14/05/2024 lúc 00:36 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp

Để thúc đẩy việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, các bên cần xác định giải pháp nào là căn cơ, giải pháp nào cần thực hiện trước để từng bước thúc đẩy sự hợp tác, để hướng tới mục tiêu là xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp bền vững.
Ảnh minh họa - Internet

Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu và là yêu cầu có tính khách quan. Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp xuất phát từ lợi ích chung của cả hai phía (của cơ sở giáo dục đại học và của doanh nghiệp), góp phần thực hiện triết lý giáo dục học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế và nâng cao chất lượng giáo dục đại học. Cơ sở giáo dục đại học muốn phát triển và phát triển bền vững; cần có những giải pháp thiết thực, căn cơ để thúc đầy hợp tác với doanh nghiệp. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp muốn có nhiều sản phẩm mới, muốn phát triển; cần gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp với hoạt động đào tạo, nghiên cứu của các cơ sở giáo dục đại học.

Từ khóa: Hợp tác, cơ sở giáo dục đại học, doanh nghiệp, đào tạo, nghiên cứu khoa học.

Cooperation between higher education institutions and enterprises is an inevitable trend and an objective requirement. Cooperation between higher education institutions and enterprises derives from the common interests of both sides (of higher education institutions and enterprises), contributing to the realization of the philosophy of education and practice. Theory associated with practice and improve the quality of higher education. Higher education institutions want to develop and develop sustainably; it is necessary to have practical and fundamental solutions to promote cooperation with businesses. In the opposite direction, businesses want to have many new products, want to develop; it is necessary to associate production and business activities of enterprises with training and research activities of higher education institutions.

Keywords: Cooperation, higher education institutions, enterprises, training, scientific research.

1. Những vấn đề chung về hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp

Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã chỉ rõ: Các cơ sở giáo dục đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học, công nghệ, chuyển giao và ứng dụng công nghệ vào sản xuất và đời sống; thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, cơ sở sử dụng lao động, cơ sở đào tạo và Nhà nước để phát triển nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội; coi doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới ứng dụng và chuyển giao công nghệ, là nguồn cầu quan trọng nhất của thị trường khoa học công nghệ.

Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta tiếp tục khẳng định: Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Phát triển giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn. Phát triển giáo dục và đào tạo phải gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, với tiến bộ khoa học - công nghệ, yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và thị trường lao động. Phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực.

Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp là một trong những giải pháp thực hiện nhằm đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp là mô hình đào tạo liên kết phổ biến trong giai đoạn hội nhập hiện nay.

Họp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp là nhu cầu xuất phát từ lợi ích của cả cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Vì lợi ích của chính mình, các cơ sở giáo dục đại học cần phải hợp tác với doanh nghiệp và ở phía ngược lại, các doanh nghiệp cũng cần hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học để phát triển.

Về phía cơ sở giáo dục đại học, khi hợp tác với doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ là nơi giúp cho cơ sở giáo dục đại học xây dựng mục tiêu chiến lượng, tầm nhìn dài hạn, triết lý giáo dục. Doanh nghiệp cũng là nơi hỗ trợ các cơ sở giáo dục đại học trong việc triển khai kế hoạch đào tạo, thực hành, thực tập cho sinh viên. Doanh nghiệp là nơi để các cơ sở giáo dục đại học xây dựng chương trình nghiên cứu, triển khai ứng dụng các thành tựu nghiên cứu khoa học. Doanh nghiệp là nơi để các cơ sở giáo dục đại học chuẩn bị đầu ra, chuẩn bị việc làm cho sinh viên khi tốt nghiệp ra trường. Và doanh nghiệp là nơi để các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy học, phương thức đào tạo, xây dựng chương trình…

Về phía doanh nghiệp, khi hợp tác với các cơ sở giáo dục đại học, các doanh nghiệp sẽ được cung ứng nguồn lao động có chất lượng và phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp. Các thành tựu nghiên cứu khoa học của các cơ sở giáo dục đại học sẽ giúp cho doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng để phát triển doanh nghiệp…

Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp còn để sinh viên sau khi ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là tránh hiện tượng mất cân đối về cung - cầu nguồn nhân lực đại học và sau đại học. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương cũng như cơ chế khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học liên kết với doanh nghiệp ngay từ khâu đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ. Hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp sẽ tránh được thực tế sinh viên ra trường không tìm được việc làm, doanh nghiệp không tuyển được lao động phù hợp, nếu có tuyển  được thì cũng phải đào tạo lại dẫn đến lãng phí về thời gian sử dụng lao động và tài chính của doanh nghiệp. Hiện tượng doanh nghiệp không tuyển được lao động phù hợp với yêu cầu vị trí việc làm hoặc có tuyển được cũng phải đào tạo lại là thực trạng về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Nội dung hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp thường tập trung vào các nội dung: Hợp tác trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học kĩ thuật, triển khai kế hoạch đào tạo, cung ứng - tiếp nhận nguồn nhân lực do các trường đại học đào tạo, trao đổi nhân sự, hỗ trợ sinh viên trong thực hành, thực tập…

Thực tiễn cho thấy, hầu hết những cải tiến về kĩ thuật, cải tiến về công nghệ để mang lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp đều liên quan tới việc hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Và để chủ động, hiện nay, một số doanh nghiệp, tập đoàn đã thành lập viện nghiên cứu, thành lập trường đại học trong doanh nghiệp (như Trường Đại học FLC của Tập đoàn FLC, Trường Đại học FPT của Tập đoàn FPT…) và ngược lại một số cơ sở giáo dục đại học đã thành lập doanh nghiệp để chủ động trong các hoạt động của mình (như Công ty TNHH Dịch vụ Khoa học và Du lịch Văn Khoa của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Công ty cổ phần Khoa học Công nghệ Bách Khoa của Trường Đại học Bách Khoa, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh…).

Trong mối quan hệ hợp tác, vai trò của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp khác nhau. Vai trò của cơ sở giáo dục đại học thể hiện trong việc chủ động kết nối với doanh nghiệp để xây dựng quan hệ hợp tác. Ở phía ngược lại, các doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong xây dựng các nội dung hợp tác, đưa các hoạt động hợp tác cụ thể vào thực tiễn hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp là nơi tạo ra điều kiện để cơ sở giáo dục đại học thực hiện triết lý học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tế. Đồng thời, trong quá trình hợp tác, doanh nghiệp có thể tác động làm thay đổi theo hướng tích cực các chính sách, chương trình, phương thức đào tạo của cơ sở giáo dục đại học cho phù hợp với thực tế cuộc sống, nhất là thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

2. Thực trạng hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp ở nước tác hiện nay

Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp đã được Đảng và Nhà nước quan tâm từ rất sớm. Những chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thời gian qua là những tiền đề cơ bản, có tác dụng định hướng và thúc đẩy sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.

Cụ thể:

Từ năm 1979, Bộ Chính trị đưa ra chủ trương về cải cách giáo dục: “Trong cải cách giáo dục lần này, phải làm cho công tác giáo dục thấu suốt hơn nữa nguyên lý: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”[1].

Đến năm 2013, trong nghị quyết về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, Ban Chấp hành Trung ương tiếp tục đề ra chủ trương: “Gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo và nghiên cứu, giữa các cơ sở đào tạo với các cơ sở sản xuất, kinh doanh”[2].

Đồng thời, Luật Giáo dục Đại học năm 2012 quy định: “Gắn đào tạo với nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với tổ chức nghiên cứu khoa học và với doanh nghiệp. Cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có quyền và trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để người học, giảng viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo”[3].

Bên cạnh đó, Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐT ngày 09 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp. Văn bản là cơ chế tăng quyền tự chủ, đa dạng hóa các loại hình đào tạo, tăng cơ hội hợp tác giữa cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thực tế ở nước ta hiện nay cho thấy, việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp còn gặp nhiều hạn chế. Theo tác giả Vũ Tiến Dũng, thông qua khảo sát một số công trình nghiên cứu cũng như kết quả điều tra xã hội học của các tổ chức trong và ngoài nước về thực trạng mối quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ sở đào tạo đại học ở Việt Nam thời gian qua cho thấy: “Chỉ có 4% doanh nghiệp hợp tác với các cơ sở đào tạo đại học trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; 29% doanh nghiệp tham gia hội thảo, tọa đàm, giảng dạy ở các cơ sở đào tạo. Hầu hết mối liên kết nhà trường và doanh nghiệp đều xuất phát từ nhu cầu trước mắt, kế hoạch ngắn hạn của doanh nghiệp chứ không xuất phát từ tầm nhìn dài hạn. Mức độ hợp tác chủ yếu là ở “sự hiểu biết phát triển ban đầu” (214 trong tổng số 493 trường đại học mà các doanh nghiệp ghi là “có sự hợp tác”), hoặc “hợp tác ngắn hạn” (174 trong tổng số 493). Chỉ có 58 và 47 trường đại học đang lần lượt được coi là “đối tác lâu dài” và “đối tác chiến lược” của các doanh nghiệp”[4]. Vì vậy, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng hiện nay, sự liên kết chặt chẽ giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp được xem là một điều kiện bảo đảm cho sự tồn tại và phát triển bền vững của cả hai bên và lợi ích chung của toàn xã hội.

3. Giải pháp thúc đẩy hợp tác giữa các cơ sở giáo dục và doanh nghiệp

Hiện nay, ở Việt Nam đã có rất nhiều cơ sở giáo dục đại học đã có những kết quả hợp tác rất quan trọng với doanh nghiệp. Có thể kể đến các trường đại học: Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh với mạng lưới 22[5] đối tác doanh nghiệp, Đại học Nông Lâm thuộc Đại học Huế có tới 100 doanh nghiệp[6] là đối tác.

Từ thực tế và yêu cầu khách quan, muốn tồn tại và phát triển, các cơ sở giáo dục đại học không thể đứng ngoài “cuộc chơi” với doanh nghiệp, không thể không hợp tác với doanh nghiệp để khẳng định mình, để phát triển bền vững.

Và để thúc đẩy việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:

Một là, về nhận thức, lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và toàn thể đội ngũ giảng viên, viên chức cần quán triệt sâu sắc việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo là xu thế chung, có tính  khách quan. Do đó, các cơ sở giáo dục đại học không thể không thúc đẩy việc hợp tác với doanh nghiệp.

Hai là, thành lập Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp trong trường đại học. Các cơ sở giáo dục đại học cần nghiên cứu và xúc tiến thành lập Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp trong trường để kết nối, xây dựng chương trình, lộ trình hợp tác với doanh nghiệp. Nếu thành lập được các Trung tâm Hợp tác doanh nghiệp, sẽ tránh được những vấn đề: Hợp tác mang tính ngắn hạn, vụ việc; hợp tác chủ yếu là nhận tài trợ từ doanh nghiệp mà nội dung, phương thức hợp tác chưa đa dạng, phong phú; hợp tác mà vai trò của các bên (cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp) mờ nhạt, ít tiếp xúc, ít trao đổi; sự hợp tác chưa phải là “sân chơi” hữu ích cho giảng viên, nhà nghiên cứu và sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học; hợp tác nhưng chưa xây dựng các chính sách, các quy định rõ ràng về hình thức, nội dung, cơ chế hợp tác với doanh nghiệp.

Ba là, cần xác định doanh nghiệp nào là đối tác hợp tác với cơ sở giáo dục đại học để hợp tác (vì mỗi cơ sở giáo dục đại học có nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu, tầm nhìn, chiến lược và triết lý khác nhau).

Bốn là, xây dựng kế hoạch đào tạo, thực hành, thực tập cho sinh viên cần chỉ rõ sinh viên ngành nào phải thực tập ở đâu để sinh viên, cố vấn học tập liên hệ với doanh nghiệp chuẩn bị cơ sở thực hành, thực tập cho sinh viên.

Năm là, tạo điều kiện và khuyến khích các nhà khoa học, giảng viên tham gia và tích cực trong hợp tác với doanh nghiệp để nghiên cứu, chuyển giao các thành tựu nghiên cứu khoa học cho doanh nghiệp.

Sáu là, các cơ sở giáo dục đại học thiết kế lại các chương trình đào tạo,  để giành thời gian, khối lượng chương trình với một tỉ lệ phù hợp cho việc mời các nhà quản trị, lãnh đạo doanh nghiệp tham gia vào hoạt động đào tạo, nghiên cứu như: Giảng dạy; tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học; hướng dẫn sinh viên thực hành, thực tập, nghiên cứu khoa học…

4. Kết luận

Hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học với doanh nghiệp là xu thế tất yếu, xuất phát từ yêu cầu khách quan trong quá trình phát triển của cả các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp. Nội dung, phương thức hợp tác phụ thuộc vào ngành nghề đào tạo, nhận thức của lãnh đạo các cơ sở giáo dục đại học và lãnh đạo doanh nghiệp, đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học.

Hiệu quả của sự hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp sẽ là yếu tố quan trọng để phát triển doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục đào tạo, là yếu tố quan trọng trong việc nâng cao vị thế, thương hiệu và uy tín của cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp.

Để thúc đẩy việc hợp tác giữa các cơ sở giáo dục đại học và doanh nghiệp cần thực hiện nhiều giải pháp. Trong đó, các bên cần xác định giải pháp nào là căn cơ, giải pháp nào cần thực hiện trước để từng bước thúc đẩy sự hợp tác, để hướng tới mục tiêu là xây dựng và phát triển cơ sở giáo dục đại học và các doanh nghiệp bền vững./.

ThS. Phạm Văn Năm

Trường Đại học Nội vụ Hà Nội

(Phân hiệu tại TP. Hồ Chí Minh)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI (2012), Nghị quyết Trung ương 6 khóa XI, ttps://www.most.gov.vn
  2. Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (2018), Nghị quyết Trung ương 10 khóa XII, ttps://www.most.gov.vn
  3. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04 tháng 11 năm 2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, ttps://www.most.gov.vn
  4. Bộ Chính trị, Nghị quyết số 14-NQ/TW ngày 11 tháng 01 năm 1979 về cải cách giáo dục, ttps://www.most.gov.vn
  5. Quốc hội Khóa XIII, Luật Giáo dục Đại học năm 2012
  6. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Quyết định số 68/2008/QĐ-BGDĐTngày 09 tháng 12 năm 2008 ban hành Quy định về công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm trong các cơ sở giáo dục đại học và trung cấp chuyên nghiệp
  7. Vũ Tiến Dũng (2016), Một số giải pháp tăng cường liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5.
  8. Trần Anh Tài, Trần Văn Tùng (2009), “Liên kết giữa trường đại học và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và nghiên cứu”, Nhà Xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội.
  9. Đinh Văn Toàn (2016), “Hợp tác đại học - doanh nghiệp trên thế giới và một số gợi ý cho Việt Nam”, Tạp chí Khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội
  10. https://pdt.hcmuaf.edu.vn/nls-1872-1/vn/dai-hoc-nong-lam-tphcm-ky-ket-hop-tac-voi-22-doanh-nghiep.html

1[1]. https://huaf.edu.vn/dh-nong-lam-hue-dao-tao-gan-voi-doanh-nghiep./.

[1] https://dangcongsan.vn/doi-moi-can-ban-va-toan-dien-giao-duc-dao-tao/duong-loi-chinh-sach/nghi-quyet-cua-bo-chinh-tri-khoa-iv-ve-cai-cach-giao-duc-347269.html

[2] https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Thuong-mai/Nghi-quyet-29-NQ-TW-nam-2013-doi-moi-can-ban-toan-dien-giao-duc-dao-tao-hoi-nhap-quoc-te-212441.aspx

[3] Điều 12 Luật số 08/2012/QH13, ngày 18 tháng 6 năm 2012, của Quốc hội Khóa XIII

[4] Vũ Tiến Dũng (2016), Một số giải pháp tăng cường liên kết đào tạo giữa trường đại học và doanh nghiệp, Tạp chí Lý luận chính trị, số 5

[5] https://pdt.hcmuaf.edu.vn/nls-1872-1/vn/dai-hoc-nong-lam-tphcm-ky-ket-hop-tac-voi-22-doanh-nghiep.html

[6] https://huaf.edu.vn/dh-nong-lam-hue-dao-tao-gan-voi-doanh-nghiep/

...