23/01/2025 lúc 11:56 (GMT+7)
Breaking News

Gam màu sáng của kinh tế 2019 và cánh cửa để ngỏ cho doanh nghiệp

VNHN-Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ kém thuận lợi hơn năm 2018 ở khía cạnh tăng trưởng GDP và xuất khẩu. Tuy nhiên, về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ vẫn đạt được.

VNHN-Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ kém thuận lợi hơn năm 2018 ở khía cạnh tăng trưởng GDP và xuất khẩu. Tuy nhiên, về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ vẫn đạt được.

Kết quả kinh doanh 2019: Vẫn tăng trưởng, nhưng sẽ chậm lại

Tại Báo cáo Triển vọng ngành 2019 công bố mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định: "Kinh tế vĩ mô Việt Nam năm 2019 được dự báo sẽ kém thuận lợi hơn năm 2018 ở khía cạnh tăng trưởng GDP và tăng trưởng xuất khẩu. Tuy vậy, về tổng thể, mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và tỷ giá trong năm 2019 nhiều khả năng sẽ vẫn đạt được".

Theo đó, dù kém thuận lợi hơn nhưng môi trường vĩ mô năm 2019 được đánh giá ở mức trung tính và khó có thể gây ra cú sốc nào lớn đối với thị trường chứng khoán (TTCK), trừ khi bối cảnh thế giới xuất hiện những rủi ro mới nằm ngoài dự báo như: Khủng hoảng nợ công Italy đe dọa đến sự ổn định của khối Eurozone; tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm mạnh, tiền lương tăng cao khiến FED phải tăng lãi suất nhanh và mạnh hơn dự kiến; chiến tranh thương mại khiến tăng trưởng của Trung Quốc giảm tốc mạnh hơn dự báo.

 

Dự đoán kết quả kinh doanh của 70 công ty vốn hóa lớn nhất theo từng ngành (BVS-70) kèm theo

triển vọng các ngành trong 2019. (Ảnh: BVSC)

Nhóm nghiên cứu BVSC cho rằng mức tăng trưởng của các ngành trong 2019 dù chậm lại nhưng vẫn ở mức khả quan.

Trong đó, ngành ngân hàng sau một năm 2018 tăng trưởng lợi nhuận rất tốt thì sẽ dần chậm lại trong 2019, bù lại mặt bằng giá đang quay trở lại mức thấp hơn giá trị hợp lý (fair value).

Ngành bất động sản được dự báo vẫn có kết quả tăng trưởng ấn tượng nhờ VHM và VIC; trong khi nhóm còn lại bao gồm DXG, KDH, NVL, NLG lợi nhuận dự báo đi ngang hoặc tăng trưởng thấp.

Ngành dầu khí, giá dầu đối mặt với nhiều nhân tố cản trở đà tăng giá, chưa có bước ngoặt trong hoạt động của các doanh nghiệp dầu khí. Ngành bán lẻ dự báo sẽ tiếp tục là một điểm sáng của năm 2019.

Nhìn chung, bối cảnh vĩ mô trong nước năm 2019 mang tính trung tính và sẽ không tác động quá tiêu cực tới TTCK. Tăng trưởng GDP giảm tốc nhẹ, mặt bằng lãi suất sẽ tăng cao hơn năm 2018 khoảng 0.1 -0.3 , tuy nhiên các chỉ số khác như lạm phát, tỷ giá vẫn sẽ trong vùng kiểm soát.

"Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2019 sẽ không tăng trưởng mạnh như trong năm 2018, tuy nhiên vẫn duy trì đà tăng và đây là cơ sở để hỗ trợ giá nhiều mã cổ phiếu nếu giảm sâu", BVSC nhận định.

Trong nửa cuối năm 2019, khi các điều kiện về nâng hạng được thỏa mãn, nhiều khả năng xuất hiện dòng vốn nước ngoài mới mang tính đầu cơ chảy vào TTCK Việt Nam, một số cơ hội sẽ đến từ kế hoạch IPO, niêm yết mới cổ phiếu trong năm 2019...

Ánh sáng nơi cuối đường cho doanh nghiệp bất động sản

Trước những khó khăn về vốn khi dòng tín dụng bị siết chặt trong năm 2019, nhiều chuyên gia cho rằng doanh nghiệp bất động sản cần hướng tới cánh cửa còn "để ngỏ" là lên sàn và huy động vốn bằng cổ phiếu, trái phiếu.

Đánh giá về thị trường chứng khoán 2019, nhóm nghiên cứu BVSC cho rằng chỉ số vĩ mô sẽ có tác động tốt xấu đan xen tới TTCK trong năm 2019. Theo đó, tác động của các yếu tố vĩ mô trong nước tới TTCK là cân bằng, TTCK sẽ không chịu tác động lớn từ bối cảnh trong nước mà sẽ chịu tác động chi phối từ các yếu tố như dòng vốn nước ngoài chịu ảnh hưởng từ bối cảnh lãi suất thế giới tăng, triển vọng nâng hạng lên EM, thoái vốn nhà nước hay việc thông qua Luật Chứng khoán sửa đổi.

Mặc dù dòng vốn ngoại huy động mới, hoặc huy động bổ sung thêm vào thị trường Việt Nam sẽ khó hơn giai đoạn 2016 - 2017 do chi phí vốn tăng khi ngân hàng trung ương nhiều nước thắt chặt chính sách tiền tệ; các quỹ đầu tư thụ động như VanEck, DB, hay Ishare có thể hoạt động không mạnh, nhưng ETFVN30 sẽ hoạt động mạnh hơn nhờ dòng tiền từ các nước châu Á, đặc biệt là dòng vốn đến từ các nhà đầu tư Hàn Quốc và Nhật Bản thông qua các thương vụ thoái vốn, phát hành cho đối tác chiến lược...

Do đó, BVSC cho rằng trong nửa cuối năm 2019, khi các điều kiện về nâng hạng được thỏa mãn, nhiều khả năng xuất hiện dòng vốn nước ngoài mới mang tính đầu cơ chảy vào TTCK Việt Nam, một số cơ hội sẽ đến từ kế hoạch IPO, thoái vốn nhà nước hay niêm yết mới cổ phiếu trong năm 2019.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, cho hay: "Các doanh nghiệp ngoài việc vay vốn ngân hàng thì có các nguồn vốn tiềm năng khác, đó là phát hành cổ phiếu và trái phiếu. Đây chính là cánh cửa còn để ngỏ cho các doanh nghiệp".

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, việc phát hành cổ phiếu chỉ áp dụng cho những doanh nghiệp có khả năng tài chính tốt, sức khỏe tài chính ổn định, có thị trường ổn định và tỷ lệ sinh lời tốt. Những doanh nghiệp nhỏ không có thị phần, không có báo cáo tài chính kiểm toán độc lập và không có lãi thì bị loại khỏi nguồn vốn cổ phần đó.

Nhưng, dù vậy, việc niêm yết và phát hành cổ phiếu sẽ là một hướng đi mới, mang đến thách thức và cơ hội cho doanh nghiệp trong năm 2019.

"Khi đã đủ mạnh để niêm yết và phát hành cổ phiếu thì doanh nghiệp sẽ đi vào ổn định và phát triển.", ông Hiếu khẳng định.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Đức Khánh, Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán dầu khí (PSI) chia sẻ: "Đối với các doanh nghiệp mới lên sàn, là cơ hội hay thách thức thì còn tùy vào doanh nghiệp và triển vọng. Nếu đó là những doanh nghiệp mới, ít tên tuổi sẽ khó thu hút vốn thành công.

Và để nhà đầu tư quan tâm hơn đến cổ phiếu bất động sản, doanh nghiệp nhóm này cần thêm độ minh bạch thông tin, bớt làm đẹp báo cáo tài chính. Khi đó, tự khắc cổ phiếu bất động sản sẽ “có giá” hơn và uy tín doanh nghiệp cũng sẽ tăng thêm bậc trên thị trường chứng khoán".

Gia Minh