CTCP FECON (FCN) có tiền thân là CTCP Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON được thành lập vào năm 2004. Công ty hoạt động trong lĩnh vực xây dựng công trình, trong đó tập trung vào chuyên ngành sâu là nền móng và công trình ngầm. Trong những năm qua, FECON đã có những bước tiến mạnh mẽ và có chỗ đứng trong ngành xây lắp.
Mới đây, ngày 05/05/2022, Công ty Cổ phần FECON thế chấp 7.573.750 cổ phần, tính theo mệnh giá là 10,000 đồng/cổ phần, tương đương với 93,5% vốn điều lệ của Phần vốn góp của Công ty cổ phần cọc và xây dựng FECON tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam Chi nhánh Thăng Long.
Trước đó, theo thông tin đã đăng ký Công ty Cổ phần FECON thế chấp 8.500.000 cổ phần của Công ty Cổ phần đầu tư FECON tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam Chi nhánh Đông Đô, số hợp đồng 01/2022/132625/HĐBĐ, ngày ký hợp đồng: 22/03/2022.
Đáng chú ý, ngày 13/06/2022 Công ty cổ phần FECON cũng đã phát hành 150 tỷ đồng trái phiếu, đảm bảo bằng cổ phần của hai công ty con.
Cụ thể, tài sản đảm bảo cho việc phát hành lô trái phiếu này bao gồm bên đảm bảo là Công ty CP FECON với 22.723.563 số cổ phần/cổ phiếu thế chấp tại Công ty CP đầu tư FECON và 15.604.000 số cổ phần/cổ phiếu thế chấp tại Công ty CP Công trình ngầm FECON.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã được kiểm toán cho năm tài chính kết thúc 31/12/2021, Công ty cổ phần FECON đang nắm giữ 90,52% vốn của công ty cổ phần đầu tư FECON.
Về tình hình kinh doanh quý I/2022, FCN ghi nhận doanh thu thuần giảm gần 14% về 502 tỷ đồng; doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gấp đôi cùng kỳ, hơn 10,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chi phí tài chính cũng tăng mạnh từ 29 tỷ đồng lên 47 tỷ đồng. Chi phí bán hàng và chi phí QLDN giảm không đáng kể, hoạt động khác lỗ 1,2 tỷ đồng.
Kết quả, FCN lỗ sau thuế hơn 6,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi hơn 17 tỷ đồng - Đây cũng là quý đầu tiên doanh nghiệp này thua lỗ kể từ khi hoạt động.
Theo giải trình từ phía công ty nguyên nhân thua lỗ là do tiến độ triển khai một số dự án lớn bị chậm so với kế hoạch dự kiến ban đầu nên ảnh hưởng đến tiến độ chào thầu, ký kết hợp đồng dẫn đến sản lượng thi công đạt thấp, doanh thu và lợi nhuận gộp bị giảm so với cùng kỳ. Chi phí lãi vay tăng do công ty điện gió Quốc Vinh Sóc Trăng có dự án điện gió đi vào vận hành thương mại cuối tháng 10/2021.
Tại thời điểm 31/3, nợ vay tài chính của Fecon ở mức 2.389 tỷ đồng, giảm 3,3% so với số đầu năm trong đó 53,7% là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu đạt 2.655 tỷ đồng.
Năm 2021, doanh thu của Fecon đạt 3.484 tỷ đồng, tăng 10% so với 2020; lợi nhuận sau thuế 71 tỷ đồng, giảm 47%. Công ty không hoàn thành kế hoạch đề ra khi thực hiện lần lượt 89% mục tiêu doanh thu và 41% mục tiêu lợi nhuận. Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của doanh nghiệp này trong 10 năm trở lại đây. Tính tới cuối năm 2021, dư nợ trái phiếu của công ty là 150 tỷ đồng.
Mới đây tại ĐHĐCĐ năm 2022, FCN đã thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng doanh thu thêm 44% lên mức 5000 tỷ, lợi nhuận tăng 296% lên mức 280 tỷ đồng.
Sáng nay, 12/7/2022, cổ phiếu FCN đang giao dịch ở ngưỡng 13,5 nghìn đồng/cổ phiếu, trong khi đầu năm 2022 FCN đã đạt đỉnh giao địch ở ngưỡng 32 nghìn đồng/cổ phiếu. Như vậy, giá trị tài sản ròng của FCN đã giảm hơn một nửa.
Việc thế chấp cổ phiếu tại ngân hàng thời gian qua đã phát sinh nhiều bất cập, khiến nhiều cơ quan chức năng phải lên tiếng cảnh báo. Đơn cử, FLC dùng 60 triệu cp Bamboo Airways để làm tài sản đảm bảo cho một khoản vay tại NCB.
Ngoài Tập đoàn FLC, các ngân hàng còn cho vay hàng trăm tỷ đồng tại FLCHomes, FLC Faros. BCTC hợp nhất quý 4/2021 của FLCHomes (FHH) cho thấy gần 400 tỷ đồng khoản vay ngắn và dài hạn tại Sacombank có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi. Tài sản đảm bảo gồm 57.5 triệu cp Bamboo Airways (BAV) do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long.
FLCHomes cũng vay gần 200 tỷ đồng tại NCB để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo là cổ phiếu Bamboo Airways, gồm 30 triệu cp do vợ chồng ông Quyết sở hữu và 30 triệu cp thuộc FLC sở hữu. FLCHomes vay OCB 108 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản đảm bảo gồm các khoản tiền gửi và cổ phiếu do Bamboo Airways phát hành. Trong số này có 5.06 triệu cổ phiếu do vợ chồng ông Quyết sở hữu và 13 triệu cp do FLC sở hữu.