Quản tài viên là một nghề mới ở nước ta, mới ra đời khoảng 6 năm, kể từ khi Luật Phá sản 2014 có hiệu lực. Qua thực tiễn hoạt động, quản tài viên gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thực thi trách nhiệm của mình. Điều đó đặt ra vấn đề cần xem xét sửa đổi một số quy định pháp luật cho phù hợp hơn.
Ảnh minh họa - Internet
270 quản tài viên và 40 DN thanh lý tài sản
Quản tài viên, là cá nhân hành nghề quản lý, thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Đây là một chế định rất mới trong Luật Phá sản 2014, được pháp luật trao cho rất nhiều nhiệm vụ và quyền hạn, có vai trò rất lớn trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng của mình, quản tài viên gặp “vướng” nhiều, cần có những quy định hoàn thiện chế định này.
Báo cáo tổng kết thi hành Luật Phá sản của Bộ Tư pháp cho biết, từ khi Luật Phá sản có hiệu lực từ năm 2015 đến nay, Bộ Tư pháp đã tổ chức được hơn 12 lớp tập huấn, bồi dưỡng với hơn 650 lượt người tham dự. Tính đến tháng 4/2020, cả nước có 270 quản tài viên hành nghề với tư cách cá nhân; hơn 40 doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đang hoạt động.
Các quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đã được tòa án chỉ định trong vụ việc phá sản doanh nghiệp. Việc giải quyết các vụ phá sản đã đạt được một số kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2015, các cơ quan thi hành án dân sự chỉ thụ lý 16 vụ việc về phá sản, tương đương số tiền 147,078 tỷ đồng thì đến năm 2017, đã thụ lý 107 vụ việc (tăng gần gấp 7 lần so với năm 2015) với số tiền 248,748 tỷ đồng (tăng gần gấp 2 lần so với năm 2015) và tiếp tục tăng lên trong 6 tháng đầu năm 2020 với 113 vụ việc về phá sản và hơn 347 tỷ đồng.
Sở Tư pháp các địa phương đã tổ chức đăng ký hành nghề, lập, công bố danh sách quản tài viên hành nghề quản lý, thanh lý tài sản tại địa phương mình trên cổng thông tin điện tử của sở tư pháp, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tòa án nhân dân các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan được biết thông tin về đội ngũ quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
Gặp vướng…
Trả lời Báo điện tử Chính phủ, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) Nguyễn Thị Mai cho biết, do chế định quản tài viên còn khá mới mẻ ở Việt Nam nên hoạt động của quản tài viên vẫn gặp nhiều khó khăn do vướng mắc cả về thể chế lẫn thực tiễn thi hành. Luật Phá sản trao cho quản tài viên nhiều quyền trong quá trình phá sản của doanh nghiệp nhưng vẫn còn thiếu các cơ chế cụ thể, rõ ràng để quản tài viên thực thi các quyền và nghĩa vụ của mình.
Theo bà Mai, trên thực tế, còn tình trạng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan, thậm chí cả doanh nghiệp phá sản, không phối hợp với quản tài viên trong việc xác minh, thu thập, quản lý tài liệu, chứng cứ liên quan đến hoạt động, lập bảng kê tài sản, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, đặc biệt là thu hồi và ngăn chặn việc tẩu tán tài sản của doanh nghiệp phá sản. Điều này gây khó khăn trong hoạt động quản lý, thanh lý tài sản của quản tài viên. Thậm chí, có tình trạng quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản không tiếp tục thực hiện nghĩa vụ hoặc từ chối khi được thẩm phán chỉ định tham gia vụ phá sản.
Quản tài viên Lê Hoàng Nhí (TP. Cần Thơ) cho biết, từ khi có chế định quản tài viên theo Luật Phá sản năm 2014, hoạt động quản lý, thanh lý tài sản đã và đang phục vụ giải quyết hiệu quả các vụ việc phá sản. Tuy nhiên, trong Luật Phá sản năm 2014 vẫn còn một số vấn đề cần hoàn thiện để nâng cao hiệu quả, tiến độ giải quyết vụ việc phá sản.
Đó là, quy định chưa rõ ràng, thiếu văn bản hướng dẫn như thủ tục kiểm kê lại tài sản; chưa có hướng dẫn về thành phần tham gia, thời hạn thực hiện, cách xác định giá trị tài sản và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình kiểm kê. Công tác bố trí, tổ chức hội nghị chủ nợ cũng chưa hướng dẫn chi tiết; chưa có quy định hoặc dẫn chiếu giải quyết đề nghị, kiến nghị xem xét lại nghị quyết hội nghị chủ nợ thông qua phương án phục hồi hoạt động kinh doanh. Thẩm quyền toà án nhân dân cấp cao trong giải quyết phá sản chưa cập nhật phù hợp Luật Tổ chức toà án nhân dân năm 2014, đặc biệt là công tác xem xét lại quyết định đã có hiệu lực (thủ tục đặc biệt theo Luật phá sản)… Những vấn đề này buộc các cơ quan phải tiến hành họp, trao đổi, xin ý kiến cấp trên, mất nhiều thời gian, gây ảnh hưởng trực tiếp đến trình tự, thủ tục phá sản.
Do đó, quản tài viên Lê Hoàng Nhí đề nghị, cần tăng cường quyền hạn của quản tài viên và phổ biến pháp luật về phá sản; quan tâm xây dựng quy tắc đạo đức nghề nghiệp quản tài viên; thành lập tổ chức xã hội nghề nghiệp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn và bảo vệ hoạt động hành nghề quản tài viên (nghề mới tại Việt Nam)...
Cần thống nhất quản lý, giám sát quản tài viên
Theo Bộ Tư pháp, hiện nay, Luật Phá sản và Nghị định số 22/2015/NĐ-CP quy định tòa án là cơ quan trực tiếp chỉ định, thay đổi, giám sát hoạt động, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Trong khi đó, việc cấp, thu hồi Chứng chỉ hành nghề quản tài viên, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản được giao cho Bộ Tư pháp thực hiện. Điều này gây ra sự thiếu thống nhất và khó khăn trong thực tiễn quản lý, giám sát hoạt động của quản tài viên cũng như việc đề xuất, triển khai các cơ chế, biện pháp hỗ trợ hoạt động hành nghề đối với đối tượng này.
Trình độ năng lực của một số người tiến hành thủ tục phá sản (thẩm phán, kiểm sát viên, quản tài viên, chấp hành viên…) còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác giải quyết phá sản doanh nghiệp; thiếu sự am hiểu sâu sắc về nội dung Luật Phá sản và các lĩnh vực chuyên ngành khác như tài chính, ngân hàng, quản lý kinh tế, kế toán thống nhất và các ngành luật khác. Trong một số trường hợp, thẩm phán còn chưa nắm rõ về chế định quản tài viên, về vị trí, vai trò của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản, do đó, việc chỉ định quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thực hiện nhiệm vụ theo quy định còn chậm, ảnh hưởng chung đến quá trình giải quyết vụ việc phá sản.
Để giải quyết những khó khăn, bất cập này, Bộ Tư pháp kiến nghị cần sớm hoàn thiện thể chế, pháp luật về phá sản.Cụ thể, cần khắc phục các vướng mắc, bất cập phát sinh trong các quy định của Luật Phá sản năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ Tư pháp đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao chủ trì nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung vướng mắc, bất cập của Luật Phá sản năm 2014, góp phần đẩy mạnh quy trình giải quyết phá sản, bảo đảm tính hiệu quả, đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật về phá sản, tạo môi trường kinh doanh đầu tư lành mạnh.
Đối với hoạt động hành nghề của quản tài viên, Bộ Tư pháp đề nghị Tòa án Nhân dân Tối cao nghiên cứu quy định theo hướng một đầu mối tòa án là cơ quan thống nhất vừa thực hiện cấp phép, đăng ký hành nghề vừa chỉ định quản tài viên tham gia giải quyết vụ việc phá sản thay vì 2 cơ quan khác nhau như hiện nay. Từ đó, khắc phục khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý, giám sát cũng như tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi hỗ trợ hoạt động của quản tài viên, thúc đẩy hiệu quả quy trình giải quyết thủ tục phá sản.
Theo số liệu thống kê, năm 2019, chỉ số phá sản doanh nghiệp của Việt Nam đạt 38 điểm (so với điểm của năm 2018 là 34,93). Mặc dù tăng 11 bậc so với năm 2018 nhưng chỉ số này của Việt Nam vẫn đứng ở vị trí rất thấp trên thế giới (122/190 nền kinh tế) với thời gian trung bình là 05 năm để giải quyết 01 vụ việc phá sản. Tỷ lệ thu hồi nợ chỉ đạt 21,3%; chi phí giải quyết phá sản doanh nghiệp lên tới 14.5%; kết quả giải quyết phá sản doanh nghiệp chỉ đạt 0 điểm (do hầu hết các trường hợp đều bị tuyên bố phá sản và phải thanh lý, không phục hồi được); chất lượng của khuôn khổ pháp lý về phá sản doanh nghiệp chỉ đạt 8,5/16 điểm.