà được phân vào học Khoa Địa lý-Địa chất Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Tại đây rất may mắn ông được gặp một người Thầy tài năng đức độ đáng kính - NGND, GS.TS Nguyễn Văn Chiển (người thầy và là nhà địa chất đầu tiên của Việt Nam), cùng phẩm chất thiên phú và niềm say mê khoa học bất tận. Và rồi, tốt nghiệp ĐH với thành tích xuất sắc, năm 1970, ông đã được Thầy Chiển giữ lại làm cán bộ giảng dạy tại trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Từ đó ông đã có một ý thức sẽ rèn luyện và phấn đấu cả sự nghiệp đào tạo và sự nghiệp nghiên cứu khoa học như một lẽ sống “hai trong một” của ông và ông đã vượt qua bao gian khổ, hy sinh thầm lặng để trở thành một trong những nhà địa chất đầu ngành của Việt Nam và Nhà Giáo Nhân Dân của một trường đại học lớn của đất nước.

Vừa tham gia giảng dạy, ông vẫn không ngừng trau dồi, học hỏi nhằm nâng cao kiến thức chuyên môn. Ông được cử tham gia kỳ thi tuyển NCS đi nước ngoài toàn quốc năm 1977. Sau khi đỗ thủ khoa ngành Khoa học Trái Đất, ông được cử sang NCS tại trường ĐH Tổng hợp Bucaret, Rumani. Đến năm 1982, ông đã bảo vệ xuất sắc luận án TS về Địa chất dầu khí tại ĐH Tổng hợp Bucaret. Về nước, GS.TS Trần Nghi tiếp tục công tác tại Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội. Nơi đây, ông đã đảm nhiệm nhiều cương vị khác nhau như : Phó Chủ nhiệm khoa Địa lý - Địa chất trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (1984 - 1992), Chủ nhiệm khoa Địa chất trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội (1996 - 2003); Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHTN, ĐHQG Hà Nội (2003 - 2008). Dù ở bất cứ cương vị, vai trò nào từng đảm nhiệm, GS. Nghi vẫn luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được ban lãnh đạo giao phó, được đồng nghiệp kính phục, học trò tin yêu. Năm 2009, ông thành lậpTrung tâm Nghiên cứu Biển và Đảo trực thuộc ĐHQG Hà Nội và ông được bổ nhiệm làm GĐ Trung tâm (2011–2015). Khi ấy, GS.TS Trần Nghi được Bộ KH &CN cử làm Chủ nhiệm chương trình “ NCKH và CN phục vụ quản lý biển, hải đảo và phát triển kinh tế biển (KC- 09/11 - 15). Năm 2016 ông đứng ra thành lập Viện Nghiên cứu Địa Môi trường và Thích ứng biến đổi khí hậu trực thuộc Liên hiệp các Hội KH & KT Việt Nam. Ông giữ chức Viện trưởng và điều hành các hoạt động của Viện từ 2016 đến nay.

Điều đặc biệt đối với GS-TS Trần Nghi là ông vẫn luôn đam mê cháy bỏng làm tốt việc nghiên cứu khoa học cả khi gắn với kiêm nhiệm nhiều công tác quản lý. Là nhà khoa học luôn tràn đầy năng lượng, tính đến nay GS.TS Trần Nghi đã viết và xuất bản 23 cuốn sách chuyên khảo và giáo trình được giới khoa học đánh giá rất cao.Các giáo trình đã và đang phục vụ cho công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học về khoa học trái đất ở các trường đại học trong nước, đặc biệt là đào tạo sau đại học.

Các sách chuyên khảo là tích hợp những kết quả nghiên cứu mới và những đổi mới sáng tạo quan trọng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn cao phục vụ cập nhật cho công tác nghiên cứu, điều tra tìm kiếm dầu khí và khoáng sản rắn trong Đệ Tứ của Việt Nam. Trong số đó có thể trích dẫn 12 cuốn sách giáo trình và chuyên khảo tiêu biểu do GS viết một mình hoặc chủ biên, bao gồm: Trầm tích học, Địa chất biển, Phân tích lát mỏng thạch học dưới kính hiển vi phân cực; Cơ sở khoa học Trái Đất; Trái Đất và Kho báu của nhân loại; Di sản Thiên nhiên thế giới - Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng; Trầm tích luận trong Địa chất biển và Dầu khí; Địa chất Pliocen - Đệ Tứ thềm lục địa Việt Nam và kế cận; Kiến tạo các bể Kainozoi vùng nước sâu thềm lục địa Việt Nam; Bách khoa thư Địa chất Việt Nam; Địa chất trầm tích Việt Nam và Atlas Trầm tích Việt Nam.

Đến tuổi nghỉ hưu GS-TS Trần Nghi vẫn tiếp tục chủ nhiệm 1 đề tài cấp nhà nước về “Biến động các địa hệ trong Holocen khu vực từ cửa Ba Lạt đến Cửa Đáy”. Đề tài đã được VTV2 xây dựng thành một bộ phim hết sức hấp dẫn có tiêu đề “ Nơi con Sông Hồng đổ về Biển Đông” có ý nghĩa tuyên truyền và phổ biến khoa học thiết thực. Cũng sau thời gian nghỉ hưu GS Trần Nghi đã dịch và xuất bản bằng Tiếng Anh 2 cuốn sách chuyên khảo do GS viết :”Địa chất Trầm tích Việt Nam” và “Atlas Trầm tích Việt Nam” tổng số 1500 trang. Mục đích GS-TS Trần Nghi muốn post lên mạng để thế giới tham khảo và chia sẻ một trường phái và quan điểm mới của tác giả về địa chất trầm tích Việt Nam.

Quan tâm đội ngũ khoa học kế cận, GS-TS Trần Nghi đã dành nhiều tâm huyết cho việc xây dựng một ngân hàng đề tài của luận án tiến sỹ từ các kết quả nghiên cứu khoa học đề tài và dự án cấp nhà nước. Đến nay, ông đã và đang hướng dẫn 37 nghiên cứu sinh, trong đó đã bảo vệ thành công luận án TS là 35 nghiên cứu sinh; hướng dẫn thành công 40 thạc sĩ. Trường Đại học Khoa học Tự nhiên đã đánh giá GS-TS Trần Nghi là người đạt kỷ lục hướng dẫn nhiều nghiên cứu sinh nhất trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và tất cả nghiên cứu sinh do GS Trần Nghi hướng dẫn đều bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ của mình. Ngoài những nghiên cứu sinh mà mình hướng dẫn GS Trần Nghi còn giúp rất nhiều nghiên cứu sinh do thầy khác hướng dẫn vượt qua những bế tắc khi đã gần hết thời hạn.

Không những thế, GS-TS Trần Nghi còn được coi là người nắm giữ kỷ lục trong việc đứng ra thành lập các bộ môn, khoa, viện, trung tâm, như: Bộ môn Trầm tích và Địa chất biển (1985); là một trong những người sáng lập ra 4 khoa thuộc Khoa học Trái Đất gồm: Khoa Địa chất; Khoa Địa lý; Khoa Khí tượng, Thuỷ văn và Hải dương học và Khoa Môi trường (1996); thành lập bộ môn Địa kỹ thuật và Địa chất Môi trường (1997); xây dựng bảo tàng địa chất từ con số 0 và phát minh ra mô hình quả cầu Địa chất - Kiến tạo độc đáo nhất thế giới: vỏ ngoài bằng gỗ mít tạc nổi 12 mảng kiến tạo, khung xương bằng gỗ lim, đường kính 2m, nghiêng 23o5, tốc độ quay 1 vòng/phút từ Tây sang Đông; thành lập bộ môn Địa Vật lý ứng dụng (1998); thành lập bộ môn Địa chất Dầu khí (2001); chủ trương mở mã ngành “Quản lý Tài nguyên Thiên nhiên”; mở khoá 1 “Chương trình đào tạo cử nhân khoa học tài năng Địa chất cùng với ngành Toán và Vật lý”; thành lập “Trung tâm nghiên cứu Biển Đảo” trực thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội; thành lập Viện “Nghiên cứu Địa Môi trường và Thích ứng Biến đổi khí hậu” trực thuộc Liên hiệp Các  hội KH & KT Việt Nam.

Với những đóng góp đáng tự hào suốt chiều dài sự nghiệp công tác, GS.TS.NGND Trần Nghi đã vinh dự được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ban ngành trao tặng nhiều danh hiệu cao quý:Danh hiệu CSTĐ toàn quốc, Huân chương Lao động hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Nhì, danh hiệu NGƯT, NGND, Bằng khen của Bộ GD & ĐT, UBND tỉnh Quảng Bình, Danh hiệu Trí thức tiêu biểu và bằng khen của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam 2019… và nhiều phần thưởng, giấy khen ghi nhận ý nghĩa khác.

Tiến Đức