VNHN - Trên thế giới khái niệm “E-learning” (giáo dục từ xa) và “Working from home” (Làm việc tại nhà) đã được đề cập từ khá lâu.
Trong khi loài người chưa có khả năng chỉ một, hai tháng nghiên cứu thành công và sản xuất đại trà các loại thuốc tiêu diệt các chủng virus gây bệnh mới xuất hiện thì các biện pháp nâng cao khả năng miễn dịch cộng đồng phải được xem là chiến lược hàng đầu. Chính vì thế việc phê phán hay tỏ ý không đồng tình với kế hoạch phòng bệnh nhằm đạt kết quả “miễn dịch cộng đồng có kiểm soát” của một số nước không nên để xuất hiện trên mặt báo.
Cách lập luận số đông nhiễm bệnh tạo ra hàng rào giúp bảo vệ những nhóm nhỏ dễ tổn thương khi chưa có vắc xin và thuốc chữa nhằm khôi phục lại các hoạt động kinh tế sớm nhất không phải là phản khoa học. “Chủng đậu” ngày xưa và “Tiêm chủng” ngày nay chính là cách đưa virus (đã làm yếu) vào cơ thể để tạo nên kháng thể chống lại dịch bệnh, đây là cách cả thế giới thừa nhận, “miễn dịch cộng đồng” về bản chất cũng là cách “chủng đậu”. Bình tĩnh đón nhận và xử lý khủng hoảng trên cơ sở khoa học góp phần quyết định vào thắng lợi của cuộc chiến chống đại dịch chứ không phải là sự vội vã hay làm theo phong trào, làm để không bị coi là thờ ơ.
Ngay cả khi có người ra đi vì dịch bệnh thì nên coi đó là sự không may, là nỗi buồn với gia đình và người thân nhưng không phải là thảm họa với toàn xã hội. Covid-19 cho thấy sự chưa đồng bộ về y tế dự phòng, phản ứng khá chậm của cơ quan chức năng trước sự thiếu thốn các phương tiện phòng tránh, từ chiếc khẩu trang, dung dịch sát khuẩn đến dụng cụ kiểm tra nhanh triệu chứng nhiễm bệnh,… Mặt khác dịch bệnh cũng cho thấy có người vẫn đang nghĩ cách tiêu tiền ngân sách sao cho hợp pháp và hợp … khẩu vị, chẳng hạn giữa lúc đại dịch vẫn có cuộc tiệc tùng mời cả ca sĩ đến biểu diễn. Hy vọng cùng với việc cách ly những người mắc Covid-19, nhà nước sẽ mạnh tay “cách ly” những người thiếu tâm và không đủ tầm khỏi hệ thống chính trị.
Việt Nam hiện có ít nhất bốn cơ quan liên quan đến giáo dục gồm: Bộ Giáo dục và Đào tạo; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; Ủy ban quốc gia đổi mới giáo dục và đào tạo; Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực. Vậy từ khi Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, bốn cơ quan này đã phối hợp thế nào? Dù cố gắng tìm kiếm nhưng chưa thấy một văn bản liên tịch nào giữa bốn cơ quan được công bố, đặc biệt là chủ trương dạy và học trực tuyến và dạy trên truyền hình.
Trong lĩnh vực giáo dục hầu hết văn bản chỉ đạo điều hành đều xuất phát từ Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu báo chí nhấn mạnh đến chuyện cả hệ thống chính trị vào cuộc phòng, chống dịch bệnh thì với riêng lĩnh vực giáo dục, một phần của “Hệ thống chính trị” gồm bốn cơ quan thuộc các lĩnh vực “hành pháp, lập pháp, khoa học, tư vấn” nêu trên hình như lại chưa có sự phối hợp? Trên thế giới khái niệm “E-learning” (giáo dục từ xa) và “Working from home” (Làm việc tại nhà) đã được đề cập từ khá lâu.
Giáo viên tổ chức dạy trực tuyến. Ảnh: TTXVN
Để thực hiện E-learning, người học và cơ sở đào tạo phải được kết nối qua mạng, người học cần có máy vi tính, máy tính bảng hoặc điện thoại thông minh. Cơ sở đào tạo cần có máy chủ lưu trữ bài giảng, phần mềm ra đề, chấm bài và trả lời thắc mắc của người học… Trong tình hình chưa thể xác định khi nào dịch bệnh chấm dứt thì học trực tuyến với học sinh, sinh viên, dạy học trên truyền hình là giải pháp khả thi. Một số ý kiến cho rằng E-learning là phương tiện giúp cải cách triệt để giáo dục, rất nhiều lợi ích và cần thực hiện không chỉ thời gian có dịch mà cần duy trì lâu dài,… Cách đặt vấn đề như vậy có vẻ chủ quan, chưa lường hết mọi khả năng có thể xảy ra.
Để tránh tụ tập đông người, việc học tại nhà (với học sinh) và làm việc tại nhà (với giáo viên) khi dịch bệnh chưa hoàn toàn kiểm soát được là cần thiết và phải thực hiện ngay song cần chú ý đến mấy vấn đề:
Thứ nhất: Các hộ nghèo chưa có máy tính, điện thoại thông minh, thậm chí một số địa phương chưa có điện lưới thì tivi cũng không thể xem, vậy học trực tuyến thế nào? Để bắt kịp chương trình với cả nước (khi việc học trực tuyến chính thức thực hiện) nên chăng vùng sâu, vùng xa, vùng chưa có điện cần mở trường đưa học sinh tới lớp theo kiểu “vừa cách ly, vừa học” dưới sự giám sát của đội ngũ y tế?
Thứ hai: Việc dạy học trên truyền hình cần có sự thống nhất toàn quốc và công bố sớm về nội dung, thời lượng mỗi buổi học, thời gian học và giọng nói của người giảng. Phương ngữ các vùng miền có thể sử dụng trên đài địa phương song trên sóng quốc gia, cần phát âm sao cho trẻ em toàn quốc nghe đều hiểu, tránh trẻ em một số vùng miền bị nhầm lẫn giữa “vui vẻ” và “dui dẻ”. Việc tồn tại nhiều bộ sách giáo khoa và việc mỗi cơ sở giáo dục chọn một bộ sách sẽ gây khó khăn cho việc giảng dạy và học tập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tạm thời quy định một bộ sách duy nhất dạy chung toàn quốc và việc này cần đến quyết định của Quốc hội, của các cơ quan tư pháp xem như là biện pháp tình huống thời chiến. Nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan này thì việc chỉ dùng một bộ sách giáo khoa sẽ trái luật. Các đài truyền hình cũng phải xem xét việc xen giữa các tiết học, giờ giải lao nên phát các tiểu phẩm phù hợp với từng lứa tuổi, vừa giải trí vừa mang tính giáo dục.
Thứ ba: Với giáo viên và các cơ sở giáo dục, khái niệm "Working from home" cần phải hiểu theo nghĩa rộng hơn, không phải là “làm việc tại nhà riêng” mà có thể theo nhóm, theo bộ môn hoặc khối lớp. Các bài giảng, câu hỏi ôn tập, bài kiểm tra có thể gửi qua thư điện tử tới phụ huynh hoặc học sinh và giáo viên cần có sự liên hệ thường xuyên với học sinh qua điện thoại hoặc Internet. Nhà nước cần nghiên cứu chế độ với nhà giáo tham gia dạy trực tuyến, chẳng hạn miễn, giảm cước phí điện thoại trong thời gian dạy học. Với các giáo viên khối ngoài công lập phải nghỉ không lương, Chính phủ nên tạo một quỹ cho vay không tính lãi cho đến khi tình hình ổn định trở lại.
Thứ tư: Với bậc đại học, học và thi từ xa vốn bị một số dị nghị, chẳng hạn một số người, trong đó có không ít cán bộ lãnh đạo lấy bằng tiến sĩ từ Đại học Nam Thái Bình Dương (Hoa Kỳ), từ Liên minh các viện hàn lâm quốc tế (IIU-The International Interacademy Union - Liên bang Nga) bằng cách ghi tên nộp tiền chứ không phải học thực, thi thực. Hiện trạng này không chỉ được một số cơ sở giáo dục nước ngoài lợi dụng mà cũng đã xuất hiện tại một số đại học trong nước. Hiệu phó Đại học Kinh Bắc bị bắt liên quan đến việc cấp phát văn bằng không đúng chuẩn, hai chị em Hiệu trưởng Đại học Thành Đô dùng bằng tiến sĩ do nước ngoài cấp nhưng không được công nhận tại Việt Nam.
Nếu E-learning được thực hiện đại trà, lấy gì bảo đảm sẽ không xuất hiện hàng loạt cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ “rởm”? Để bảo đảm chất lượng dạy và học, trong các kỳ thi trực tuyến, các cơ sở giáo dục đại học phải gửi đề và đáp án về Cục Bảo đảm chất lượng - Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý. Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo lập ngân hàng dữ liệu đề thi, thiết kế hoặc tận dụng phần mềm thi trung học phổ thông quốc gia chọn câu hỏi và chấm thi giống như đã thực hiện trong kỳ thi năm 2019 vừa qua.
Thứ năm: Các kỳ thi và công tác tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục đại học. Bỏ kỳ thi tuyển chọn vào lớp 10 các trường công lập, thay bằng hình thức xét tuyển theo học bạ trung học cơ sở. Xem xét lịch trình học để chọn một trong hai phương án: Xét học bạ hoặc thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu năm học 2019-2020 kết thúc vào dịp cuối tháng 8/2020 thì việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia vẫn nên tổ chức như năm 2019. Nếu sang tháng 9 mới kết thúc hoặc muộn hơn thì xem xét kết quả học tập để cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông. Các cơ sở giáo dục đại học thực hiện việc tuyển sinh bằng cách xét học bạ hoặc công bố hình thức kiểm tra năng lực theo yêu cầu của mỗi trường.