Hiện trạng hiện nay về giao thông tĩnh Hà Nội cũng như đề xuất một số giải pháp về quản lý khai thác trong thời gian tới cần nghiên cứu
- Thực trạng về giao thông tĩnh trên địa bàn TP Hà Nội, đi trên các đường phố trung tâm Hà Nội hiện nay (hoặc cả TP Hồ Chí Minh) chúng ta dễ dàng nhận thấy ô tô đỗ dọc các hàng dài theo các tuyến phố, trên một phần hè hoặc toàn bộ hè phố, đẩy người đi bộ xuống phần đường dành cho xe chạy, thí dụ trên phố Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Nhật Duật, Trần Quang Khải, Láng Hạ, Thái Hà… Tình trạng này cũng đang diễn ra tại một số tuyến đường ở các khu đô thị mới như Bắc Linh Đàm, Định Công, Trung Hòa… những nơi tập trung trước công sở nhà nước, các văn phòng đại diện trong và ngoài nước, các Trung tâm thương mại, siêu thị, bệnh viện, trường học. Hiện nay có phòng trào xây dựng nhiều tuyến phố văn minh, ý tưởng hay phần nào đã góp phần làm cho nhiều tuyến phố khang trang, sạch, đẹp, người đi bộ có chỗ đi đúng nghĩa. Tuy nhiên chưa có giải pháp đồng bộ, nên xe máy, xe đạp rơi vào cảnh không có chỗ đỗ xe, dẫn đến nhiều chỗ đỗ xe tự phát mọc lên.
- Phương tiện: số lượng phương tiện ngày càng gia tăng. Trên địa bàn TP Hà Nội, có gần 160.000 xe ô tô các loại đang tham gia giao thông, trong đó khoảng 58.000 xe của các đơn vị, cơ quan trong thành phố, 18.000 xe các tỉnh thường xuyên ra vào thành phố, 11.000 xe buýt và tắc xi, 62.000 xe của các tổ chức và cá nhân khác. Ngoài ra có khoảng 1,5 triệu xe máy, 1 triệu xe đạp, xích lô tham gia giao thông.
- Hệ thống các bến bãi, điểm đỗ xe đều do công ty khai thác điểm đỗ xe quản lý gồm: 134 điểm với tổng diện tích khoảng 258.890 m2, cho phép đỗ xe trên 7.000 xe, trong đó 7 bến đỗ xe trong khuôn viên được xây dựng theo quy hoạch ổn đinh, với tổng diện tích là 185.250 m2, chứa khoảng 2.800 xe. 127 điểm đỗ xe trên hè phố, đất lưu không với diện tích 73.639 m2, chứa khoảng 4.500 xe. Khoảng 15 bến, bãi đỗ xe khách nội tỉnh và xe khách liên tỉnh với quy mô 1,15 ha. Ngoài ra có khoảng 150 điểm trông giữ xe của các cơ quan tận dụng khai thác trên các diện tích đất lưu không trong khuôn viên như sân trường, bệnh viện, trụ sử cơ quan, kho tàng hoặc các hầm ngầm của các khách sạn lớn, nhà chung cư… khó có thể tính được diện tích chính xác. Trên cơ sở các số liệu thống kê được thì diện tích đất dành cho giao thông tĩnh chỉ chiếm khoảng 0,72% quỹ đất xây dựng đô thị (5.676 ha), nếu tính cho đất nội thị (8.438 ha) thì chỉ chiếm 0,48%. Tỷ lệ thấp như vậy cho thấy chỉ đáp ứng được 25 - 30% số lượng xe đang hoạt động trên địa bàn.
Qua phân tích cho thấy: Hà Nội thiếu nhiều các bãi, điểm đỗ xe công cộng. Tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh quá thấp trong khi đó tốc độ gia tăng đột biến về phương tiện, đặc biệt xe con cá nhân đang tăng cao. Thiếu các điểm đỗ và bãi đỗ cho các loại xe lớn như xe tải, xe du lịch, các bãi đỗ xe hiện tại chỉ phù hợp với xe con, xe vận tải nhỏ là chính. Các bến xe vận tải liên tỉnh cũng vậy, thường có quy mô nhỏ, gắn kết hệ thống chợ chính, chưa có bến xe tải đầu mối quy mô lớn. Tại các khu vực cửa đầu ngõ, đầu mối giao thông thiếu các điểm dừng hỗ trợ cho các tổ chức giao thông, cho nên phương tiện phải đỗ dưới lòng, lề đường càng gây ách tắc. Mạng lưới các điểm đỗ xe không hợp lý về mật độ, vị trí và khoảng cách. Nhiều đô thị mới chưa tính đúng, tính đủ cho bãi đỗ xe, mà mới chỉ bố trí riêng biệt cho các nhà cao tầng. Nhiều khách sạn, trung tâm thương mại không có chỗ đỗ xe, hiện tượng chiếm dụng đường phố làm nơi đỗ xe khá phổ biến. Quá trình xây dựng luôn chạy theo nhu cầu, ngay cả trong việc xác định vị trí và quy mô quỹ đất. Cơ sở hạ tầng kỹ thuật của điểm đỗ xe và bãi đỗ xe còn nghèo nàn, hình thức bãi đỗ đơn điệu, chủ yếu trên mặt đất, trang, thiết bị phục vụ thiếu và chưa đồng bộ… Nhiều tổ chức, các nhân tham gia kinh doanh, khai thác điểm đỗ xe dẫn đến tình trạng không kiểm soát và quản lý nổi, gây lộn xộn, mất an toàn, phá vỡ quy hoạch và còn làm nhà nước thất thu. Tổ chức, quản lý còn phân tán và hạn chế. Mặc dù quy hoạch bến bãi đỗ xe đã được UBND TP phê duyêt, nhưng quá trình triển khai quy hoạch còn chậm, những chính sách đi kèm thiếu và chưa đồng bộ, nhất là tình trạng thiếu vốn…
Giao thông tĩnh trên địa bàn Hà Nội là một bộ phận quan trọng của tổ chức giao thông đô thị, là một loại hình dịch vụ, phục vụ không thể thiếu của mỗi đô thị. Quy hoạch sử dụng đất là cơ sở để quyết định quy mô của mỗi một bến, bãi đỗ xe trong đô thị. Quy hoạch tổ chức không gian và quy hoạch sử dụng đất cùng quy hoạch giao thông là cơ sở để xác định vị trí, quy mô hợp lý của bến, bãi đỗ xe. Quy hoạch giao thông muốn đạt hiệu quả cao không những phải giải quyết tốt về cấu trúc, lựa chọn loại phương tiện, phan bố vận tải… mà còn phải giải quyết hợp lý và đầy đủ về bố trí một hệ thống giao thông tính, thuận tiện, thuận lợi và an toàn.
Giải pháp chung và cụ thể cho từng khu vực đô thị cần tổ chức triển khai quy hoạch hệ thống bến bãi, điểm đỗ xe đã được phê duyệt lập quy hoạch chi tiết bến bãi đỗ xe cho từng quận, đặc biệt là các quận mới để xác định quỹ đất, quy mô cụ thể. Sắp xếp hợp lý các điểm bãi đỗ xe hiện tại trong nội thành Hà Nội. Có chính sách phát triển phương tiện vận tải đô thị, kiểm soát cơ cấu phương tiện, bao gồm cả tăng trưởng và thành phần phương tiện. Ưu tiên phát triển giao thông công cộng. Ưu tiên vốn đầu tư xây dựng dứt điểm một số bãi đỗ xe lớn theo quy hoạch như Xuân Phương, Vĩnh Quỳnh, Mai Lâm, Lĩnh Nam, Bắc Yên Viên… Xây dựng và ban hành những chính sách về thuế, lệ phí gồm thuế sử dụng đất, thuế cho các hoạt động dịch vụ, phí đỗ xe theo thời gian và vị trí - khu vực đỗ xe (khu vực trung tâm cao hơn và thấp dần ở khu vực kế cận cũng như ngoại ô). Tăng cường đầu tư trang, thiết bị hiện đại cho bãi, bến xe ổn định. Thống nhất khai thác quản lý bãi, bến đỗ, điểm đỗ xa trên địa bàn thành phố.
Giải pháp cụ thể, đối với khu vực phố cổ cần bố trí các khu vực đỗ tập trung tại khu vành đai. Tận dụng bố trí điểm đỗ xen kẽ trong khu vực cây xanh công viên và những điểm đỗ ngầm dưới công trình xây dựng mới. Sử dụng một số tuyến phố ở khu vực phụ cận để đỗ xe ban đêm. Đối với khu vực hạn chế phát triển và mở rộng phát triển, quỹ đất không nên chuyển đổi sang sử dụng vào mục đích khác mà ưu tiên cho đất đỗ xe, giữ lại các điểm đỗ hiện trạng có vị trí hợp lý. Có thể xây gara ngầm dưới vườn hoa công viên và cả hổ nước. Đất của nhà máy, xí nghiệp trong nộit thành phải di dời ra ngoại thành có thể sử dụng một phần làm bãi đỗ xe theo hình thức lấy toàn bộ hoặc một phần lô đất để xây gara cao tầng hoặc lấy tầng ngầm làm điểm đỗ tùy theo quy mô. Yêu cầu bắt buộc các công sở, các trung tâm thương mại dịch vụ công cộng phải tự giải quyết nhu cầu đỗ và khuyến khích có dịch vụ công cộng. Sử dụng một số tuyến phố, các trụ sở cơ quan hành chính có khuôn viên rộng trong khu vực làm điểm đỗ xe, nhất là về đêm. Bố trí các điểm đỗ ở khu vực phụ cận, đặc biệt tại các đô thị mới, chuyên phục vụ cho khu hạn chế phát triển. Vị trí điểm đỗ tiện lợi, kết hợp với giá vé thấp và dịch vụ kỹ thuật phương tiện đồng bộ. Do hạn chế về mạng lưới đường, khi đầu tư xây dựng những tuyến mới, phải thiết kế bổ sung hệ thống điểm, bến đỗ gắn kết cùng tuyến đường.
Đối với khu vực xây mới, đây là những khu vực thuận lợi nên phải tính đủ để đáp ứng 100% nhu cầu về bản thân khu vực, mặt khác còn hỗ trợ cho khu vực xung quanh. Bố trí điểm đỗ kết hợp chức năng dịch vụ kỹ thuật ô tô, của thành phố tại khu vực này. Các điểm đỗ và bến bãi đỗ xe độc lập phải tính thêm 20% quỹ đất trồng cây xanh để bảo đảm độ che phủ trọng điểm, bãi đỗ đạt trên 60% tổng diện tích đất.
Đối với khu chung cư cao tầng, bắt buộc các nhà chung cư phải bố trí đủ chỗ để xe. Nên dùng gara cao tầng để sử dụng hiệu quả quỹ đất, bố trí gara cao tầng độc lập trong khu vực xây dựng chung cư trên 10 tầng và gara ngầm kết hợp với công trình trong khu vực xây dựng chung cư dưới 10 tầng. Có thể bố trí gara cao tầng cho một số cụm chung cư thấp tầng xen kẽ.
Đối với các khu thể dục thể thào và các khu vui chơi, giải trí, nếu có điều kiện thì nên bố trí ngay trong khuôn viên. Lấy giao thông công cộng làm hình thức vận tải chủ đạo, để giảm quỹ đất đỗ xe, đưa vào khai thác phục vụ đỗ công cộng đối với các điểm đỗ có thời gian sử dụng thấp và các điểm đỗ thường không sử dụng hết công suất. Chú trọng tới bố trí cây xanh để đảm bảo cảnh quan và chế độ ổn định về nhiệt để bảo vệ phương tiện.
Tại các đầu mối giao thông, dọc tuyến quốc lộ và đường vành đai, phải được tổ chức rất triệt để và khoa học để làn xe tách nhập khi ra vào bãi đỗ xe thuận tiện. Dọc trên các tuyến quốc lộ cũng như các đường vành đai cần bố trí điểm đỗ dọc tuyến với quy mô vừa, dạng điểm dừng cho công tác cứu hộ, cứu nạn, cung cấp nhiên liệu, kỹ thuật… với khoảng cách trung bình giữa các điểm là 2 km. Kết hợp điểm đỗ xe này với các điểm đỗ xe đầu mối, các điểm đỗ xe theo các khu công nghiệp, các điểm đỗ đối ngoại, tận dụng khai thác các trạm duy tu bảo dưỡng, dịch vụ kỹ thuật và dịch vụ cho lái xe…
Giao thông tĩnh là một vấn đề lớn trong các đô thị hiện nay của Việt Nam, đặc biệt tại các đô thị lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh… Giải quyết có hiệu quả về giao thông tĩnh đáp ứng yêu cầu hiện tại và phát triển trong tương lai của hệ thống dịch vụ này là góp phần cải thiện chất lượng hoạt động của hệ thống giao thông đô thị nói riêng và góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân đô thị nói chung.
PGS,TS Nguyễn Hồng Tiến