Ngày 31/3, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020
Hội nghị do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức. Cùng tham dự Hội nghị có Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh, Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.
Trước đó, trong ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững.
Tại Hội nghị, theo gợi mở của Thủ tướng, các đại biểu tập trung thảo luận về một số nội dung: Đường lối, quan điểm, chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước, các quyết định của Thủ tướng Chính phủ với Phú Quốc trong 20 năm qua; phân tích sâu hơn, rõ hơn, kỹ hơn về những thành tựu đã đạt được, những việc chưa làm được, nguyên nhân khách quan, chủ quan và các bài học kinh nghiệm rút ra; cảm xúc, ấn tượng với Phú Quốc qua từng lần tới đây, qua từng giai đoạn; những băn khoăn, trăn trở với Phú Quốc; trong giai đoạn hiện nay, Phú Quốc phát triển như thế nào với định hướng, nhiệm vụ, giải pháp nào; góp ý với Phú Quốc về cơ chế, chính sách đột phá, sự phối hợp của các bộ, ngành, tính tự lực, tự cường của Phú Quốc, của doanh nghiệp và người dân. Lãnh đạo các bộ, ngành cũng phản hồi, giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Kiên Giang về phát triển Phú Quốc.
Phân tích về tiềm năng, cơ hội, lợi thế của vùng đất này, các đại biểu đánh giá Phú Quốc gồm 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó lớn nhất là đảo Phú Quốc với diện tích gần 590 km2 (bằng gần 80% diện tích Singapore); nằm trên tuyến hàng hải quốc tế; cách thủ đô các nước ASEAN không quá 2 giờ bay.
Phú Quốc có vị trí chiến lược về kinh tế, văn hóa, giao thương, du lịch, quốc phòng, an ninh. Phú Quốc có tiềm năng lớn phát triển các ngành du lịch, dịch vụ, kinh tế biển với bờ biển dài 150 km, có nhiều bãi biển đẹp, biển xanh, cát trắng, nắng chan hòa, nơi có trời xanh, không khí trong lành, có sông suối mát trong. Khí hậu dễ chịu quanh năm. Nhiều đặc sản nổi tiếng như hồ tiêu, ngọc trai, cá trích, nấm tràm…
Phú Quốc cũng là ngư trường lớn nhất phía nam với diện tích tiềm năng nuôi biển gần 1.400 km2 có hệ sinh thái biển và nguồn lợi thủy sản đa dạng, lớn, trong đó nhiều loại có giá trị cao.
Thiên nhiên ưu đãi với cảnh vật tươi đẹp, tài nguyên phong phú với hơn 60% diện tích tự nhiên là núi, rừng nguyên sinh. Đặc biệt, Vườn quốc gia Phú Quốc với diện tích trên 36,2 nghìn ha với hệ sinh thái rừng, động thực vật phong phú; thuộc Khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
Phú Quốc có nhiều di tích lịch sử cách mạng, nổi bật là Trại giam Phú Quốc, nơi từng là "địa ngục trần gian", ghi dấu tích bi tráng của gần 40 nghìn chiến sĩ cộng sản yêu nước. Con người Phú Quốc giàu truyền thống cách mạng, đoàn kết, cần cù, đôn hậu, mến khách, năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu cho quê hương, đất nước.
Các đại biểu cho rằng trong thời gian tới, cần tiếp tục "mở và nâng tầm phát triển" cho Phú Quốc, xác định rõ và đúng tầm vị thế vùng - quốc gia (động lực tăng trưởng, chức năng dẫn dắt và lan tỏa phát triển) và quốc tế (tiên phong hội nhập và cạnh tranh toàn cầu – khu vực) đặc biệt của Phú Quốc; nghiên cứu để Phú Quốc có quy chế đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được quy định trong Hiến pháp; xây dựng, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách đặc thù cho Phú Quốc gắn với mô hình thí điểm chính quyền đô thị…
Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của Phú Quốc; việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước
Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa các ý kiến xác đáng, sớm dự thảo Thông báo kết luận Hội nghị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành để thống nhất thực hiện; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan xây dựng Đề án mới về phát triển Phú Quốc để đề xuất cấp có thẩm quyền, đưa Phú Quốc phát triển nhanh, bền vững hơn trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, phát huy nội lực, con người Phú Quốc và Kiên Giang.
Thủ tướng nêu rõ, Phú Quốc có vai trò, vị trí quan trọng, rất đặc thù đối với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển văn hóa, du lịch, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
"Nơi đây có nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh và Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách thúc đẩy Phú Quốc phát triển. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước là xuyên suốt, có trọng tâm, trọng điểm và có ưu tiên về chính sách, nguồn lực ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng đánh giá, sau 20 năm, Phú Quốc đã cơ bản đạt được các mục tiêu trong Đề án phát triển tổng thể Phú Quốc theo Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, khẳng định sự đúng, trúng, hiệu quả trong chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước với Phú Quốc.
Nổi bật là tăng trưởng vượt bậc, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tốc độ tăng trưởng đạt 19,6%/năm. Tốc độ tăng trưởng giá trị hoạt động du lịch giai đoạn 2011-2023 đạt trên 38%/năm, gấp 6 lần bình quân chung cả nước. Khách du lịch tăng từ 130 nghìn lượt năm 2004 lên 3,5 triệu lượt năm 2020; 5,57 triệu lượt năm 2023 (đạt mục tiêu theo Quyết định 178).
Giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng tăng từ 310 tỷ đồng năm 2006 lên hơn 19,1 nghìn tỷ đồng năm 2023. Nông nghiệp phát triển theo hướng ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi giá trị cao.
Ngân sách từ chỗ thu không đủ chi, đến nay đã có điều tiết về tỉnh. Thu ngân sách tăng 113 lần, lên hơn 7,8 nghìn tỷ đồng năm 2023 so với 38,6 tỷ đồng năm 2004.
Hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông phát triển tương đối đồng bộ về cả cảng hàng không, cảng biển và đường bộ. Đặc biệt, có Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc kết nối trực tiếp đến các thành phố lớn trong nước và quốc tế.
Thu hút đầu tư đạt kết quả ấn tượng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội năm 2023 đạt trên 21,6 nghìn tỷ đồng, gấp 64 lần năm 2004. Từ "không có dự án đầu tư nào" tăng lên 321 dự án với tổng vốn đầu tư 412 nghìn tỷ đồng năm 2023. Trong đó, nhiều dự án đầu tư có các sản phẩm chất lượng cao, mang tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Tình hình phát triển doanh nghiệp đạt kết quả tích cực. Đến năm 2023 có trên 4,4 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số doanh nghiệp và tăng gần 400 lần về số vốn đăng ký so với năm 2004.
Huyện đảo Phú Quốc chính thức là thành phố - đô thị loại II trực thuộc tỉnh Kiên Giang từ năm 2020. Các lĩnh vực văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục, đào tạo có nhiều tiến bộ, đời sống của nhân dân được nâng lên. Quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển đảo được củng cố; trật tự an toàn xã hội ổn định.
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng; năng lực lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên; công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh.
Thủ tướng đúc rút '6 điểm hơn' sau 20 năm phát triển Phú Quốc: Tiềm lực được tăng cường hơn; hạ tầng chiến lược đồng bộ hơn; sự quan tâm, ủng hộ, giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, nhân dân và bạn bè quốc tế nhiều hơn; uy tín, vai trò, vị thế của Phú Quốc tăng lên; đóng góp cho GDP, thu ngân sách, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân cao hơn; thời cơ, thuận lợi nhiều hơn dù khó khăn, thách thức cũng không ít hơn, nhất là cho phát triển xanh, bền vững và phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương nỗ lực và thành tựu đạt được của chính quyền, quân và dân Thành phố Phú Quốc nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung suốt nhiều năm qua, đóng góp quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
Nguyên nhân đạt được những kết quả nói trên là nhờ có sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng lòng, giúp đỡ của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Kiên Giang và thành phố Phú Quốc; sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.
Bên cạnh đó, Thủ tướng chỉ rõ những hạn chế, bất cập, khó khăn, thách thức, như Phú Quốc chưa phát triển đúng tầm và có thể phát triển tốt hơn. Phú Quốc cũng đang phát triển nóng, có nhiều yếu tố thiếu bền vững như bảo đảm nước sạch, vệ sinh môi trường (vẫn chưa có nhà máy, trung tâm xử lý rác thải phù hợp quy mô dân số); hạ tầng chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.
Cùng với đó, tiềm năng lớn nhưng cơ chế, chính sách còn hạn hẹp. Môi trường và nguồn nhân lực còn nhiều thách thức. Yêu cầu, điều kiện, sự phát triển càng ngày càng cao hơn nhưng nguồn lực, cơ chế huy động nguồn lực chưa được như mong muốn, chưa ngang tầm sự phát triển. Bên cạnh đó là những bất cập liên quan quản lý đất đai, đời sống một bộ phận người dân còn gặp khó khăn...
Theo Thủ tướng, có 3 vấn đề rất quan trọng để phát triển các đảo gồm nước, điện và sóng.
Thủ tướng phân tích 6 bài học kinh nghiệm sau 20 năm thực hiện Quyết định 178:
Thứ nhất, nhận diện, đánh giá đúng tiềm năng, cơ hội, lợi thế, khó khăn, vướng mắc trong phát triển để từ đó có nhiệm vụ, giải pháp phù hợp.
Thứ hai, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự tin, đi lên từ bàn tay, khối óc, khung trời, cửa biển của mình, bởi thực tế Phú Quốc đã "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể thành có thể".
Thứ ba, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới, tăng cường giám sát, kiểm tra.
Thứ tư, cơ chế huy động nguồn lực phải thông thoáng, kết hợp giữa nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn lực Nhà nước và xã hội, đẩy mạnh hợp tác công tư bằng nhiều hình thức.
Thứ năm, phát triển con người, công tác cán bộ, đào tạo nhân lực chất lượng cao là yếu tố quyết định.
Thứ sáu, phải quan tâm, đầu tư đúng mức để bảo vệ môi trường, sinh thái.
Nhấn mạnh một số quan điểm, tầm nhìn, Thủ tướng yêu cầu cần nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí, vai trò của Phú Quốc; việc phát triển Phú Quốc không phải là nhiệm vụ riêng của Kiên Giang hay Phú Quốc mà là nhiệm vụ chung của cả nước với tinh thần chia sẻ, thấu hiểu, quan tâm, đầu tư, thúc đẩy sự phát triển của Phú Quốc, góp phần cho sự phát triển của Kiên Giang và ĐBSCL.
"Định hướng phát triển Phú Quốc nhanh, bền vững; trở thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, thành phố hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch đẹp, an toàn, là nơi đáng sống", Thủ tướng khái quát mục tiêu.
Để thực hiện mục tiêu này, cần tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận để giải quyết các vấn đề, với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân; khơi dậy, lan tỏa và nâng tầm khát vọng phát triển Phú Quốc.
Cùng với đó, lựa chọn các công việc ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm phát triển, nhất là thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới và làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống. Phát triển hài hòa giữa kinh tế với văn hóa, xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống nhân dân, bảo vệ vững chắc quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu quán triệt, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Tỉnh, Thành phố.
Thực hiện nghiêm các quy hoạch, trong đó có Đồ án quy hoạch chung Phú Quốc tới năm 2040 đã được phê duyệt; phát triển Phú Quốc theo mô hình đa trung tâm, thành phố xanh, thông minh; hình thành chuỗi đô thị tập trung, bao gồm du lịch, trung tâm dịch vụ, giải trí; cảng hàng không, cảng biển; khu bảo tồn thiên nhiên...
Phát triển mạnh mẽ kinh tế biển kết hợp chặt chẽ giữa tận dụng hiệu quả tiềm năng, lợi thế và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ tài nguyên, môi trường biển, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Tiếp tục chú trọng tạo sự chuyển biến về chất, bảo đảm sự bền vững trong phát triển du lịch Phú Quốc.
Thủ tướng nhấn mạnh "6 đẩy mạnh" trong nhiệm vụ, giải pháp phát triển Phú Quốc thời gian tới, gồm:
Thứ nhất, đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách theo hướng thị trường để phát huy tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh.
Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại về giao thông, y tế, giáo dục, xã hội, công nghệ thông tin, ứng phó biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường.
Thứ ba, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhiều hơn nữa cho Phú Quốc gắn với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực.
Thứ tư, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế cho người dân trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành tựu cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hình thành các chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng trong nước, khu vực và toàn cầu.
Thứ năm, đẩy mạnh phát huy, khai thác truyền thống văn hóa lịch sử bản sắc, hào hùng của Phú Quốc, Kiên Giang, vùng ĐBSCL gắn với phát triển dịch vụ và du lịch.
Thứ sáu, đẩy mạnh hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương với Phú Quốc và Kiên Giang để Phú Quốc phát triển theo mục tiêu đã đề ra.
Thủ tướng lưu ý nhiệm vụ cụ thể trong phát triển hạ tầng; phát triển công nghiệp văn hóa, quốc tế hóa bản sắc, tinh hoa văn hóa dân tộc và dân tộc hóa các giá trị, tinh hoa văn hóa thế giới; xây dựng các trung tâm xử lý rác thải hiện đại; xây dựng các hồ dự trữ nước ngọt; phát triển các cơ sở đào tạo nhân lực; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội…/.
Phạm Minh Hòa