13/11/2024 lúc 02:58 (GMT+7)
Breaking News

Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc tại chuỗi dự án điện - khí Lô B - Ô Môn

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo số 240/TB-VPCP ngày 9/8/2022 kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo thành phố Cần Thơ.

Thông báo nêu rõ, Cần Thơ có vị trí, vai trò quan trọng với nhiều tiềm năng, lợi thế cả về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật, là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong những năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố Cần Thơ đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào kết quả chung của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước. Sau khi kiểm soát được dịch bệnh, các hoạt động kinh tế - xã hội của Cần Thơ phục hồi mạnh mẽ; trong 6 tháng đầu năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tiếp tục tăng trưởng khá và đạt 8,04%, cao hơn bình quân cả nước (6,42%); sản xuất nông nghiệp ổn định, kết quả chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng tích cực, năng suất tăng, sản lượng vượt kế hoạch;...

Bên cạnh những kết quả tích cực đạt được, thành phố Cần Thơ còn một số hạn chế, thách thức cần khắc phục như: Phát triển kinh tế chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; năm 2021 vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội trên một số địa bàn còn diễn biến phức tạp; còn để xảy ra tình trạng vi phạm trong công tác phòng, chống dịch COVID-19…

Huy động, tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

Về quan điểm chỉ đạo và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Cần Thơ cần phát huy mạnh mẽ tinh thần chủ động, tự lực, tự cường để vươn lên. Các Bộ, ngành Trung ương tiếp tục chia sẻ, đồng hành với Cần Thơ bằng trách nhiệm cao nhất, đóng góp, gợi ý phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp cho Thành phố, có giải pháp phù hợp, hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn. Tất cả vì công việc chung, đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc, của nhân dân lên trên hết, đáp ứng mong mỏi của nhân dân, của cử tri. Lưu ý một số trọng tâm công tác sau:

Tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XIV. Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với thực hiện đồng bộ 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Tiếp tục triển khai Nghị quyết số 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu; Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. 

Phát huy mạnh mẽ truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường, vươn lên từ bàn tay, khối óc, mảnh đất, khung trời, cửa biển của mình. Đồng thời, xác định một số trọng tâm, trọng điểm; làm việc nào xong việc đó. Khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; trong đó nguồn lực bên trong là cơ bản, lâu dài, chiến lược, quyết định, nguồn lực bên ngoài là quan trọng và đột phá. Công tác chỉ đạo, điều hành phải bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; kiên định mục tiêu xuyên suốt, nhưng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo, bảo đảm hiệu quả, kịp thời.

Triển khai hiệu quả Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, quyết liệt chỉ đạo việc đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế theo quy định và chiến lược tiêm vaccine, bảo đảm việc khám chữa bệnh cho nhân dân trên tinh thần sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết. Chú trọng phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo đảm hài hoà với phát triển kinh tế - xã hội. Thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Huy động, tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng; là cơ sở để thành phố Cần Thơ phát huy vai trò trung tâm động lực phát triển vùng, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế. Chú trọng phát triển khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, thu hút, trọng dụng nhân tài cho Cần Thơ và cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia

Thành phố Cần Thơ đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh nhằm nâng cao thứ hạng các chỉ số như cải cách hành chính, hiệu quả hành chính công, sự hài lòng của người dân… Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất cao, liêm chính, dân chủ; đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, hành động thiết thực, hiệu lực, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; bảo đảm công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi phân bổ nguồn lực hợp lý, nâng cao năng lực cán bộ thực thi, tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực. Khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh, kịp thời; khuyến khích, bảo vệ cán bộ đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh tiến độ lập và trình thẩm định, phê duyệt Quy hoạch phát triển thành phố Cần Thơ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP của Chính phủ về phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long, các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ về phát triển Cần Thơ, phù hợp với quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Tăng cường công tác xây dựng Đảng; xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực và sức chiến đấu của tổ chức Đảng, đảng viên; tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Không ngừng củng cố tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực; thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần cùng cả nước xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Ảnh minh họa - Năng lượng Việt Nam Online

Giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc tại chuỗi dự án điện - khí Lô B - Ô Môn

Về chuỗi dự án điện - khí Lô B - Ô Môn, Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành khẩn trương chủ trì họp với các Bộ: Công Thương, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các Bộ, cơ quan liên quan để rà soát, phân tích kỹ lưỡng, đánh giá tổng thể trên cơ sở pháp lý, khoa học, thực tiễn, có phương án giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc theo quy định để dự án sớm đi vào hoạt động, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định trên tinh thần phát huy trách nhiệm cao nhất, tất cả vì công việc chung, bảo đảm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro.

Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan rà soát Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013, nếu thấy chưa phù hợp với thực tiễn thì khẩn trương đề xuất Chính phủ sửa đổi, bổ sung trong tháng 8 năm 2022.

Về dự án đầu tư tuyến đường kết nối Kiên Giang (Giồng Riềng), Cần Thơ (Ô Môn) với Đồng Tháp (Sa Đéc) và dự án cầu Ô Môn tham gia Chương trình thích ứng với vùng đồng bằng sông Cửu Long (DPO) từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Kiên Giang, Đồng Tháp cập nhật tuyến đường này vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang, Đồng Tháp thống nhất cơ quan chủ quản, lập đề xuất dự án, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định tại Nghị định số 114/2021/NĐ-CP ngày 16/12/2021 của Chính phủ.

Về Đề án thành lập “Trung tâm liên kết, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long tại Cần Thơ”, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương thẩm định Đề án theo quy định, trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2022.

Xuân Nam