19/11/2024 lúc 09:23 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch văn hóa lịch sử Nghệ An - Tiếp nối và phát huy mạch nguồn truyền thống quê hương

VNHN - Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, không chỉ có nhiều di tích lịch sử giá trị mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cùng với đó là một nền văn hóa dân gian đặc sắc của cộng đồng dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ; và đặc biệt là các làn điệu dân ca ví, giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Đó là nền tảng, là lợi thế rất lớn để Nghệ An phát triển mạnh Du lịch văn hóa lịch sử.

VNHN - Nghệ An là mảnh đất địa linh nhân kiệt, không chỉ có nhiều di tích lịch sử giá trị mà còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Cùng với đó là một nền văn hóa dân gian đặc sắc của cộng đồng dân tộc ở miền Tây xứ Nghệ; và đặc biệt là các làn điệu dân ca ví, giặm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại… Đó là nền tảng, là lợi thế rất lớn để Nghệ An phát triển mạnh Du lịch văn hóa lịch sử.

Làng Sen quê nội Bác Hồ tại khu di tích Kim Liên

Với rất nhiều cảnh đẹp “sơn thủy hữu tình”, nhất là khu vực miền Tây của tỉnh, cùng gần 1.000 di tích lịch sử và nhiều lễ hội chính được tổ chức trong năm, Nghệ An thu hút một lượng khách du lịch lớn và năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong phát triển du lịch ở Nghệ An nói chung, du lịch  lịch sử văn hóa đang được phát triển ngày một xứng tầm hơn. Rất nhiều di tích hàm chứa giá trị lịch sử văn hóa được gắn với loại hình du lịch này. Tiêu biểu như các di tích: Đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết thuộc TP Vinh; Khu mộ bà Hoàng Thi Loan (thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh) ở xã Nam Giang – Nam Đàn; Khu dí tích lịch sử Truông Bồn ở huyện ĐôLương; Khu Lưu niệm Tổng bí thư Lê Hồng Phong; Đền Cờn ở huyện Quỳnh Lưu; Đền thờ vua Mai Hắc Đế ở huyện Nam Đàn; Đền thờ Ông Hoàng Mười ở huyện Hưng Nguyên; Đền thờ Nguyễn Xí; Đền Cuông…

Vào các dịp quan trọng như Tết Nguyên đán, những ngày lễ lớn của đất nước, dịp lễ hội của mỗi di tích, rất đông du khách cả trong và ngoài tỉnh đổ về các di tích vừa thăm, vừa dự lễ hội và tìm hiểu lịch sử, văn hóa của địa phương, của di tích… Chính quyền và nhân dân ở nơi có di tích luôn coi việc tổ chức lễ hội truyền thống và giới thiệu với du khách giá trị lịch sử, văn hóa của di tích vừa là vinh dự, là tình cảm, vừa là trách nhiệm lớn của mình. Chẳng hạn, vào dịp Tết Nguyên đán hàng năm, tại khu mộ bà Hoàng Thị Loan thường diễn ra lễ dâng bánh chưng, gồm 2 cái bánh, mỗi bánh nặng hàng trăm kilogam, kích thước 1m x 1m x 0,5m. Đây là hoạt động nhằm tưởng nhớ, tri ân công ơn của bà Hoàng Thị Loan và cũng là dịp để giáo dục các thế hệ con cháu hướng về cội nguồn, từ đó biết gìn giữ, phát huy truyền thống tốt đẹp của đất nước, quê hương. Hay tại thành phố Vinh trong những dịp này, rất đông người dân mọi nơi đến Đền thờ Hoàng đế Quang Trung để dâng hương hoa, tưởng nhớ vị Hoàng đế có nhiều chiến công đánh đuổi giặc ngoại xâm, và để hiểu hơn phong trào Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của vị anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ… Các di tích khác cũng tương tự như vậy, thu hút rất nhiều khách du lịch, khách hành hương đi lễ.

Đền thờ Hoàng đế Quang Trung

Vai trò của việc phát huy các giá trị văn hoá và vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch luôn được tỉnh Nghệ An xác định: phát triển du lịch phải gắn liền với mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, góp phần vào sự phát triển bền vững. Chiến lược phát triển du lịch của tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng thể hiện tinh thần ấy. Việc khai thác và phát huy giá trị các di sản văn hóa gắn với hoạt động du lịch là một trong những yếu tố quan trọng nhằm phát triển du lịch văn hóa ở địa phương; góp phần phục hồi, bảo tồn các giá trị di sản. Ở nhiều địa phương trong tỉnh, các tuyến du lịch gắn với văn hóa lịch sử được đưa vào khai khác và đã phát huy hiệu quả.

Đặc biệt, từ sau khi UNESCO chính thức công nhận dân ca ví, giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, việc quảng bá, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể được coi là một nhiệm vụ hàng đầu trong chương trình hành động quốc gia mà tỉnh Nghệ An đẩy mạnh thực hiện; trong đó quảng bá dân ca ví, giặm trong hoạt động du lịch là một nội dung. Chẳng hạn, ở Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn) đều có tổ chức biểu diễn dân ca ví, giặm vào các ngày thứ 7, chủ nhật phục vụ khách tham quan. Ở một số di tích, điểm đến du lịch khác, vào dịp lễ hội truyền thống, các câu lạc bộ tại các địa phương cũng tổ chức biểu diễn loại hình nghệ thuật này. Sở Du lịch Nghệ An thường xuyên phối hợp với các ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức các chương trình biểu diễn, giao lưu nghệ thuật về dân ca ở trong và ngoài tỉnh; tiêu biểu như chương trình “Ân tình ví, giặm” được tổ chức tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh…

Ví giặm trên sông - một nét tinh hoa xứ Nghệ

Di tích lịch sử Nghệ An phản ánh lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của người dân xứ Nghệ trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, đồng thời qua hệ thống di tích này, du khách có thể hiểu và khẳng định vai trò, vị trí của Nghệ An trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Đó cũng là ý nghĩa của loại hình du lịch lịch sử văn hóa mà tỉnh Nghệ An luôn hướng tới.

Để tiếp tục phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử, tỉnh Nghệ An xác định, trong giai đoạn tới sẽ tập trung nhiều hơn vào một số địa bàn trọng điểm, nơi có tiềm năng du lịch và có những nổi trội về lịch sử, về văn hoá truyền thống. Trong đó, bản sắc văn hoá của các dân tộc,cùng những thắng cảnh và di tích hết sức tiêu biểu ở miền Tây Nghệ An cũng được xem là tiền đề quan trọng để Nghệ An phát triển du lịch dựa vào bản sắc các dân tộc trong vùng…

Có thể nói, hệ thống di tích, danh thắng ở Nghệ An được khởi nguồn và duy trì bằng tín ngưỡng, đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc nên có sức sống và sức lan tỏa lâu bền. Di tích danh thắng với “cây đa, bến nước, mái đình”… là những ký ức đẹp về quê hương, gắn bó mật thiết với văn hóa làng xã, văn hóa tâm linh của mỗi người. Và, phát triển du lịch văn hóa lịch sử không thể xe nhẹ những yếu tố quan trọng đó.