23/01/2025 lúc 04:59 (GMT+7)
Breaking News

Cổ phiếu FCN của FECON có bị làm giá?

Một năm trước, giá cổ phiếu của CTCP FECON (HoSE: FCN) chỉ giao dịch ở ngưỡng 12.000 đồng/cổ phiếu nhưng đầu năm nay, cổ phiếu FCN đạt đỉnh lên đến 32.600 đồng vào ngày 10/1/2022.

Sau phiên đạt đỉnh vào ngày 10/1/2022, cổ phiếu FCN liên tục rơi vào đà giảm.

Tại phiên giao dịch cuối tuần trước ngày 22/4, cổ phiếu FCN xuống ngưỡng giao dịch 22.000 đồng/cổ phiếu. Tuy nhiên, phiên giao dịch sáng ngày 29/4, mỗi cổ phiếu này tiếp tục đà giảm xuống xấp xỉ 20.000 đồng.

Thời gian gần đây, nhiều người nội bộ của FECON có động thái đăng ký bán cổ phiếu sở hữu cũng gây sự chú ý cho các nhà đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa

Mới đây, người nhà Chủ tịch FECON tiếp tục đăng ký bán toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ. Theo đó, bố đẻ và em gái Chủ tịch HĐQT Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán cổ phiếu để giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân.

Theo đó, bà Phạm Thị Minh Hoa, em gái Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP FECON Phạm Việt Khoa đăng ký bán 16.300 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 16.397 cổ phiếu về 97 cổ phiếu, với mục đích giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Thời gian giao dịch dự kiến từ 1/4- 30/4/2022.

Ông Phạm Hồng - bố đẻ Chủ tịch HĐQT Phạm Việt Khoa của FECON cũng đang ký bán 26.500 cổ phiếu cũng trong thời gian từ ngày 31/3/2022 đến 29/4/2022 với lý do giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân. Nếu giao dịch hoàn tất ông Hồng chỉ còn nắm giữ lô lẻ 25 cổ phiếu của FECON. Trong khi đó, ông Phạm Việt Khoa đang sở hữu hơn 5 triệu cổ phiếu FCN.

Cũng trong thời gian này, ông Trần Trọng Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty tiếp tục đăng ký bán 100.000 cổ phiếu để giảm sở hữu từ 631.461 về 531.461 cổ phiếu, tương đương 0,34% vốn điều lệ.

Ở một diễn biến khác, đầu năm 2022, sau khi bán khớp lệnh 940.400 cổ phiếu FCM trong tháng 1/2022, CTCP FECON tiếp tục đăng ký bán 1,5 triệu cổ phần, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 4,59% và rời ghế cổ đông lớn lại CTCP Khoáng sản FECON (FCM).

CTCP FECON (HOSE: FCN), đơn vị có liên quan đến Giám đốc Phạm Trung Thành đăng ký bán 1,5 triệu cổ phiếu FCM của của CTCP Khoáng sản FECON (HOSE: FCM) với mục đích tái cơ cấu danh mục đầu tư. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh hoặc thoả thuận từ ngày 11/2/2022 đến 11/3/2022, qua đó giảm tỷ lệ sở hữu từ 7,92% xuống còn 4,59% vốn điều lệ. 

Nếu giao dịch hoàn tất, FECON sẽ giảm số lượng cổ phiếu nắm giữ từ 3,56 triệu cổ phiếu xuống hơn 2,06 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ sở hữu giảm từ 7,92% xuống 4,59%. Hiện FECON là cổ đông lớn thứ hai của Khoáng sản FECON, sau CTCP Đầu tư Phan Vũ (46,36%).

Trước đó, FECON chỉ bán khớp lệnh 940.400 cổ phiếu FCM từ ngày 6/1 đến 28/1, dù số lượng cổ phiếu đăng ký bán là 1,5 triệu cổ phiếu.

ĐHCĐ Fecon: Mục tiêu kí mới 7.500 tỷ, dự kiến 2 dự án BĐS có doanh thu vào quý IV

Ngày 28/4, FECON đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2022.

Đại hội cổ đông đã thông qua kế hoạch năm 2022, FECON đặt mục tiêu kế hoạch doanh thu hợp nhất đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 44% so với thực hiện năm 2021 và lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 280 tỷ đồng, tăng 296%.

Về phía Công ty mẹ, FECON dự kiến doanh thu đạt 3.080 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, lần lượt tăng 27% và 67%.

Về phương hướng kế hoạch năm 2022, ông Phạm Việt Khoa cũng tiết lộ, năm 2022, FECON hướng tới làm Tổng thầu dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Đáng chú ý, Đại hội cổ động của FECON cũng đã thông qua phương án không chi trả thưởng cho HĐQT FECON năm 2021 do kế hoạch năm 2021 của FECON không hoàn thành.

Báo cáo của FECON cho thấy, kết thúc năm 2021, vốn điều lệ của FECON là 1.574 tỷ đồng; Tổng tài sản là 7.496 tỷ đồng. Doanh thu hợp nhất trong năm 2021 là 3.484 tỷ đồng, tăng trưởng 10% so với năm 2020.

Lợi nhuận sau thuế hợp nhất là 71 tỷ đồng, đạt 41% kế hoạch năm 2021. Trong đó, doanh thu công ty mẹ tăng trưởng ghi nhận 2.418 tỷ đồng, đạt 93% kế hoạch năm 2021.

Cũng theo báo cáo của FECON, do chịu tác động kép từ đại dịch Covid-19 và bão giá vật liệu xây dựng, nên hiệu quả các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới tỷ suất lợi nhuận gộp năm 2021 chỉ đạt 13,5%, thấp hơn so với các năm.

Vân Anh