23/01/2025 lúc 16:36 (GMT+7)
Breaking News

Giải ngân vốn đầu tư công chậm - Đâu là ngọn nguồn nguyên nhân?

(VNHN) Trong suốt thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhìn nhận là gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP và nợ công của Việt Nam.

(VNHN) Trong suốt thời gian qua, việc giải ngân vốn đầu tư công chậm được nhìn nhận là gây ra những tác động bất lợi cho nền kinh tế, gây ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng GDP và nợ công của Việt Nam.

Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại Nghị quyết phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng Chín, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn thiện dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân vì sao?

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, giải ngân vốn đầu tư công trong 9 tháng năm 2018 cả nước được hơn 203.500 tỷ đồng, đạt gần 51% kế hoạch Quốc hội giao.

Mặc dù tiến độ giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng qua đạt cao hơn cùng kỳ năm 2017 (năm 2017 đạt 46,65% kế hoạch Quốc hội giao) nhưng theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) về tổng thể tiến độ thực hiện và giải ngân vẫn thấp, nhất là vốn trái phiếu Chính phủ đạt 23% kế hoạch Quốc hội giao và vốn nước ngoài đạt 27,28% kế hoạch Quốc hội giao.

Ông Lê Tuấn Anh đánh giá tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng có sự khác biệt giữa các bộ, ngành, địa phương.

Mới chỉ có Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam và 5 địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 80%, còn nhiều bộ, ngành, địa phương có số giải ngân thấp.

Cụ thể 30/56 bộ, ngành và 26/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp hơn 50% kế hoạch năm; trong đó có 6 bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân dưới 10%.

 

Một số bộ, ngành trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn như Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam; Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam; Liên minh các hợp tác xã Việt Nam.

Thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công chậm như thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân khác nhau; trong đó có những bất cập phát sinh trong triển khai một số luật liên quan, đặc biệt là Luật Đầu tư công.

Ông Trần Tố Nghị, Quyền Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng Công trình (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, Luật Đầu tư công hiện hành có quá nhiều trình tự thủ tục, cũng như rất nhiều loại giấy phép để có thể xây dựng một công trình.

Cùng với đó, những vướng mắc trong quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai cũng làm ảnh hưởng đến triển khai các dự án đầu tư công và thực hiện giải ngân của Kho Bạc Nhà nước.

Làm rõ hơn, ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, Luật Đầu tư công có nhiều quy định mới và các quy định này làm cho việc phê duyệt dự án từ chủ trương đầu tư đến quyết định đầu tư chặt chẽ hơn và hạn chế được tình trạng đầu tư dàn trải, tùy tiện như trước đây.

Đây được cho là điểm tiến bộ của Luật Đầu tư công. Tuy nhiên, các thủ tục phức tạp thì cũng kéo theo hệ luỵ là thời gian để hoàn thiện hồ sơ một dự án rất lâu.

Thêm vào đó, với quy định của Luật Đầu tư công hiện hành, việc dành thời gian cần thiết cho khâu chuẩn bị đầu tư là chưa phù hợp khiến cho chủ dự án đầu tư phải vừa chuẩn bị, vừa thi công nên phát sinh vướng mắc dẫn tới chậm tiến độ.

Liên quan đến ngành thủy lợi, ông Trần Tố Nghị cho biết, Luật Đầu tư công phải có thời gian cho chuẩn bị đầu tư bởi đặc điểm của ngành thủy lợi là dự án liên quan đến địa bàn rộng vài chục nghìn hécta với việc đền bù di dân liên quan đến hàng nghìn hộ dân. Nếu công trình thuộc đất rừng, đất lúa thì phải có thời gian nhiều hơn cho khâu chuẩn bị.

Ông Trần Tố Nghị lấy dẫn chứng 2 dự án chuyển tiếp sử dụng vốn trái phiếu Chính phủ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang triển khai là hồ chứa nước Krong Pách Thượng ở Đắk Lắk và hệ thống thuỷ lợi Tà Pao ở Bình Thuận, đang vướng mắc đền bù tái định cư.

Điều này đã làm chậm giải ngân mà nguyên nhân do đây là các dự án phải di dân giải phóng mặt bằng trên diện rộng.

“Dự án Krong Pách Thượng được ghi vốn xây lắp nhưng không được ghi vốn đền bù (khoảng 1.900 tỷ đồng). Vốn này trước kia Quốc hội ghi thẳng cho địa phương nhưng sang giai đoạn 2017-2020 thì lại không được ghi. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép sử dụng nguồn vốn dự phòng để triển khai dự án," ông Trấn Tố Nghị nói.

Đảm bảo hành lang pháp lý thông thoáng

Để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn được triển khai đã mang lại tác động tích cực.

Theo ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, Kho bạc Nhà nước, Kho bạc Nhà nước bám sát các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính để đẩy nhanh thanh toán vốn đầu tư công; trong đó tập trung vào cải cách hành chính trong quản lý chi đầu tư, công khai quy trình thủ tục thanh toán và áp dụng hình thức thanh toán trước, kiểm soát sau.

Việc này đã rút ngắn được thời gian kiểm soát hợp đồng thanh toán nhiều lần từ 4 ngày xuống 1 ngày, tạo điều kiện cho chủ đầu tư thực hiện thanh toán vốn đầu tư tại Kho bạc Nhà nước.

Ông Trần Quốc Phương, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động áp dụng nhiều biện pháp để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công.

Ví dụ như trong tháng Tám vừa qua, thay vì phải làm việc với từng tỉnh Bộ đã làm việc theo vùng, chỉ mất từ 3-5 ngày là hoàn thành trao đổi với các bộ, ngành, địa phương để có định hướng tháo gỡ, nhờ vậy tiết kiệm thời gian.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng triển khai hệ thống tin học phần mềm để quản lý kế hoạch vốn đầu tư công. Ví dụ làm thủ công phải mất vài tháng nhưng khi triển khai hệ thống này và triển khai đồng loạt tại các bộ, ngành thì chỉ mất 1-2 tuần có thể giao được kế hoạch đồng thời hạn chế được những sai sót của làm thủ công gây ra.

Đặc biệt, việc sớm sửa đổi các luật liên quan, nhất là Luật Đầu tư công theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ sẽ tạo hành lang pháp lý thông thoáng giúp các bộ ngành địa phương linh hoạt, nhanh chóng trong điều chỉnh các dự án, từ đó giúp sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kịp mục tiêu của Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Theo ông Trần Quốc Phương, quan điểm lớn nhất của việc sửa đổi Luật Đầu tư công hiện nay là tháo gỡ khó khăn, tạo mọi điều kiện, phân cấp triệt để, rút gọn thủ tục hành chính để đẩy nhanh tốc độ hoàn thiện thủ tục hồ sơ dự án nhưng vẫn đảm bảo chặt chẽ, không bị sơ hở.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư công cũng đề ra một giải pháp rất căn cơ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là phải làm tốt khâu chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án để khi phê duyệt xong, chuẩn bị xong là có thể thực hiện được ngay mà không cần phải chờ đợi thêm một thủ tục nào khác.

“Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư rất kỳ vọng sau khi Luật Đầu tư công được Quốc hội xem xét và thông qua sẽ tạo được sự thông thoáng cho quản lý, sử dụng vốn đầu tư công và đẩy nhanh tiến độ giải ngân”, ông Trần Quốc Phương nói./.

PV/TTX