VNHN - Facebook và các trang mạng xã hội khác đã cố gắng chống lại sự lan truyền của các thuyết âm mưu, bao gồm một trò lừa bịp tuyên bố sai rằng chính phủ Mỹ đã bí mật tạo ra virus corona.
Sự lây lan nhanh chóng của virus corona ở Trung Quốc và trên thế giới đã khiến Facebook, Google và Twitter phải tham gia một cuộc chiến để ngăn chặn một loại bệnh tật khác - sự gia tăng của thông tin sai lệch liên quan đến virus chết người trên. Ba gã khổng lồ công nghệ ở Thung lũng Silicon từ lâu đã phải vật lộn để ngăn chặn những thông tin nguy hiểm về sức khỏe. Nhưng nay, các công ty này phải đối mặt với thử thách lớn hơn về virus corona đã lây nhiễm 4.400 người ở Trung Quốc, làm tử vong ít nhất 100 người. Mới đây, Facebook và các trang mạng xã hội khác đã cố gắng chống lại sự lan truyền của các thuyết âm mưu, bao gồm một trò lừa bịp tuyên bố sai rằng chính phủ Mỹ đã bí mật tạo ra hoặc lấy bằng sáng chế về chủng mới của virus corona.
Một số thông tin sai lệch đã lưu hành thông qua các nhóm Facebook kín - các kênh mà các nhà nghiên cứu khó theo dõi trong thời gian thực - đã xuất hiện sau khi có tin tức đầu tiên về virus corona. "Dầu Oregano hiệu quả chống lại virus corona," là tiêu đề một bài đăng được chia sẻ ít nhất 2.000 lần trên nhiều nhóm vào thứ Hai 27/1. Nhưng đây là bài viết trên thực tế đã có từ cách đây một thập kỷ, bắt nguồn từ một trang web chăm sóc toàn diện - và các nhà khoa học đã nói rằng không có cách chữa trị như vậy đối với virus corona.
Nhân viên y tế Trung Quốc kiểm tra thân nhiệt một hành khách ở sân bay.
Bảy tổ chức đã hợp tác với Facebook thực hiện chín kiểm tra thực tế trong những ngày gần đây và phát hiện ra một loạt các tuyên bố trên mạng về virus corona là sai, bao gồm cả những phương pháp điều trị giả mạo. Facebook cho biết họ đã dán nhãn không chính xác và hạ thứ hạng của các nguồn phát thông tin sai lệch vê virus corona trong các nguồn cấp dữ liệu hàng ngày của người dùng. Trong khi đó, ngày 27/1, Twitter đã bắt đầu hướng người dùng ở Mỹ tìm kiếm các hashtag liên quan đến virus corona đến Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ.
Và YouTube thuộc sở hữu của Google cho biết thuật toán của họ cũng ưu tiên các nguồn đáng tin cậy hơn. Tuy nhiên, một số video ở đó - bao gồm một video có hơn 430.000 lượt xem - đã đẩy lên những thông tin đáng ngờ về nguồn gốc của virus corona và phương tiện lây truyền. Mối đe dọa của các thông tin giả lan truyền nhanh chóng đã và đang tạo ra những thách thức rõ ràng với các mạng xã hội trong việc tạo ra những công cụ mạnh mẽ để tổ chức và thiết lập một cộng đồng người dùng nhanh chóng phản hồi lại những tin tức sai lệch về sức khỏe. Dù có ác ý, sợ hãi hay hiểu lầm, thì việc người dùng chia sẻ và từ đó củng cố thông tin sai lệch trong thời gian thực, sẽ làm phức tạp công việc của các bác sỹ và quan chức chính phủ trong cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng.