24/11/2024 lúc 13:19 (GMT+7)
Breaking News

Giải bài toán thiếu không gian xanh ở Thủ đô

Sông Hồng sẽ trở thành trục không gian xanh, vừa thay đổi diện mạo ấn tượng cho những vùng đất hai bên bờ sông, vừa lan toả, tạo động lực phát triển cho thành phố Hà Nội và cả vùng Thủ đô.

Chú trọng khai thác hiệu quả các không gian bị lãng quên

Khu vực ven sông Hồng đã được định hướng phát triển thành hành lang xanh trung tâm của thủ đô theo Quyết định số 00/QĐ-TTg ngày 16/6/2023 và đoạn sông Hồng chảy qua địa bàn hai quận Hoàn Kiếm và Long Biên sẽ trở thành trung tâm của không gian xanh này. Là vị trí quan trọng, kết hợp với những yếu tố đặc trưng về địa hình, thủy văn và cả về dân cư, văn hóa xã hội nơi đây, nên cần phải có những giải pháp thiết kế phù hợp để bảo đảm cho sự phát triển tổng thể của khu vực nội đô nói riêng và của toàn thành phố Hà Nội nói chung, trong đó có nhiệm vụ trọng tâm là khai thác hiệu quả các không gian bị lãng quên – khu vực Bãi Giữa sông Hồng trở thành không gian xanh cho cộng đồng Thủ đô.

Theo thống kê, chỉ riêng khu vực bãi nổi sông Hồng, hay còn gọi là bãi giữa có diện tích tương đối lớn với khoảng 329ha nằm trải dài qua địa phận của 4 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ và Long Biên. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều diện tích đất hoang hóa tại đây chưa được đưa vào khai thác; phát sinh các vấn đề vi phạm đê điều; các hộ thuê thầu đang tổ chức sản xuất theo hướng tự phát, không bảo đảm các yêu cầu về cảnh quan, vệ sinh môi trường. Cùng với đó là phần lớn diện tích bãi nổi nằm trong khu vực giáp ranh giữa các quận nên việc phân định ranh giới trên thực địa gặp nhiều khó khăn.

KTS Nguyễn Toàn Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Hoàn Kiếm cho biết, việc khai thác, phát huy tối đa giá trị không gian, cảnh quan bãi nổi sông Hồng từ lâu đã được các cấp, các ngành đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, những năm trước đây, vấn đề này gặp phải rào cản về pháp lý, điển hình là các quy định về Luật Đê điều. Việc Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đã tạo điều kiện rất thuận lợi để phát triển sông Hồng thành trục cảnh quan đô thị quan trọng của Thủ đô, đặc biệt là khu vực bãi giữa, nhằm tạo lập không gian xanh ngay trong lòng thành phố.

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho biết, khu vực bãi bồi giữa sông Hồng quan trọng nhất nằm ở dưới cầu Long Biên, chủ yếu thuộc địa bàn hành chính quận Hoàn Kiếm, là một không gian xanh rộng lớn với khoảng 23ha. Những năm gần đây, mực nước sông Hồng hiếm khi lên cao, diện tích bãi giữa ít thay đổi. Trong khi đó, phía trên thượng nguồn sông Hồng các công trình thủy điện lớn nhỏ được xây dựng khiến con sông không còn nhiều lũ và lũ lớn như xưa nên ngay cả khi mùa mưa, bãi bồi giữa sông Hồng vẫn trở thành cánh đồng hoa màu, mùa nào cây nấy, đồng thời cũng là điểm vui chơi tự phát của nhiều người dân Thủ đô. Từ đó có thể khẳng định tiềm năng, cũng như nhiều dư địa lớn của bãi giữa sông Hồng cần được quan tâm khai thác.

KTS Nguyễn Toàn Thắng cho rằng, để khai thác hiệu quả quỹ đất và lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên vốn có của sông Hồng và lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, chúng ta cần lập quy hoạch, lập đề án hướng tới mục tiêu. Bởi sông Hồng cũng là điểm đến giàu sức thu hút, để cộng đồng và khách du lịch cảm nhận, trải nghiệm về một trong những loại hình không gian mở của Hà Nội, nhìn ra sông, hướng tới không gian công viên sinh thái xanh trên mặt nước.

Tăng cường phát triển các mô hình xanh, công viên, cây xanh

Ông Nguyễn Toàn Thắng cho hay, hiện nay quận Hoàn Kiếm đang phối hợp với các quận Ba Đình, Tây Hồ, Long Biên từng bước lập quy hoạch, lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất bãi giữa sông Hồng xứng tầm với vị thế tại khu vực, khai thác hiệu quả quỹ đất, lợi thế tiềm năng, cải thiện cảnh quan, phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, cụ thể hóa về tổ chức không gian cảnh quan của Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được UBND TP. Hà Nội phê duyệt.

Trong đó, trọng tâm là sẽ tăng cường phát triển các mô hình xanh: công viên, cây xanh chuyên đề - nông nghiệp đô thị có chất lượng và kỹ thuật cao, nông nghiệp du lịch,... thu hút các hoạt động kinh tế xanh, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao (dịch vụ, du lịch, thể thao,...) phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương.

Tạo lập các không gian xanh, cụ thể như xây dựng công viên đô thị, công viên chuyên đề, công viên ngập lũ trên cơ sở khai thác cảnh quan hai bên sông Hồng phù hợp điều kiện tự nhiên, theo các thềm địa hình và hiện trạng sử dụng đất. Khu vực bãi sông và dòng sông hầu hết là khu vực không ổn định, phù hợp cho các không gian sinh thái, phục hồi tự nhiên. Tại một số khu vực tiếp giáp với khu vực nội đô lịch sử được định hướng sẽ kè cứng, tạo điều kiện tổ chức các không gian công cộng văn hóa tiếp giáp với mặt nước.

Bên cạnh đó, chú trọng giải pháp tổ chức cảnh quan cây xanh, mặt nước, tiện ích đô thị dựa trên nguyên tắc phục hồi tự nhiên, công viên tự nhiên, công viên đô thị, không gian công cộng tổng hợp. Một phần không gian nông nghiệp được tổ chức thành công viên, nông nghiệp, nông nghiệp đô thị kết hợp với các hoạt động du lịch, ngoài trời, nâng cao hiệu quả sử dụng…

Gỡ vướng cho người dân trong vùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng

Việc các cơ quan chức năng có chủ trương lập quy hoạch, cũng như xây dựng đề án biến toàn bộ khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên đô thị, công viên sinh thái xanh nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người dân, bởi đề án được triển khai sẽ góp phần thay đổi mạnh mẽ cảnh quan đô thị khu vực này.

Bởi thực tế nhiều năm qua ở phường Chương Dương, nhất là khu vực sát với bờ vở (bờ lở sông Hồng) là các khu dân cư đông đúc, mật độ cao, nhiều ngõ ngách với nhà cửa chật chội. Đặc biệt, dọc theo khu vực bờ vở là các cống nước thải trực tiếp ra sông Hồng, thêm vào đó là tình trạng một bộ phận người dân thiếu ý thức vứt, xả rác, đốt rác bừa bãi. Để giải quyết vấn đề này, việc lập quy hoạch, đề án khu vực bãi giữa sông Hồng thành công viên xanh, công viên sinh thái là hết sức cần thiết, bởi ngoài việc phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của khu vực bãi giữa còn có tác dụng làm chuyển biến các tồn tại về mỹ quan đô thị, vệ sinh môi trường tại khu vực bờ vở.

Mặc dù thời gian qua các cơ quan chức năng đã rất nỗ lực trong công tác triển khai, tuy nhiên tính đến thời điểm hiện tại, 13 quận, huyện nằm trong phạm vi quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đều chưa phê duyệt các quy hoạch chi tiết. Điều này gây khó khăn cho đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; cấp phép xây dựng cho người dân…

Thực tế hiện nay là nhu cầu sử dụng đất của các địa phương ở Hà Nội vào mục đích an sinh, phát triển kinh tế - xã hội là rất lớn. Nhất là khu vực các quận nội đô, việc có thêm quỹ đất để sử dụng vào mục đích nói trên đang là mong mỏi của người dân cũng như các cấp chính quyền. Trong khi đó, một diện tích đất không nhỏ nằm ở khu vực ngoài đê sông Hồng thuộc các quận này vẫn chưa được khai thác hết tiềm năng.

Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023 (sửa đổi, bổ sung một số điều tại Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016) đã mở ra, cũng như góp phần giải tỏa phần nào nhu cầu cho các khu vực dân cư tập trung hiện có theo quy định được tồn tại, bảo vệ.

Cụ thể theo Quyết định số 429/QĐ-TTg: các địa phương được phép sử dụng thêm một phần bãi sông để bố trí mặt bằng tái định cư cho các hộ dân nằm rải rác gần khu vực với diện tích không vượt quá 5% diện tích khu dân cư hiện có.

Tuy nhiên, với tốc độ gia tăng dân số tự nhiên và dân số cơ học (trong đó có rất nhiều người dân từ các tỉnh, thành về khu vực nội đô sinh sống) thì các công trình phúc lợi xã hội như nhà văn hóa khu dân cư, trường mầm non, trường tiểu học, bãi đỗ xe, chợ, trung tâm thương mại… cần phải được mở rộng hơn nữa mới đáp ứng được nhu cầu của người dân. Đây cũng là mong mỏi của nhiều người dân nằm trong vùng quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng.

Để tháo gỡ vướng mắc, từng bước giải quyết đời sống dân sinh bức thiết cho người dân TP. Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện vào cuộc quyết liệt giải quyết đời sống dân sinh bức thiết cho người dân. Cụ thể, UBND TP. Hà Nội đã có văn bản số 1407/UBND-ĐT ngày 9/5/2024 giao Sở Xây dựng Hà Nội rà soát, hoàn thiện ban hành văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện. Trên cơ sở Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng đã được phê duyệt, thống nhất việc cấp giấy phép xây dựng đáp ứng nhu cầu về xây dựng, cải tạo, sửa chữa nhà ở của Nhân dân tại khu vực ngoài đê.

Thực hiện chỉ đạo của TP. Hà Nội, Sở Xây dựng Hà Nội đã có Văn bản 4336/SXD-CP, ngày 5/6/2024 hướng dẫn thực hiện giấy phép xây dựng để xây mới, cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông.

Cụ thể, văn bản phân loại đối tượng được cấp giấy phép chính thức, có thời hạn, sửa chữa, cải tạo theo nguyên trạng hoặc phải di dời theo 3 nhóm. Trong đó, với nhóm 2 là nhà ở riêng lẻ đủ điều kiện cấp giấy phép xây dựng có thời hạn gồm: nằm trong khu vực đã phê duyệt Quy hoạch phân khu, thuộc danh mục các khu vực dân cư tập trung hiện có trên bãi sông được tồn tại bảo vệ theo Quyết định 257/QĐ-TTg ngày 18/2/2016 (được sửa đổi, bổ sung tại Quyết định 429/QĐ-TTg ngày 21/4/2023) phù hợp với định hướng lập phương án phòng, chống lũ của tuyến sông có đê trong Quy hoạch Thủ đô, đáp ứng các điều kiện về cấp phép xây dựng có thời hạn theo quy định tại Điều 94 Luật Xây dựng…

Cùng với đó, Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ ngày 1/8 cũng sẽ là một giải pháp gỡ vướng cho người dân nằm trong vùng quy hoạch. Luật đã bổ sung, hoàn thiện các quy định về việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất trong khu vực quy hoạch. So với Luật Đất đai năm 2013, các quy định của Luật mới rõ và chi tiết hơn. Cụ thể, người sử dụng đất được xây dựng theo giấy phép xây dựng có thời hạn, cải tạo, sửa chữa nhà ở, công trình hiện có theo quy định của pháp luật về xây dựng và pháp luật có liên quan…

Việc lập đề án hướng tới mục tiêu khai thác hiệu quả quỹ đất vốn có của sông Hồng, với lợi thế tiềm năng, vẻ đẹp tự nhiên, lấy sông Hồng là trục cảnh quan tạo ra không gian mở, xanh, có hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại làm điểm đến vui chơi, tham quan du lịch hấp dẫn hướng tới một không gian sinh thái công cộng, tạo điểm nhấn cho bản sắc của Thủ đô. Hướng tới "Vì một Hà Nội đáng sống", không chỉ thu hút người dân Thủ đô mà còn thu hút du khách từ các tỉnh khi đến với Thủ đô Hà Nội. Đây là nhu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với định hướng quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cổng TT ĐTCP

...