29/09/2024 lúc 20:24 (GMT+7)
Breaking News

Ghi từ “thủ phủ” nuôi lợn lớn ở miền Bắc (Bài 1): Thức ăn chăn nuôi tăng cao- giá lợn thấp, người chăn nuôi thua lỗ

Chưa kịp gượng dậy sau đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người chăn nuôi tại  “thủ phủ nuôi lợn miền Bắc” (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) lại phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Chưa kịp gượng dậy sau đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh, người chăn nuôi tại  “thủ phủ nuôi lợn miền Bắc” (xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam) lại phải đối mặt với khó khăn do giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh.

Đến thời điểm này, mức chênh lệch đã lên đến hơn 40.000 - 50.000 đồng/bao (loại 25 kg) so với trước bùng phát dịch Covid-19. Cụ thể, giá cám gia súc khoảng 290.000 - 300.000 đồng/bao, gia cầm khoảng 265.000 - 280.000 đồng/bao.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao

Giá thức ăn chăn nuôi tăng và chưa có dấu hiệu ngưng lại đã tác động trực tiếp đến giá thành chăn nuôi trong nước. Theo đó, hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều tăng giá, trong đó tăng nhiều nhất là gà ta tăng khoảng 5.000-7.000đồng/kg, gà công nghiệp tăng khoảng 2.000-3.000 đồng/kg, lợn hơi tăng khoảng 4.000-7.000 đồng/kg.

Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, giá lợn hơi xuống thấp, người chăn nuôi thua lỗ nhưng các thương lại vẫn tấp nập đến mua bán tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm tỉnh Hà Nam để mua bán.

Xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, nơi được mệnh danh là “thủ phủ” nuôi lợn lớn nhất miền Bắc những ngày trung tuần tháng 11 tấp nập người vào, ra. Trên dọc đường vào các thôn của xã nườm nượp phương tiện xe ba gác thô sơ, xe tải với nhiều tải trọng khác nhau ra vào vận chuyển thức ăn chăn nuôi và lợn hơi.

Bà Nguyễn Thị Phúc, xóm 5, xã Ngọc Lũ cho biết, trước đây, ngoài 20 con lợn sề để gây giống, mỗi đợt gia đình bà nuôi hàng nghìn con lợn thịt. Sau thời gian giá cả lợn hơi xuống thấp, chăn nuôi thua lỗ nên giờ gia đình bà chỉ nuôi hơn 110 con lợn thịt và 8 con lợn sề.

Kể từ cuối tháng 11/2020 đến nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã gây khó khăn lớn đến việc chăn nuôi của gia đình bà Phúc nói riêng, người chăn nuôi trong xã Ngọc Lũ nói chung.

Cũng theo bà Phúc, không chỉ ảnh hưởng bởi Covid-19, mà dịch tả lợn Châu Phi vẫn còn diễn biến phức tạp và nhất là chi phí về thức ăn những ngày gần đây tăng khiến cho người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn hơn vì giá cả đầu vào tăng cao.

Theo đó, với hơn 100 con lợn, trung bình mỗi ngày gia đình bà Phúc phải đầu tư hơn 2,5 tạ cám. Với giá tăng 40-50 nghìn/bao, trọng lượng 4 bao/tạ, bình quân mỗi ngày chi phí đội lên gần 500.000 đồng. Nếu tính thời gian trong 3-4 tháng thì số tiền mua thức ăn tăng rất cao so với trước đây.

“Chúng tôi buộc phải giảm sản lượng nuôi để giảm bớt khó khăn và chủ động ứng phó với diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi, tình hình dịch Covid-19. Việc người dân giảm sản lượng nuôi rất có thể sẽ tác động đến việc tăng giá lợn hơi, lợn thịt ngoài thị trường nếu cơ quan chức năng không quản lý tốt”, bà Phúc nói.

Nghịch lý trong chăn nuôi

Trao đổi nhanh với phóng viên tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam (xã Cầu Bối, huyện Bình Lục), anh Vũ Công Thỏa, một thương lái đến từ tỉnh Thái Bình cho biết, việc giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 40-50 nghìn đồng/bao 25kg, trong khi giá lợn hơi ở thời điểm hiện tại chỉ đạt 45 nghìn đồng/kg đã khiến người chăn nuôi rơi vào khó khăn.

“Giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, trong khi giá lợn hơi hơn một tháng nay giảm mạnh đã khiến các chủ trang trại rơi vào khó khăn, bức bách”, anh Thỏa nói.

Giao dịch mua bán lợn hơi tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm tỉnh Hà Nam vẫn nhộn nhịp dù giá lợn hơi xuống thấp.

Khẳng định thêm về việc giá thức ăn chăn nuôi gia súc tăng tác động mạnh đến ngành chăn nuôi của địa phương, ông Trần Văn Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Lũ, huyện Bình Lục cho biết, hiện địa phương chỉ còn lại khoảng 15.000 con lợn, giảm hơn 80% so với trước đây.

Với giá thành của thức ăn chăn nuôi tăng như hiện nay, nếu tính toán chi phí thì giá lợn hơi xuất chuồng đạt phải đạt 55 nghìn đồng/kg thì mới hòa vốn, bởi mỗi con lợn giống từ 20-30kg có giá hơn 2 triệu đồng, mỗi con nuôi đến 1 tạ hết khoảng 10 bao cám, gần 3 triệu đồng. Nếu giá chỉ 45 nghìn đồng/kg như hiện nay thì người chăn nuôi thua lỗ mỗi con 500 nghìn đồng, đó là chưa tính đến công chăm sóc.

“Cũng do những diễn biến bất thường về dịch bệnh, giá cả trong những năm gần đây đã xảy ra nên người dân trong xã không còn mặn mà nhiều với nghề chăn nuôi. Họ xem đây không phải là công việc có thu nhập ổn định bền vững nên đã dần chuyển dịch cơ cấu ngành nghề khác phu phù hợp hơn. Một bộ phận người lao động trong độ tuổi thì đi làm công nhân các khu, cụm công nghiệp, người lớn tuổi thì chuyển đổi mô hình chăn nuôi, trồng trọt”, ông Trung nói.

Lý giải viề việc vì sao giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, ông Phạm Đức Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi cho biết, giá nguyên liệu thế giới tăng mạnh thời gian qua do các yếu tố về mất mùa và nhất là Trung Quốc đột ngột mua nguyên liệu với số lượng kỷ lục dẫn đến giá tăng trên quy mô toàn cầu.

Bên cạnh đó là tình trạng thiếu container rỗng để vận chuyển hàng hóa cũng làm giá nguyên liệu về đến Việt Nam tăng lên. So với mức tăng của nguyên liệu thì giá bán lẻ tăng thấp hơn nhiều do các doanh nghiệp thường mua hàng trữ rồi đưa vào sản xuất dần.

Đối với ngành chăn nuôi, việc phụ thuộc phần lớn vào nguyên liệu thức ăn nhập khẩu là một rủi ro khi giá thế giới biến động. Cùng với việc chăn nuôi nhỏ lẻ và không có liên kết sẽ đẩy giá thành lên cao và không chia sẻ được rủi ro nên thua lỗ xảy ra là điều dễ hiểu.

“Thời gian tới, diễn biến thị trường sẽ rất khó đoán khi dịch Covid-19 còn nhiều diễn biến phức tạp, dịch tả lợn Châu Phi có diễn biến bất thường. Do vậy, người chăn nuôi cần phải có biện pháp chủ động với các kịch bản ứng phó để đối phó với các tình huống xảy ra bất thường. Bên cạnh đó, các ngành chức năng liên quan cần có giải pháp bình ổn thị trường đối với mặt hàng thức ăn chăn nuôi, góp phần hỗ trợ người chăn nuôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”, ông Bình nói.