VNHN - Đại diện thường trực 27 quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu (EU) đã nhất trí tiếp tục gia hạn một năm các biện pháp trừng phạt chống lại Nga trong vấn đề sáp nhập Crimea và Sevastopol, kéo dài tới ngày 23-6-2021.
Một góc TP Sevastopol. (Nguồn: TASS)
Quyết định này sẽ chính thức được phê chuẩn trong tuần tới, trước khi công bố trên Tạp chí chính thức của EU. Hãng tin TASS ngày 10-6 dẫn thông tin này từ Hội đồng châu Âu (EC).
Như vậy, đây là năm thứ sáu liên tiếp EU kéo dài các biện pháp trừng phạt Nga, liên quan sự kiện tại Ukraine năm 2014 và việc sáp nhập bán đảo Crimea và Sevastopol vào Nga. Các biện pháp trừng phạt này chia làm hai tuyến độc lập gồm lệnh trừng phạt Nga, được gia hạn sáu tháng một lần; trong khi lệnh trừng phạt bán đảo Crimea và Sevastopol, được gia hạn mỗi năm một lần.
Cụ thể, biện pháp trừng phạt Nga bao gồm: hạn chế thị thực đối với công dân Nga, trừng phạt một số công ty nhà nước Nga trong ngành kinh tế mũi nhọn dầu mỏ, cũng như các lĩnh vực quốc phòng và tài chính. Các biện pháp trừng phạt Crimea và Sevastopol bao gồm: lệnh cấm xuất nhập khẩu hàng hóa; cấm cung cấp bất kỳ khoản đầu tư nào vào công nghệ và dịch vụ kỹ thuật cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực vận tải, viễn thông, năng lượng, sản xuất và lọc dầu, khai thác tài nguyên thiên nhiên tại bán đảo, cấm sở hữu bất động sản cũng như tài trợ kinh doanh, cung cấp dịch vụ du lịch. Ngoài ra, tàu bè các nước EU không được phép cập cảng Crimea, máy bay của EU cũng không được hạ cánh tại các sân bay ở Crimea, ngoại trừ trường hợp khẩn cấp.
Do cuộc khủng hoảng chính trị ở Ukraine hồi đầu năm 2014, chính quyền Crimea và Sevastopol, nước cộng hòa trong thành phần Ukraine, đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập Nga và nhận được sự tán thành của hơn 96,7% trong số hơn 80% cử tri đi bỏ phiếu. Nga nhất trí kết nạp Cộng hòa Crimea và Sevastopol vào LB Nga, trong khi phía Ukraine từ chối công nhận điều này. Phương tây và EU tuyên bố áp đặt trừng phạt Nga từ năm 2014 đến nay, trong khi Nga khẳng định sẽ không tiến hành bất kỳ cuộc đàm phán và thảo luận nào về vấn đề quyền sở hữu bán đảo Crimea. Đổi lại, Nga cũng áp đặt lệnh cấm đối với một số sản phẩm từ châu Âu.
“Cuộc chiến” cấm vận trừng phạt kéo dài này đã ảnh hưởng lớn đến thương mại, tài chính, quân sự, các thỏa thuận hợp tác và chế độ miễn thị thực giữa Nga và EU, làm gia tăng sự bất mãn giữa các doanh nghiệp của cả hai bên. Hiện nay, liên quan đại dịch Covid-19, các biện pháp trừng phạt cấm vận giữa Nga và EU càng trở thành một yếu tố tiêu cực, song giới chức EU, dẫn đầu là Đức vẫn ưu tiên giải quyết vấn đề Nga, Ukraine trong câu chuyện Crimea, trước khi có thể dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
QUẾ ANH
Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại LB Nga