Mức điểm xếp hạng tín nhiệm nói trên phản ánh nhận định của FiinRatings cho rằng hồ sơ tín dụng của ngân hàng sẽ duy trì ổn định trong 24 tháng tới, nhờ vào vị thế kinh doanh vững chắc, cùng với hồ sơ vốn và khả năng sinh lời tốt của ngân hàng.
Bên cạnh đó, khả năng huy động vốn và vị thế thanh khoản của ngân hàng cũng được kỳ vọng sẽ tiếp tục hưởng lợi từ việc duy trì sự gắn bó của phân khúc khách hàng có thu nhập cao và trung bình, cùng với vị thế dẫn đầu về thị phần tiền gửi không kỳ hạn.
FiinRatings cho rằng hồ sơ vốn và khả năng sinh lời là những điểm mạnh chính đóng góp vào điểm tín nhiệm của Techcombank khi so sánh với các ngân hàng thương mại khác tại Việt Nam.Trong 6 tháng đầu năm, lợi nhuận của Techcombank giảm nhẹ nhưng khả năng sinh lời vẫn cao hơn trung bình ngành.
Tính đến cuối tháng 6, Techcombank có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt 15,1%, thuộc nhóm cao nhất trong số các ngân hàng thương mại. Tỷ lệ đòn bẩy (tổng tài sản chia cho vốn chủ sở hữu) luôn ổn định ở mức khoảng 6 lần và thấp hơn nhiều so với mức trung bình của ngành khoảng 12-14 lần trong giai đoạn 2019 - 6H2023.
Bên cạnh đó, khả năng sinh lời của Techcombank được duy trì khá ổn định ngay cả trong điều kiện kinh tế không thuận lợi. Biên lợi nhuận vượt trội của hàng được giữ ổn định trong thời gian vừa qua với NIM và ROA đến 30/6/2023 lần lượt là 4,4% và 2,6%, cao hơn so với mức trung bình của ngành là 3,4% và 1,2%.
Theo FiinRatings, khả năng sinh lời của ngân hàng đến chủ yếu từ tệp khách hàng cá nhân có thu nhập cao và trung bình, đóng góp khoảng 50% tổng thu nhập lãi thuần và 30 - 40% tổng thu nhập hoạt động.
"Lợi nhuận của ngân hàng dự kiến sẽ giảm nhẹ, nhưng vẫn cao hơn mức trung bình ngành, do biên lãi ròng ước tính sẽ tiếp tục thu hẹp bởi chi phí tín dụng kì vọng sẽ gia tăng, và chi phí huy động vốn dự kiến vẫn ở mức cao hơn so với giai đoạn 2019-2021", báo cáo của FiinRatings viết.
Vị thế rủi ro của Techcombank được đánh giá ở mức "Phù hợp", phản ánh năng lực quản trị rủi ro tốt so với mặt bằng chung ngành. Điều này giúp hạn chế rủi ro tập trung của ngân hàng trong hoạt động cho vay các lĩnh vực có mức độ biến động mạnh theo chu kỳ và mức độ thâm dụng vốn lớn như bất động sản, xây dựng và các ngành liên quan.
Tính đến ngày 30/6/2023, dư nợ cho vay doanh nghiệp chiếm 59% tổng dư nợ cho vay khách hàng (đã bao gồm số dư trái phiếu doanh nghiệp) của ngân hàng, trong đó gần 70% thuộc cho vay lĩnh vực bất động sản và xây dựng (ReCoM) (số liệu năm 2022: 73%).
Trong khi đó, dư nợ cho vay bán lẻ chiếm 41% tổng dư nợ (đã bao gồm trái phiếu), trong đó 80% là cho vay mua bất động sản (số liệu năm 2022: 84%).
Báo cáo của Fiin cho biết phần lớn nhóm khách hàng trong danh mục cho vay doanh nghiệp của Techcombank đều là các nhà phát triển bất động sản có năng lực tài chính do ngân hàng lựa chọn tài trợ chủ yếu cho các chủ đầu tư lớn và uy tín tại Việt Nam.
Tổ chức này kì vọng việc ngân hàng duy trì tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao hơn trung bình ngành và việc duy trì kiểm soát tỷ lệ tổng hạn mức tín dụng dưới 25% vốn chủ sở hữu đối với một nhóm khách hàng doanh nghiệp lớn cũng góp phần giảm thiểu các tác động suy giảm chất lượng tài sản.