22/11/2024 lúc 08:02 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch Thanh Hóa tiếp tục là điểm sáng trong tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian qua, ngành Du lịch Thanh Hoá đã có bước chuyển mình mạnh mẽ và đang trên đà phát triển, lượng khách du lịch tăng dần đã tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch bền vững. Tình hình an ninh trật tự, môi trường cảnh quan thiên nhiên, vệ sinh môi trường, cơ sở vật chất hạ tầng tại các khu, điểm du lịch của tỉnh được cải thiện rõ nét, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.
Di sản thế giới Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Theo đó, trong 6 tháng năm 2024, Thanh Hóa là một trong số những địa phương nằm trong top đầu về thu hút khách du lịch với gần 9,8 triệu lượt khách, tổng thu du lịch đạt gần 20.000 tỷ đồng, tăng 30,2% so với cùng kỳ 2023. Đáng chú ý, lượng khách du lịch đến với Thanh Hóa tăng cả 3 loại hình du lịch gồm: du lịch biển, du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng. Những địa phương có tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú với nhiều di tích, danh thắng cấp tỉnh và quốc gia, tiêu biểu như: Thành Nhà Hồ (Vĩnh Lộc); Khu di tích lịch sử Lam Kinh (Thọ Xuân); thành phố Sầm Sơn; Đền thờ Lê Hoàn (Thọ Xuân); Đền Đồng Cổ (Yên Định); Suối cá Cẩm Lương (Cẩm Thủy)…

Bãi biển Sầm Sơn trở thành điểm đến lý tưởng của người dân và du khách trong những ngày hè.

Để có được kết quả trên, từ đầu năm đến nay, tỉnh Thanh Hóa đặc biệt chú trọng công tác quảng bá, xúc tiến du lịch. Trong đó phải kể đến một số sự kiện, hoạt động điểm nhấn, như: Hội nghị công bố các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa năm 2024; Hội nghị xúc tiến quảng bá du lịch Ninh Bình - Thanh Hóa - Nghệ An - Hà Tĩnh “Một hành trình - Nhiều trải nghiệm” (sự kiện bên lề Hội chợ Du lịch quốc tế VITM - Hà Nội 2024); Hội nghị liên kết phát triển du lịch tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh đồng bằng sông Hồng mở rộng, tại tỉnh Bắc Giang. Đặc biệt, từ đầu năm 2024 đến nay, tại Thanh Hóa diễn ra nhiều hoạt động Văn hoá -Thể thao - Du lịch. Trong đó, có chuỗi hoạt động khai trương du lịch biển Sầm Sơn, Hải Tiến (Hoằng Hóa), Hải Hòa (thị xã Nghi Sơn)… Nhờ đó, nguồn khách từ các thị trường phân phối khách lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP HCM… đến với Thanh Hóa ngày càng đông.

Khu du lịch sinh thái Pù Luông (huyện Bá Thước, Thanh Hóa).

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa đã ưu tiên bố trí vốn đầu tư công, hoàn thiện các dự án hạ tầng du lịch trọng điểm, các tuyến giao thông quan trọng có tính chiến lược, nâng cao khả năng kết nối các khu du lịch trọng điểm. Trong đó, tuyến cao tốc Bắc - Nam qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa với 7 nút giao, kết nối với hệ thống giao thông rộng khắp trong tỉnh đã tạo điều kiện để khai thác, phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển du lịch.

Cùng với đó, các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên địa bàn tỉnh cũng đã tập trung đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường quảng bá, đưa các sản phẩm đến gần hơn với du khách. Các doanh nghiệp đã không ngừng đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du dịch mới, đồng thời tăng cường xúc tiến, tạo thương hiệu, chất lượng du lịch tại các điểm, khu du lịch.

Trong 6 tháng cuối năm 2024, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục tổ chức các hoạt động liên kết phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trọng điểm về phát triển du lịch, gồm: Thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Lâm Đồng. Cùng với đó, tổ chức một số hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch, đặc biệt là đối với một số điểm du lịch “thương hiệu” của Thanh Hóa như bãi biển Sầm Sơn, khu du lịch sinh thái Pù Luông, di sản Thành Nhà Hồ và các điểm du lịch văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh. Phấn đấu hướng đến đạt mục tiêu đón 13,8 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt 32.387 tỷ đồng năm 2024./.

Hải Nam