24/11/2024 lúc 00:30 (GMT+7)
Breaking News

GS.TS.Hoàng Xuân Thảo: Chuyện một người Thầy xứ Nghệ mẫu mực và tâm huyết

Nghệ An - vùng đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và hiếu học lâu đời, nơi sinh ra nhiều bậc vĩ nhân, nhiều người con ưu tú cho đất nước. Tiêu biểu trong những người con hiếu học, thành đạt của xứ Nghệ thân thương, đó là GS.TS Hoàng Xuân Thảo. Ông là một nhà giáo mẫu mực, nhà khoa học tâm huyết và một trong những chuyên gia đầu ngành về Công nghệ thông tin có nhiều đóng góp quan trọng trong sự nghiệp phát triển các hệ thống phần mềm phục vụ công tác GD&ĐT cho nước nhà.

             Chân dung Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Xuân Thảo

GS.TS Hoàng Xuân Thảo, sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo, đông con, tại làng Tiên Bồng, xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Một vùng quê đầy nắng và gió, nhưng giàu nghĩa, giàu tình và giàu truyền thống cách mạng và hiếu học của cả nước. Hơn 40 năm cống hiến trong nghề, có thể nói, GS.TS Hoàng Xuân Thảo là một trong những chuyên gia xuất sắc về lĩnh vực Công nghệ thông tin, có công đóng góp rất lớn vào sự nghiệp giáo dục và xây dựng các hệ thống phần mềm phục vụ công tác đào tạo. Không những vậy, Giáo sư còn là một người lãnh đạo và người thầy mẫu mực luôn nhận được sự nể trọng của đồng nghiệp và sinh viên. Nhắc tới GS.TS Hoàng Xuân Thảo là nhắc tới hình tượng người tiên phong về chuyển đổi số trong nền công nghiệp 4.0, nhất là trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.

Sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm loại suất sắc, thầy Thảo được điều về dạy tại Trường cấp 2 Quỳnh Thiện, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Tại đây, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng cộng sản Việt Nam và được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Sau đó ông xin chuyển về xã Phú Thành, huyện  Yên Thành - quê hương của ông. Công tác tại huyện nhà một thời gian, ông được cử đi thi cùng với học sinh cấp 3 để tuyển chọn đi học nước ngoài. Kỳ thi hè năm đó (1970) ông đỗ thủ khoa và được gặp bộ trưởng Tạ Quang Bửu. Bộ trưởng cử ông đi học ngành Máy tính Điện tử (bây giờ là ngành CNTT) tại Trường ĐH TU Dresden - một trong 2 trường đại học danh tiếng của Đức. Thời gian học tại đây, ông đã miệt mài học tập và tốt nghiệp với tấm bằng đỏ (ausgezeichnet). Sau đó, thầy Thảo được phân công về giảng dạy tại Trường ĐH Sư phạm Hà Nội. Là ngành học mới mẻ, máy tính chưa có, ông đã tư vấn cho GS. TS Nguyễn Cảnh Toàn (Hiệu trưởng Trường) là dồn kinh phí và xin phép cấp trên cho mua một máy tính điện tử Đức. Đây cũng là chiếc máy tính điện tử  đầu tiên trong  tất cả các trường sư phạm cả nước lúc đó. Sau một thời gian, ông được cử đi học sau ĐH ở Đức. Nơi đây, ông đã bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với tấm bằng xuất sắc (sehr gut). Về nước, thầy Thảo về lại ĐH Sư phạm Hà Nội và được cử làm chủ nhiệm bộ môn trực thuộc (tương đương khoa) chuyên tổ chức giảng dạy các môn về Máy tính Điện tử và Quản trị máy tính đã có trước khi ông đi học lần hai tại Đức.

GS.TS Hoàng Xuân Thảo và tập thể cán bộ nhà giáo, nhà khoa học của Khoa Công nghệ Thông tin, trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội.

GS.TS Hoàng Xuân Thảo có kể cho tôi nghe một câu chuyện như sau: Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975, Bà Nguyễn Thị Bình lên làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục (1976-1987), nhờ tài ngoại giao của Bà, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Pháp tặng cho Việt Nam một Hệ thống mạng máy tính đầu tiên gồm 29 máy trạm, hai máy chủ và một số lớn các Phần mềm Giáo dục chạy phân tán trên máy trạm. Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình gặp GS.TS Phạm Quý Tư (lúc đó là Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề nghị cử cho một Giảng viên chuyên về Tin học phụ trách Hệ thống mạng này đặt tại 15 Hai Bà Trưng Hà Nội. Tôi được cử giữ chức vụ đó. Trong quá trình khai thác Hệ thống mạng, có rất nhiều đoàn đến tham quan, trong đó có đoàn Học sinh Thực nghiệm của GS.TS Hồ Ngọc Đại (con rể của Tổng Bí thư Lê Duẩn). Tôi quen Giáo sư Hồ Ngọc Đại từ đó. Thuở ấy những lúc “trà dư tửu hậu” người ta hay bàn luận về những chính khách trong “Cung đình”. Một hôm (tôi vốn đã biết chút ít về Phó Thủ Tướng Trần Phương qua lời kể của thầy giáo Đoàn Hữu Vượng (em gái anh Vượng lấy em trai GS. Trần Phương và anh Vượng cùng dạy với tôi ở ĐH Sư Phạm Hà Nội) tôi “tò mò” hỏi anh Đại: “Anh có biết Phó Thủ Tướng, GS. Trần Phương không?”. Anh Đại nói đại ý là có biết những cá tính đặc trưng  như: Bản lĩnh, phản biện sắc sảo, người có thực tài… Tình cờ một hôm (khoảng giữa năm 1995) tôi đến nhà GS. Phạm Minh Hạc (nguyên Bộ trưởng Bộ GS & ĐT từ 1987-1990). Anh Hạc ở gần nhà tôi trong làng Ngọc Hà, vợ anh dạy với tôi ở ĐH Sư phạm Hà Nội. Hôm ấy anh không có nhà, chị vợ bảo đi đâu với một người đàn ông nào đó từ sáng. Biết vậy, tôi định ra về thì nghe có tiếng xe máy dừng ở cửa, nhìn ra thấy một người đàn ông to lớn ngồi trên yên xe máy, ngồi sau là anh Hạc. Tôi ra chào hai người, anh Hạc giới thiệu “Đây là GS. Dương Minh Thi, chúng tôi có chút việc giờ mới xong”. Anh Hạc cũng giới thiệu với anh Thi về tôi…Tôi mời hai anh về nhà tôi gần đó uống trà, trong câu chuyện trưa hôm ấy tôi mới biết GS. Dương Minh Thi làm ở Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, anh Thi còn cho biết Hội đã làm thủ tục thành lập một trường Đại học. Trong cuộc“hàn huyên” hôm đó, biết tôi là Tiến sĩ Tin học Đức, anh Thi khuyên tôi về làm ở Trường của Hội khi Trường được phép thành lập. Tôi bảo:“Em bận lắm, thực ra hôm nay định gặp anh Hạc xin anh tư vấn xem nên đặt Trung tâm Phần mềm mà em định thành lập- theo Nghị định 35-HĐBT ngày 28-01-1992, ở đâu”. Anh Thi nói ngay:“Hay đặt ở Hội tôi, do anh Trần Phương làm Chủ tịch”. Tôi “giật bắn người” vì biết người mình có ấn tượng qua câu nói của GS. Hồ Ngọc Đại đây rồi. Tôi nói:“Ông ấy là Phó Thủ tướng, lại sắc sảo…em sợ khó nói chuyện”. Anh Thi bảo:“Yên tâm, tôi sẽ giới thiệu với GS. Trần Phương về anh! Hay chiều nay mình đến gặp luôn?”. Tôi đồng ý! Tạm biệt anh Hạc, hai Chúng tôi đi ngay đến nhà GS. Trần Phương ở “xóm Hưu trí Bắc Hưng hải Xuân Quan”. Đến nơi, anh Thi nói ngay:“Đây là anh Thảo, Tiến sĩ Tin học Đức, đang dạy ở Đại học Sư phạm Hà Nội, anh Thảo định xin anh đặt một Trung tâm Tin học chuyên về thiết kế Phần mềm tại Hội khoa học Kinh tế của ta, theo nghị định 35- HĐBT”. GS. Trần Phương hỏi lại:“Sao không đặt ở nơi khác, Hội thực sự đã cần lĩnh vực này chưa nhỉ?”. Tôi mạnh dạn: "Nghe nói Hội sẽ ra đời một Trường Đại học, Phần mềm có ý nghĩa với Trường lắm”. GS. Trần Phương bảo: “Ừ có lý, thế anh làm dự án đi tôi ký, sau này Trường ra đời, anh có nhu cầu về Trường làm việc sẽ tính sau. Còn gì nữa không?... Thế nhé, các anh về đi, mình còn bận chút việc”. Chúng tôi chào GS. Trần Phương và ra về. Cuộc gặp không quá 20 phút! Tôi cứ nghĩ một việc như vậy, ở một người khác còn bàn đi tính lại hàng tháng, có khi hàng năm…nhưng đối với Ông “Thật kỳ lạ- không quá 20 phút!”. Câu nói “Anh làm dự án đi tôi ký” trong khi Ông chưa hiểu gì về tôi, làm tôi hoàn toàn bất ngờ về “cách nhìn nhận người đối diện…” và tính “quyết đoán” của Ông... Từ đó về sau đi đâu anh Thi luôn gọi tôi đi cùng, nhất là trong công việc của anh Thi về “xúc tiến ra đời Trường” cùng đề án “thành lập Trung tâm Phần mềm- có tên tiếng Anh viết tắt là INTECEN” trực thuộc Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam. Không hiểu anh Dương Minh Thi đã nói những gì với GS. Trần Phương, chỉ biết rằng sau cuộc gặp đó không lâu, Trung tâm INTECEN có quyết định thành lập do GS. Trần Phương ký, đồng thời sau một thời gian ngắn, tôi cũng nhận được Giấy phép hoạt động do Bộ Khoa học và Công nghệ cấp. Khi Trường ĐH Kinh doanh & Công nghệ Hà Nội được thành lập tôi nhận được quyết định do GS. Trần Phương ký, cử làm chủ nhiệm khoa CNTT. Cuộc gặp  “định mệnh” đó, như có thần lực, làm thay đổi hướng đi của tôi…”

GS.TS Hoàng Xuân Thảo trong một chuyến về thăm Nhà thờ họ tại quê hương Tiên Bồng, xã Phú Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.

Về trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, GS.TS Hoàng Xuân Thảo đã cùng với PGS.TS Hoàng Xuân Lâm và một số giảng viên khác tổ chức luyện thi Olympic Tin học  Quốc gia và lập trình sinh viên Quốc tế. Ông có ý tưởng là quyết tâm làm tay đổi lối suy nghĩ cũ là chỉ có các Trường công mới có giải cao. Đến nay qua hơn 14 năm liên tục tổ chức cho Sinh viên thi Olympic Tin học Quốc gia, trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đã đạt 52 giải thi Olympic tin học, phần lớn là giải nhất và 2 giải Nhất lập trình Sinh viên Quốc tế. Ông cũng là người chủ biên gần 22 Giáo Trình CNTT và gần 20 bài báo khoa học in trên các tạp chí khoa học trong nước và ngoài nước. Ông đã cùng một số cán bộ trong Khoa và  Trung tâm tin học đã xây dựng một hệ thống phần mềm (14 phần mềm) tự động hóa quá trình thi kết thúc môn học và phục vụ cho quá trình đào tạo của Trường. Được biết, GS.TS Hoàng Xuân Thảo hiện là Chủ tịch Hội đồng các nhà đầu tư Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị - ngôi trường mà ông tâm huyết và dầy công xây dựng gần 20 năm nay. Là một nhà giáo luôn đặt chữ “Tâm” lên hàng đầu. Trên cương vị của người lãnh đạo, GS. Hoàng Xuân Thảo luôn chăm lo đến đời sống của cán bộ, giảng viên, công nhân viên nhà trường, ông luôn tạo mọi điều kiện để mọi cán bộ, giảng viên yên tâm giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Với các thế hệ học trò, ông luôn suy tư làm thế nào để các em có được các điều kiện học tập tốt nhất, đạt hiệu quả cao nhất, tiếp thu được nhiều kiến thức nhất… GS. Hoàng Xuân Thảo chính là tấm gương sáng, là người Thầy, mà các thế hệ học trò yêu mến, kính trọng. Ông luôn đặt vị trí của mình vào vị trí của người học để hiểu được tâm tư, nguyện vọng của học trò, hiểu được các em cần gì, mong muốn điều gì, muốn đạt được mục tiêu gì và Ông đã hết sức cố gắng để có thể giúp các em đạt được mục tiêu ấy. Con đường đến với tri thức vốn gập ghềnh, gian nan, trên con đường ấy thầy trò Trường ĐH Công nghệ và Quản lý Hữu Nghị luôn luôn đoàn kết phấn đấu theo những ý tưởng của GS.TS Hoàng Xuân Thảo đề ra. Bên cạnh đó, GS.TS. Hoàng Xuân Thảo còn là một người luôn tâm niệm “ăn quả nhớ người trồng cây”, người trồng cây có thể là người thầy của mình, cũng có thể là người mà mình hàm ơn, nhưng trên hết là bố mẹ, ông bà và tổ tiên của mình. Chính vì vậy mà Ông đã đứng ra tổ chức cùng nhân dân phục dựng lại đình Tây nơi thờ 2 Thành Hoàng là Tiến sĩ Lê Triều Hoàng Xuân Thì (Ông tổ họ Hoàng của Ông, có bia ở Văn Miếu Quốc Tử Giám) và Bồng Hồ Triệu Cơ Phạm Công Tài Tuấn, đồng thời xây dựng lại nhà nhờ nhánh họ Hoàng Xuân và khu mộ nhánh đó. Ông còn thành lập quỹ “Khuyến học Hoàng Xuân” dùng để khuyến khích các em học giỏi, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên  học giỏi. Ông luôn trăn trở là tìm một số cây ăn quả có năng suất cao hợp với khí hậu quê ông để bà con nông dân dần dần thay thế các giống cây cũ không có hiệu quả kinh tế cao. Chính vì vậy mà ông đã tự đứng ra thành lập khu “Công nghệ  Hoàng Xuân” và nhờ sự giúp đỡ của Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước là Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội) đã trồng trên 60 loại cây, bà con đến thăm quan và định hình được một số giống cây thích hợp. 

Nghĩ tới  GS.TS Hoàng Xuân Thảo, tôi lại nhớ đến hai câu kiều:

                      “ Thiện căn ở tại lòng ta

                  Chữ TÂM kia mới bằng ba chữ TÀI”

Ông cũng đã nhiều tuổi, nhưng ông vẫn say mê làm việc không mệt mỏi,  chắc không phải chỉ vì “miếng cơm manh áo” cho chính mình…

Tiến Đức