18/01/2025 lúc 12:20 (GMT+7)
Breaking News

Giải pháp đổi mới và ổn định chính sách kinh tế vĩ mô ở Việt Nam hiện nay

Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế luôn là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trong trong tình hình hiện nay, được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta cần chú trọng đẩy mạnh hơn nữa việc đổi mới các chính sách, đồng thời nắm bắt cơ hội hội nhập theo xu hướng toàn cầu hóa, quốc tế hóa, nhằm đạt hiệu quả cao trong điều hành kinh tế vĩ mô.

Chính sách kinh tế vĩ mô là chính sách của Chính phủ được hoạch định và thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu kinh tế vĩ mô như: Ổn định sản lượng ở gần mức tiềm năng, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, lạm phát thấp, thất nghiệp ở mức tự nhiên và cán cân thanh toán cân bằng. Mục tiêu của chính sách kinh tế vĩ mô là cung cấp một môi trường kinh tế ổn định, có lợi cho việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và bền vững, từ đó tạo ra việc làm, sự giàu có cho quốc gia và cải thiện mức sống cho người dân.

Chính sách kinh tế vĩ mô có liên quan đến hoạt động của toàn bộ nền kinh tế; bao gồm các lĩnh vực: Chính sách tài chính (chính sách tài khóa), chính sách tiền tệ, chính sách tỉ giá hối đoái, chính sách thương mại, chính sách giá cả và thu nhập.

Ảnh minh họa - TL

Thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô – Kết quả và hạn chế

Do tầm quan trọng của vấn đề ổn định kinh tế vĩ mô, thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quán triệt mục tiêu tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội; phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng Bộ, cơ quan, địa phương, nhất là người đứng đầu trong việc chỉ đạo, giải quyết kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách trước mắt; đồng thời triển khai các nhiệm vụ, giải pháp trong trung, dài hạn để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; nêu cao tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa khả năng sáng tạo, tự lực, tự cường, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao theo nguyên tắc "làm thật, hiệu quả thật, nhân dân hưởng thụ thật"; tuyệt đối không chủ quan nhưng cũng không bi quan; chủ động, sáng tạo để có giải pháp hiệu quả tận dụng cơ hội, thời cơ, đồng thời khắc phục các hạn chế, bất cập, khó khăn, vướng mắc theo chức năng, nhiệm vụ và lĩnh vực được phân công quản lý. Cùng với đó là yêu cầu tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả; phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác nhằm thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cân bằng hợp lý giữa lạm phát và tăng trưởng, giữa lãi suất và tỷ giá.

Nhờ vậy, việc thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô đã đạt được những kết quả quan trọng; cụ thể: (1) Nhà nước đã sử dụng thành công chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, theo hướng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn trong vận dụng cơ chế thị trường để kiểm soát lạm phát. Ngân hàng Nhà nước cũng chủ động hơn trong thực thi chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát thành công. Nhà nước đã chuyển chế độ lãi suất cố định sang chế độ lãi suất thị trường có kiểm soát. Các công cụ chính sách tiền tệ đã được sử dụng thường xuyên để điều tiết lượng cung tiền. Tỷ giá hối đoái được điều chỉnh linh hoạt trên thị trường liên ngân hàng. (2) Chính sách tài khóa dần đi vào chiều sâu. Theo đó, thuế và chi ngân sách Nhà nước dần dần được luật hóa. Cho đến nay nước ta đã có hệ thống thuế hiện đại, tương thích với các nước trong khu vực. (3) Chính sách thương mại quốc tế đã dần chuẩn hóa theo pháp luật quốc tế. Nhà nước đã thiết lập quan hệ kinh tế đối ngoại thuận lợi cho mở rộng xuất nhập khẩu, thu hút đầu tư; góp phần tích cực đã đưa nước ta lên thứ hạng cao trong xuất khẩu một số hàng hóa và chuyển đổi nền kinh tế nặng tính tự cung, tự cấp sang nền kinh tế mở. Cùng với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, sự tham gia vào các định chế kinh tế quốc tế và đàm phán gia nhập các tổ chức kinh tế khu vục và toàn cầu, cơ chế chính sách của Việt Nam đã được đổi mới mạnh mẽ theo hướng tăng tự do hoá thương mại đầu tư, giảm thiểu mức can thiệp của Nhà nước vào lĩnh vực buôn bán quốc tế. (4) Về chính sách đầu tư, đã khuyến khích mạnh mẽ đầu tư tư nhân, đổi mới quản lý đầu tư công. Nhà nước đã liên tục điều chỉnh chính sách đầu tư nước ngoài theo hướng thích nghi với những biến động của kinh tế thế giới. Nhờ đó, có những giai đoạn Việt Nam được đánh giá là có môi trường đầu tư hấp dẫn nhất Đông Nam Á.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong quá trình thực hiện chính sách kinh tế vĩ mô; như: Thể chế để xây dựng và thực thi chính sách kinh tế thiếu đồng bộ, hiệu quả thực thi chính sách kinh tế chưa cao, một số chính sách còn mang tính ngắn hạn, thiếu nhất quán. Trong đó, chính sách tài khóa chưa tập trung cho các nhiệm vụ trung tâm, còn chịu ảnh hưởng của quan điểm phân chia ngân sách nhà nước theo kiểu bao cấp, bình quân, dàn đều, không đủ khuyến khích đủ mức người sử dụng ngân sách một cách tiết kiệm, hiệu quả. Chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa chưa phối hợp nhất quán với nhau. Chính sách thương mại quốc tế chưa chú trọng vào các giải pháp tạo dựng năng lực ứng phó quốc gia như thực thi các biện pháp tự vệ trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết tranh chấp ở nước ngoài. Chính sách đầu tư mới chú trọng tạo môi trường khuyến khích đầu tư theo chiều rộng, ít có các biện pháp hỗ trợ đầu tư theo chiều sâu. Ngoài ra, việc xây dựng các chính sách kinh tế còn chậm, một số nội dung chính sách kinh tế còn lạc hậu. Một số chính sách không ổn định, thiếu tính liên kết giữa mục tiêu ngắn hạn và mục tiêu dài hạn. Phân cấp thực hiện chính sách kinh tế chưa hợp lý giữa trung ương và địa phương…

Giải pháp đổi mới và ổn định kinh tế vĩ mô

Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, đã xác định rõ những giải pháp cần thực hiện, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó:

- Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Cùng với đó, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép.

- Mặt khác, cần tiếp tục rà soát và tháo gỡ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, nhất là về pháp lý cho sản xuất kinh doanh. Bảo đảm tính linh hoạt, kịp thời, hiệu quả trong chỉ đạo điều hành; phối hợp đồng bộ các chính sách, đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường.

- Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật để tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc. Rà soát các văn bản pháp luật, nhất là Luật Ngân sách nhà nước, Luật quản lý nợ công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, các Luật thuế, Luật Dược… và các văn bản hướng dẫn, xác định các vướng mắc, điểm nghẽn cần tập trung tháo gỡ ở tầm luật.

- Tiếp tục ưu tiên cho tăng trưởng; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp kiểm soát lạm phát; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.

- Thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, lấy đầu tư công để kích hoạt dẫn dắt đầu tư tư, thúc đẩy hợp tác công tư. Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức và các lĩnh vực mới nổi như chíp, bán dẫn, AI…).

- Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu, như công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; đẩy mạnh sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản, tận dụng, khai thác tốt các Hiệp định thương mại tự do đã ký để thúc đẩy xuất khẩu nông sản…

- Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm an sinh xã hội, đời sống Nhân dân.

- Bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.

Ths. Nguyễn Xuân Lương

...