29/09/2024 lúc 20:27 (GMT+7)
Breaking News

Ghi từ “thủ phủ” nuôi lợn lớn ở miền Bắc (Bài cuối): Vẫn “bó tay” với ô nhiễm môi trường

Khó ai có thể hình dung được đằng sau dáng vẻ khang trang về cơ sở hạ tầng của người dân xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam lại là 1 bức tranh tối màu về ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối nồng nặc của phân, chất thải chăn nuôi lợn hàng ngày bốc lên.

Khó ai có thể hình dung được đằng sau dáng vẻ khang trang về cơ sở hạ tầng của người dân xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam lại là 1 bức tranh tối màu về ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối nồng nặc của phân, chất thải chăn nuôi lợn hàng ngày bốc lên.

Hơn một năm nay, do tình hình biến động về giá cả và dịch tả lợn Châu Phi, dịch Covid-19 xảy ra, sản lượng lợn chăn nuôi tại địa phương còn khoảng 15.000 con, giảm hơn 80% so với trước đây nên tình trạng ô nhiễm đã phần nào được hạn chế. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi khi nào người dân tiếp tục nuôi với số lượng lớn, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục diễn ra vì chưa có giải pháp nào để xử lý.

Ô nhiễm nghiêm trọng

Từ quốc lộ 21 mới rẽ vào gần 2km là đến khu vực chợ đấu mối gia súc, gia cầm Hà Nam thuộc xã Cầu Bối, huyện Bình Lục. Mặc dù đi trên con đường trải nhựa láng bóng, nhưng khi đi vào khu vực này, mùi hôi thối nồng nặc xộc thẳng lên mũi đến nhức óc.

Ngay trên những đoạn đường đi qua, có đến hàng chục phương tiện ôtô, xe ba gác chuyên chở lợn hoặc vẫn còn vài chục con trên xe được các thương lái, lái xe dùng vòi tưới nước rửa, chảy thẳng ra môi trường, chảy xuống các dòng sông, con kênh xung quanh.

Không chỉ có dọc đường, mà ngay trong chợ đầu mối gia súc, gia cầm với số lượng giao dịch lên đến hàng nghìn con lợn mỗi ngày cũng được các thương lái xịt rửa lợn, xịt rửa chất thải trong chuồng, chảy thẳng ra các con kênh, mương xung quanh trước khi xuất bán mà không qua hệ thống xử lý chất thải chăn nuôi.

Các thương lái, lái xe ngang nhiên xịt rửa xe, lợn và xả thải trực tiếp ra môi trường mà không gặp bất cứ sự can thiệp, xử lý nào của chính quyền và cơ quan chức năng địa phương.

Anh Trần Tuấn Thành, một lái xe chuyên chở lợn cho các thương lái cho biết, mỗi chuyến hàng chở hàng chở ít nhất từ 20 đến 30 con. Trước khi chở đi, lái xe buộc phải sử dụng nước giếng khoan, nước máy bơm tắm cho lợn, rồi mới giao lợn sạch đến cho các lò mổ. Sau khi giao hàng xong, xe cộ bẩn thỉu, lái xe lại quay về khu vực đỗ xe rửa sạch sẽ để chờ vận chuyển chuyến tiếp theo.

“Toàn bộ quá trình tắm rửa cho lợn, rửa xe đều được làm trực tiếp và xả thẳng ra môi trường chứ không qua hầm bioga nào để hạn chế ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường”, anh Thành nói.

Để minh chứng cho sự ô nhiễm đang diễn ra hết sức nghiêm trọng, anh Lê Tuấn Lộc, người lao động tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam đưa phóng viên ra dòng sông Bùi, con sông được người dân địa phương gọi là dòng sông chết trong nhiều năm qua, kể từ khi chợ gia súc, gia cầm đi vào hoạt động. Dưới dòng sông, nước đen và đặc quánh, xủi lên một lớp bọt trắng xóa, bốc mùi hôi thối khó chịu.

“Cứ sau mỗi trận mưa xong nắng lên, hoặc chuyển mùa, nước đen xì lại xủi bên trên một lớp bọt trắng xóa, không có sinh vật nước nào sống nổi. Nước ô nhiễm cũng khiến cho sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn, nhất là khu vực gần sông vì cây lúa có cấy xuống cũng không phát triển được. Do vậy, nhiều diện tích đất nông nghiệp đành phải bỏ hoang”, anh Lộc nhấn mạnh.

Chưa có giải pháp hữu hiệu

Không chỉ khu vực chợ đầu mối gia súc, gia cầm bị ô nhiễm, mà trong xã Ngọc Lũ cũng ô nhiễm nghiêm trọng bởi phân, nước thải, nước rửa chuồng của hầu hết các hộ chăn nuôi được xả thẳng ra môi trường, chảy thẳng ra các kênh, mương của địa phương rồi chảy ra dòng sông Châu Giang.

Hơn một năm trước, người dân trong khu vực gọi Châu Giang là dòng sông chết, bởi không có sinh vật nào sống nổi trong đống phân, bùn đen đặc quánh hôi thối, nổi lềnh bềnh trên sông.

Ô nhiễm môi trường ở xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam diễn ra nghiêm trọng từ nhiều năm nay do chất thải chăn nuôi xả thẳng ra môi trường nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để.

Để hạn chế ô nhiễm, trong số gần 1.600 hộ nuôi lợn thì có đến hơn 2/3 số hộ làm hầm bioga. Tuy nhiên, đấy cũng chỉ là những “lá bùa hộ mệnh” để báo cáo với chính quyền và các đoàn đến kiểm tra. Tất nhiên, những hầm bioga này rất ít được đưa vào khai thác, sử dụng.

“Gia đình tôi trước đây mỗi năm nuôi hàng nghìn con lợn nhưng cũng chỉ làm một hầm bioga, dung tích  25-30 m3. Tuy nhiên, hầu như gia đình không sử dụng, mà theo thói quen là “xả thẳng ra môi trường cho nó tiện”, ông Trần Văn Tuấn, xóm 5, thôn Đội 1, xã Ngọc Lũ thẳng thắng chia sẻ.

Ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết, trước tình trạng ô nhiễm này, năm 2010 Bộ Tài Nguyên và Môi Trường đã hỗ trợ xây dựng thí điểm nhà máy xử lý chất thải tại xã Ngọc Lũ nằm ngay xóm bãi, giáp sông Châu Giang.

Tuy nhiên theo tính toán, nhà máy cũng chỉ xử lý được chất thải cho gần 200 hộ, trong khi đó ở đây có tới 1.600 hộ gia đình trực tiếp tham gia chăn nuôi. Chính vì vậy, công trình nhà máy xử lý chất thải đã phải đóng cửa ngay khi xây dựng xong.

“Nhà máy xử lý chất thải xây dựng được 12 năm, không rõ bao nhiêu kinh phí vì do Bộ Tài nguyên và Môi trường đầu tư xây dựng, nhưng chưa hoạt động được ngày nào vì địa phương không có kinh phí để chi cho hoạt động thường xuyên chứ chưa nói đến xử lý chất thải. Hiện nay các hạng mục đã xuống cấp nghiêm trọng, địa phương phải thuê 1 người trông coi với kinh phí 600 nghìn đồng/tháng”, ông Trung nói.

Trao đổi thêm về tình trạng ô nhiễm tại địa phương, ông Trung cho biết, hơn một năm nay tình trạng ô nhiễm đã giảm đáng kể. Nguyên nhân chính là chăn nuôi thua lỗ vì dịch bệnh, giá cả thấp nên số lượng người dân cũng như sản lượng lợn giảm hơn 80%.

“Sản lượng giảm kéo theo chất thải giảm là nguyên nhân hạn chế ô nhiễm về môi trường chứ không phải do xử lý. Nếu giá lợn lên cao, người dân tái đàn nhiều, nhà máy xử lý chất thải không hoạt động, ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường còn hạn chế thì ô nhiễm sẽ tái diễn như trước đây”, ông Trung than thở.