01/05/2024 lúc 05:04 (GMT+7)
Breaking News

Du Lịch Tâm Linh Nghệ An - Nơi ghi dấu những giá trị trường tồn

VNHN - Xứ Nghệ - tên gọi của vùng đất Châu Hoan có từ thời Hậu Lê; nơi đây có núi Hồng, sông Lam được xem là biểu tượng của văn hóa Lam Hồng. Xứ Nghệ được coi như một tiểu vùng văn hóa có lịch sử hình thành sớm và có nét đặc thù riêng. Trong hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, người dân xứ Nghệ nói chung và Nghệ An nói riêng đã tạo nên một bản sắc văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần độc đáo…

VNHN - Xứ Nghệ -  tên gọi của vùng đất Châu Hoan có từ thời Hậu Lê; nơi đây có núi Hồng, sông Lam được xem là biểu tượng của văn hóa Lam Hồng. Xứ Nghệ được coi như một tiểu vùng văn hóa có lịch sử hình thành sớm và có nét đặc thù riêng. Trong hàng ngàn năm tồn tại và phát triển, người dân xứ Nghệ nói chung và Nghệ An nói riêng đã tạo nên một bản sắc văn hóa vật chất và văn hóa tinh thần độc đáo…

Lễ rước Uy Minh Vương Lý Nhật Quang lên chùa Bà Bụt tại Đền Quả Sơn

Riêng ở Nghệ An có hàng trăm di tích, chùa, đền thờ, khu tưởng niệm,... được nhiều thế hệ lập nên để bày tỏ lòng biết ơn đối với các vị tiền nhân trong quá trình mở cõi và đánh giặc giữ nước, phát triển văn hóa Việt.... Có những  ngôi chùa có tuổi đời từ vài trăm năm, thậm chí cả gần nghìn năm, như: Chùa Gám, chùa Đại Tuệ, chùa Cổ am, chùa Đồng Bạc, chùa Ná, chùa Lụi… nay đã trở thành những di sản có giá trị về nhiều mặt. Đây chính là tiềm năng to lớn cho việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh ở Nghệ An, với các dạng phổ biến như: Du lịch tâm linh gắn với tôn giáo và đức tin; Du lịch tâm linh gắn với tín ngưỡng thờ cúng, những truyền thuyết, tri ân những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước.

Nhận thức rằng, phát triển loại hình du lịch văn hóa lịch sử,  trong đó có du lịch tâm linh, vừa góp phần phát huy, bảo tồn các giá trị truyền thống của dân tộc, quê hương, vừa mang lại lợi ích về kinh tế, xã hội, văn hóa cho người dân địa phương; đồng thời  góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho du khách thập phương, trong những năm qua, Nghệ An đã thu hút nhiều khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, tìm hiểu tại nhiều di tích nổi tiếng và du lịch tâm linh ở Nghệ An vẫn đang tiếp tục phát triển. Lịch sử đã trao truyền cho Nghệ An rất nhiều những di tích và danh thắng tạo nên một tiềm năng lớn để phát triển du lịch văn hóa lịch sử nói chung và du lịch tâm linh nói riêng. Rất nhiều địa điểm trong một hành trình như vậy đã chứng tỏ Nghệ An là một tiểu vùng văn hóa có lịch sử hình thành sớm và có nét đặc thù riêng.

Đền Cờn (Quỳnh Lưu) thờ tứ vị thánh nương - một trường hợp độc đáo trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt và đã phát triển thành một trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu vào loại lớn nhất.

Đền Cờn nhìn từ trên cao

 Chùa Cần Linh (TP Vinh) được xây dựng từ thế kỷ IX có tên là Linh Vân tự. Chùa này còn có tên là Sư Nữ, vì các vị sư trụ trì ở chùa là nữ. Chùa cổ Đại Tuệ thờ Phật bà Đại Tuệ đại điện cho trí tuệ của Đức Phật: Tuệ Trí, Tuệ Kiếm, Tuệ Lục, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn. Chùa được Hội kỷ lục gia Việt Nam công nhận bốn kỷ lục: Ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng hồng ngọc nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống tượng bằng gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; Ngôi chùa có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam.

Đền Hồng Sơn (còn có tên gọi Đền Nhà Ông) tọa lạc trên vùng đất đẹp giữa trung tâm thành phố Vinh. Đền là một trong những khu di tích có quy mô đồ sộ, hội tụ nhiều công trình kiến trúc đẹp của thời Nguyễn. Nơi đây không chỉ là điểm tham quan du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương gần xa mà còn là nơi gửi gắm tâm linh của người dân xứ Nghệ.

Đền Quả Sơn là 1 trong 4 ngôi đền có tiếng linh thiêng nhất xứ Nghệ “nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng”. Đền được nhân dân xây dựng dưới chân núi Quả tại làng Miếu Đường, xóm Bạch Đường, huyện Nam Đường (nay là xã Bồi Sơn, huyện Đô Lương). Đền là nơi thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang - vị Tri châu có công lao to lớn xây dựng quê hương xứ Nghệ và mở mang, bảo vệ bờ cõi cho quốc gia.

Đền Cuông thờ An Dương Vương huyền thoại, tọa lạc trên núi Mộ Dạ xanh mượt rừng thông, phía sau có biển Diễn Châu rì rào sóng vỗ, phía Bắc là cửa Tư Hiền gắn với sự kiện bi hùng của đất nước và là nơi có ngôi mộ công chúa Mỵ Châu, phía Tây là núi Mụa có dáng voi chầu về Đền. Nơi đây vừa là một thắng cảnh, vừa là nơi tín ngưỡng linh thiêng của người dân Nghệ An lẫn du khách gần xa. Hàng năm vào ngày 13, 14, 15 và 16 tháng 2 âm lịch, lễ hội Đền Cuông Nghệ An được tổ chức để tưởng nhớ vua An Dương Vương, với nhiều hoạt động văn hóa phong phú và đa dạng, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự.

Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào (thuộc khối 5 thị trấn Anh Sơn, huyện Anh sơn) - nơi yên nghỉ của hơn 11.000 liệt sỹ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên chiến trường nước bạn Lào…, nay là một địa chỉ linh thiêng, luôn là “điểm đến” về nguồn của đông đảo du khách thập phương. Các liệt sỹ đã làm cho “Hồn thiêng sông núi” có thêm ánh hào quang tỏa sáng cuộc đời… Những địa chỉ trên chỉ là một phần nhỏ trong số rất nhiều nữa những địa chỉ du lịch tâm linh trên quê hương Nghệ An. Đó là những di sản, di tích mang giá trị lịch sử văn hóa trường tồn cùng dân tộc Việt và quê hương xứ Nghệ.

Nghĩa trang Liệt sỹ Việt Lào

Văn hóa tâm linh sẽ thổi hồn cho di sản. Du lịch tâm linh hay bất cứ loại hình du lịch nào khác sẽ vững chắc hơn nếu dựa vào những yếu tố văn hóa. Do vậy, việc kết hợp du lịch di sản và du lịch tâm linh đang là hướng đi mới, cũng cần được quan tâm, khai thác hiệu quả. Nếu làm tốt công tác này, Nghệ An vừa thu hút nhiều du khách hơn, vừa tăng doanh thu, lại có điều kiện giới thiệu nét văn hóa đặc sắc với bạn bè trong nước và quốc tế. Để làm được những điều đó, cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp như: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về du lịch tâm linh; xây dựng sản phẩm du lịch tâm linh theo quy hoạch không gian phát triển các khu, điểm du lịch đáp ứng nhu cầu của du khách; đầu tư vào các khu du lịch tâm linh để tạo ra sự đồng bộ; phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch tâm linh phù hợp với nền tảng văn hóa tại địa phương.