VNHN - Một trong những loại hình du lịch đang ngày càng phát triển mạnh mẽ và thu hút du khách quốc tế và du khách trong nước, đó là du lịch sinh thái. Du lịch sinh thái được xem như một giải pháp hữu hiệu để bảo vệ môi trường sinh thái hướng tới sự phát triển bền vững thông qua quá trình làm giảm sức ép khai thác nguồn lợi tự nhiên, phục vụ nhu cầu của du khách, của người dân địa phương khi tham gia vào các hoạt động du lịch sinh thái. Nghệ An - miền đất của vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, cũng không nằm ngoài xu hướng đó.
Lên Pùxailaileng Kỳ Sơn
Nhắc đến du lịch sinh thái ở Nghệ An, không thể không nói đến Miền Tây xứ Nghệ, với Khu Dự trữ sinh quyển rộng lớn (trong đó có Vườn quốc gia Pù Mát) nằm trên địa bàn 9 huyện miền núi là: Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Thanh Chương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong, Tân Kỳ và Anh Sơn với tổng diện tích gần 1,3 triệu héc ta. Với những giá trị đa dạng sinh học và cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, cùng bản sắc văn hóa đa dạng, miền Tây nghệ An là điểm đến thu hút ngày càng đông khách du lịch. Huyện nào trong khu vực này cũng đều có những cánh rừng nguyên sinh, ruộng bậc thang, thảm thực vật đẹp, cây cổ thụ quý hiếm. Một số huyện miền núi như Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong còn có nhiều hang động chưa được khai thác, nhiều thác nước đẹp. Du khách đến với vùng đất rừng đầy hấp dẫn này để khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, mà những cảnh sắc kỳ vĩ như Đảo chè (Thanh Chương); thác Sao Va, thác 7 tầng (Quế Phong); “Cổng trời” Mường Lống (Kỳ Sơn); Suối Tiên, Suối nước nóng (Tân Kỳ) luôn hút hồn du khách. Huyện Con Cuông đã bước đầu hình thành được các điểm du lịch sinh thái, như Thác Kèm, đập Phà Lài, Hang Thấm Nàng màn, Bia Ma Nhai, Vườn Quốc gia Pù Mát… Bên cạnh đó là những nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc vẫn được bảo tồn giúp nâng cao đời sống tinh thần và sự trải nghiệm hết sức lý thú và bổ ích của du khách.
Du lịch sinh thái ở Nghệ An còn là những điểm đến cụ thể đầy cuốn hút đối với khách du lịch. Chẳng hạn, dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh, du khách sẽ cảm thấy choáng ngợp trước màu xanh ngút ngàn của những Đồi chè trên địa bàn huyện Thanh Chương. Toàn huyện hiện có hơn 4.200ha chè, nhiều nhất ở các xã Hạnh Lâm, Thanh Mai, Thanh An, Thanh Thủy... Đảo chè ở Thanh Chương hầu như hiện hữu và tươi đẹp quanh năm, không phụ thuộc nhiều vào mùa vụ như những địa điểm du lịch khác. Không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho người dân, những cây chè đã và đang tạo nên sản phẩm du lịch đặc trưng cho mảnh đất Thanh Chương, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. Hoặc cùng với tính chất của loại hình du lịch sinh thái.
Đảo chè Thanh Chương
Huyện Nam Đàn đang phát triển diện tích cây ăn quả để "níu khách" du lịch. Trong đó, xã Nam Anh là địa phương có lợi thế để phát triển về mặt này, bởi có địa hình đất sản xuất nông nghiệp bám chân đồi Đại Huệ. Hơn nữa, người dân ở đây có nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Những năm gần đây, trên địa bàn xã Nam Anh xuất hiện nhiều vườn cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Bên cạnh hàng chục ha hồng còn có nhiều vườn mít Thái, ổi Đài Loan, thanh long... và một số nhà lưới trồng rau sạch. Cùng với đó, huyện vận động người dân chăm sóc đồi sim tự nhiên trên dãy núi Đại Huệ, tạo thành điểm thu hút khách du lịch. Từ những vườn cây ăn quả, người dân chăn nuôi gà thả vườn, phục vụ thực phẩm sạch tại chỗ cho khách du lịch.
Hay như trên địa phận huyện Nghi Lộc, cách Cửa Lò 20 km, Bãi Lữ cũng là một địa điểm lý tưởng về du lịch sinh thái: Đến đây, du khách được nghỉ ngơi, thư giãn trong không khí trong lành, mát mẻ của thiên nhiên. Bãi Lữ cùng núi Mộ Dạ, đền Cuông, cửa Hiền, Kênh Sắt đã tạo thành một quần thể du lịch sinh thái và tâm linh đầy hấp dẫn với du khách bốn phương khi đến với Nghệ An…
Những tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch sinh thái ở Nghệ An là rất nhiều, ít nơi có được. Song, cho đến lúc này, mặc dù đã có được những bước chuyển lớn trong quá trình hướng đến một sự phát triển xứng tầm và hiệu quả, du lịch sinh thái của Nghệ An vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư, khai thác, phát triển, do địa phương thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm và kiến thức làm du lịch còn hạn chế. Các huyện miền núi trong tỉnh có nhiều khu vực có thể phát triển được các điểm du lịch sinh thái, nhưng do khó khăn về vốn nên các điểm du lịch này chậm được đầu tư, quy hoạch để phát triển thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn. Đây là một thực tế mà Nghệ An đang tập trung khắc phục.
Một đoạn trên sông Giăng
Trong những giải pháp cụ thể, Nghệ An đã và đang triển khai việc khảo sát, quy hoạch lại các điểm du lịch sinh thái; khuyến khích, kêu gọi đầu tư cơ sở hạ tầng, mở các dịch vụ du lịch liên quan; đi đôi với chú trọng đào tạo, trang bị kiến thức làm du lịch cho người dân bản địa và các doanh nghiệp làm du lịch; giới thiệu, quảng bá các điểm du lịch sinh thái; kết nối các tour du lịch trong, ngoài tỉnh đến các điểm du lịch sinh thái. Đặc biệt, Nghệ An quan tâm xây dựng mô hình phát triển du lịch cộng đồng gắn với phát triển du lịch sinh thái; thực hiện các giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt là đối với khu vực Miền Tây - Vườn quốc gia Pù Mát, tỉnh Nghệ An tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tạo động lực thúc đẩy du lịch phát triển mạnh mẽ hơn; bao gồm: Giải pháp về cơ chế, chính sách; Giải pháp về vốn đầu tư, hỗ trợ; Giải pháp về tuyên truyền, quảng bá; Giải pháp về an ninh, an toàn… Tất cả để hướng tới một sự phát triển xứng tầm về du lịch sinh thái trên địa bàn Nghệ An.