30/11/2024 lúc 04:57 (GMT+7)
Breaking News

Du lịch gắn với Lễ hội truyền thống ở Nghệ An: Hướng đến sự phát triển bền vững

Du lịch gắn với văn hóa và lễ hội truyền thống đã và đang được các địa phương, trong đó có Nghệ An, khai thác và phát huy giá trị của sự gắn kết quan trọng này. Ở chiều ngược lại, việc khai thác và phát huy giá trị di sản lễ hội truyền thống đã thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và cả nhu cầu ngày càng tăng của khách du lịch.

“Du lịch Lễ hội” ngày một phát triển

Có thể nói, những năm gần đây, các lễ hội dân gian truyền thống có sức thu hút rất lớn đối với khách hành hương. Lễ hội cũng là sản phẩm độc đáo của du lịch, tạo nên môi trường du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn. Không quá khi khẳng định rằng, lễ hội là một sản phẩm đặc biệt mang lại giá trị kinh tế cao, là điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế và giới thiệu, truyền bá những đặc sắc văn hóa của dân tộc, vùng miền cho du khách trong và ngoài nước. Chính vì vậy, các lễ hội đang từng bước tạo điểm nhấn thu hút khách thập phương, phát triển du lịch và một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá trong chiến lược phát triển của ngành du lịch. 

Trên thực tế, rất ít lễ hội dân gian nào khi được tổ chức lại có số người tham dự chỉ của cộng đồng hạn hẹp ấy mà không có sự tham dự của những người ngoài cộng đồng. Yếu tố hành hương, yếu tố du lịch đã được khởi nguồn từ đó. Nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi mà xu thế hội nhập ngày một sâu rộng hơn, các lễ hội dân gian ngày càng trở thành đối tượng thu hút đông đảo khách du lịch, khách hành hương.

Chính trong sự phát triển của lễ hội dân gian và sự phát triển nhanh chóng của du lịch mà sự gắn kết của hai loại hình này đã dẫn đến sự hình thành và phổ biến của du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, du lịch về nguồn,... trong đó Lễ hội luôn là đối tượng quan trọng và đã xuất hiện cả “du lịch lễ hội”.

Để lễ hội dân gian luôn là một nguồn lực bền vững cho phát triển du lịch, trước tiên, phải giữ được tính đa dạng của lễ hội dân gian. Bao gồm: đa dạng loại hình; đa dạng các thực hành nghi lễ; đa dạng các biểu đạt văn hóa gắn với đặc thù của từng lễ hội, từng cộng đồng địa phương... Có như vậy khách du lịch mới có nhu cầu khám phá, trải nghiệm nhiều lễ hội khác nhau, ở nhiều vùng, miền, địa phương khác nhau.

Lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) làm việc với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An để thảo luận về công tác phát triển văn hóa, thể thao và du lịch của tỉnh (15/3/2022)

Du lịch gắn với Lễ hội truyền thống ở Nghệ An

Nghệ An được biết đến như một nước Việt Nam thu nhỏ bởi hội tụ đủ các dạng địa hình đồng bằng, miền núi, miền biển, cũng là tỉnh đa dân tộc mà trong đó mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có một bản sắc văn hóa riêng biệt từ sinh hoạt văn hóa cho đến các hoạt động lễ hội… Đây còn là vùng đất có lịch sử văn hóa lâu đời và truyền thống đấu tranh cách mạng với trên 2.000 di tích lịch sử danh thắng; trong đó có 147 di tích được xếp hạng cấp quốc gia. Đặc biệt có 05 di tích được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu, Di tích cột mốc Km số 0 đường Hồ Chí Minh, Di tích Đình Hoành Sơn, Lăng mộ và đền thờ Nguyễn Xí). Bên cạnh đó, Nghệ An có 29 lễ hội truyền thống, trong đó có 07 lễ hội được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, đặc biệt dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO công nhận năm 2014. Đó là những điều kiện và tiềm năng quan trọng để Nghệ An đẩy mạnh Du lịch gắn với lễ hội truyền thống, Du lịch tâm linh.

Qua nghiên cứu cho thấy, các lễ hội truyền thống ở Nghệ An được xem là nơi lưu trữ nhiều hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống và là một bảo tàng sống về văn hóa dân tộc. Nền văn hóa ấy được hồi sinh, tái tạo và truyền giao từ thế hệ này sang thế hệ khác. Mặt khác, Lễ hội truyền thống ở Nghệ An, với tư cách là một di sản, mang trong nó rất nhiều chức năng, như: Chức năng giáo dục; Chức năng phản ánh, bảo lưu và truyền bá các giá trị văn hóa dân tộc; Chức năng cân bằng đời sống tâm linh; Chức năng cố kết cộng đồng.

Thực tế trong vài năm trở lại đây, Lễ hội dân gian ở Nghệ An đang dần trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển du lịch. Đặc biệt là những lễ hội gắn với các di tích (cả với tên gọi của di tích và lịch sử lễ hội truyền thống của di tích); như: Lễ hội đền Cờn, Lễ hội đền Quả Sơn, Lễ hội đền Bạch Mã, Lễ hội đền Hoàng Mười, Lễ hội đền Vua Mai, Lễ hội đền Cuông, Lễ hội đền Chín Gian… Mỗi lễ hội mang một nét tiêu biểu và giá trị riêng, nhưng có điểm chung là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại; là cách để mỗi người dân hiểu hơn về lịch sử dựng nước và giữ nước cũng như những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc. Xin giới thiệu một số lễ hội truyền thống tiêu biểu gắn với phát triển du lịch trên quê hương Nghệ An:

Lễ hội đền vua Mai (huyện Nam Đàn) như tên gọi, Đền là nơi thờ vua Mai Hắc Đế (Mai Thúc Loan), người có công lãnh đạo nhân dân nổi dậy làm nên cuộc khởi nghĩa khởi đầu ở xã Nam Thái, sau lan rộng rộng khắp trên phạm vi cả nước, quét sạch giặc xâm lược ra khỏi bờ cõi. Lễ hội diễn ra long trọng vào các ngày 13 - 15 tháng Giêng hàng năm, với nhiều hoạt động đặc sắc, sôi nổi, mang đậm bản sắc văn hóa vùng quê xứ Nghệ, thu hút rất nhiều du khách tham dự lễ.

Lễ hội Đền Vua Mai (xã Vân Diên, huyện Nam Đàn)

Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai) diễn ra vào ngày 20 - 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm, được mệnh danh là lễ hội vùng lớn bậc nhất của xứ Nghệ và đây được công nhận là điểm du lịch cấp tỉnh thu hút sự quan tâm của đông đảo khách hành hương và khách du lịch trong và ngoài Tỉnh. Lễ hội là một trong những hoạt động nhằm tưởng nhớ đức Thánh Mẫu và tứ vị Thánh Nương - những người đã phù hộ, bảo vệ cho người dân vượt qua hiểm nguy, làm ăn thịnh vượng. Theo truyền thuyết, chính những vị thần này cũng đã nhiều lần giúp đỡ quân nhà Lê, nhà Trần vượt biển thành công. Trong khuôn khổ lễ hội sẽ tổ chức nhiều nghi lễ, tín ngưỡng văn hóa, kèm theo đó là nhiều hoạt động trò chơi dân gian như: đua thuyền, kéo co, chọi gà, đánh cờ người… 

Nghi lễ rước kiệu tại Lễ hội Đền Cờn ( thị xã Hoàng Mai)

Lễ hội đền Quả Sơn (huyện Đô Lương) cũng là một trong những lễ hội vùng lớn bậc nhất ở Nghệ An, được diễn ra vào ngày 20 - 21 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội mang ý nghĩa tưởng nhớ đến công lao to lớn của vị tướng thời nhà Lý - Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, đã có công giữ nền độc lập, thống nhất đất nước trong những năm của thế kỷ XI.

Lễ hội Đền Quả Sơn (Đô Lương, Nghệ An)

Lễ hội đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương) được tổ chức vào ngày 9-10 tháng 2 âm lịch hàng năm. Đền Bạch Mã được Vua Lê Thái Tổ ban chiếu chỉ xây dựng để thờ danh tướng Phan Đà. Đền cũng là nơi gắn với các sự kiện chinh phục phương Nam của nhiều triều đại phong kiến, các bậc vua chúa đã từng đến dâng hương và lưu trú tại đền.

Lễ hội đền Cuông (huyện Diễn Châu) được tổ chức gắn với lịch sử ngôi Đền, là nơi thờ An Dương Vương Thục Phán, tọa lạc tại núi Mộ Dạ. Đền được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia vào ngày 21/2/1975. Lễ hội diễn ra vào các ngày từ 12 đến 16 tháng 2 âm lịch hằng năm, với nhiều hoạt động văn hóa đa dạng và phong phú, thu hút đông đảo du khách đến tham quan và lễ bái.

Lễ hội đền Chín Gian (huyện Quế Phong) được tổ chức vào ngày 13-15 tháng 2 âm lịch hàng năm, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá tâm linh nhớ về tổ tiên, cội nguồn của đồng bào Thái. Năm 2008, đền được công nhận di tích văn hoá cấp tỉnh. Trong dịp này, người dân chín bản mười mường vùng Phủ Quỳ và du khách trong và ngoài vùng cùng hành hương về nơi đất gốc mở hội tế trời, lễ tổ, cầu mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt…

Lễ hội dền Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên) được tổ chức vào ngày 10 tháng 10 âm lịch hàng năm. Năm 2002, đền ông Hoàng Mười được UBND tỉnh Nghệ An xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa. Năm 2018, đền được công nhận là điểm du lịch văn hóa tâm linh; Năm 2019, lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Được xây dựng từ thời Hậu Lê, đền thờ các vị phúc thần trong tín ngưỡng thờ Mẫu tứ phủ của người Việt Nam, trong đó nhân vật chính là ông Hoàng Mười, người có công hộ quốc bảo dân, được nhân dân khắp mọi miền ngưỡng mộ và tôn kính. Lễ hội đền ông Hoàng Mười được hình thành và tồn tại cùng với lịch sử của đền từ thế kỷ thứ XVII, thời Lê Trung Hưng nhằm tưởng nhớ và tri ân công đức của Quan Hoàng Mười.

Toàn cảnh chùa Đại Tuệ

Ngoài những lễ hội truyền thống tiêu biểu trên, Nghệ An còn có các lễ hội đặc sắc khác như: Lễ hội rước Hến (Hưng Nguyên), Lễ hội cầu ngư đền làng Hiếu (thị xã Cửa Lò), Lễ hội đền Hồng Sơn, chùa Sư Nữ (thành phố Vinh), Chùa Cổ Am (Diễn Châu), Chùa Lam Sơn (Quỳnh Lưu)… Ở vùng rừng núi miền Tây xứ Nghệ có Lễ hội Xăng Khan, Lễ hội Hang Bua (Quỳ Châu), Lễ hội đền Vạn (Cửa Rào Tương Dương), Lễ hội đền Pu Nhạ Thầu trên núi Bà Già… Tham gia các lễ hội ở Nghệ An, du khách không chỉ được khám phá nét văn hóa độc đáo của người dân địa phương, những phong tục, tập quán bản địa mà còn có cơ hội được biết đến nhiều sản phẩm, món ăn đặc sản của quê hương xứ Nghệ. Hy vọng những chia sẻ về các lễ hội Nghệ An nổi bật ở trên sẽ giúp bạn “bỏ túi” thêm nhiều thông tin và có cơ hội khám phá, trải nghiệm trong các chuyến xê dịch của mình!

Để thúc đẩy phát triển Du lịch nói chung và Du lịch Lễ hội nói riêng tại Nghệ An, cùng với những giải pháp chung, bao gồm: Đa dạng và nâng cao chất lượng các dịch vụ của điểm đến du lịch văn hóa - lịch sử; Xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng; Xác định thị trường trọng điểm khách du lịch; Xây dựng môi trường du lịch an toàn, thân thiện; Các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tiếp tục tích cực tham gia hưởng ứng Chương trình “Người Việt Nam đi du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát động và Chương trình kích cầu du lịch Nghệ An với chủ đề: “Nghệ An - Điểm đến an toàn và khác biệt”, nên chăng cần tăng cường và nâng cao hiệu quả thực hiện các giải pháp cơ bản sau đây:

Trước hết, cần tiếp tục thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, nhất là các di tích có gắn với Lễ hội truyền thống, phục vụ đời sống tinh thần của người dân và gắn với phát triển du lịch. Theo đó, cần tiếp tục huy động nguồn lực trùng tu, tôn tạo các di tích có các lễ hội truyền thống; Trong các lễ hội truyền thống, có kế hoạch cụ thể nâng cao chất lượng phần Lễ nhằm tăng cường chiều sâu văn hóa của các nghi lễ truyền thống; Đồng thời, làm phong phú hơn về phần Hội để tăng tính hấp dẫn, thu hút nhiều du khách hơn.

Thứ hai là việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng du lịch, tăng cường kết nối các điểm du lịch di tích văn hóa, lịch sử, cách mạng, tâm linh; chú trọng hoàn thiện đường giao thông, bãi đậu xe và hệ thống cơ sở hạ tầng lưu trú đạt chuẩn, các điểm vui chơi giải trí có vị trí gần các khu di tích và các điểm du lịch có Lễ hội truyền thống.

Thứ ba, cần tăng cường, làm phong phú và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch. Trong đó chú trọng nâng cao và tăng cường quảng các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa lễ hội truyền thống và sản phẩm đặc sản địa phương. Kết nối điểm du lịch Lễ hội với các điểm du lịch lân cận để mở rộng không gian du lịch; chú trọng phối hợp phát triển các loại hình du lịch tham quan, trải nghiệm cảnh quan làng quê, mô hình sản xuất nông nghiệp, làng nghề truyền thống, trình diễn Dân ca Ví - Giặm Nghệ Tĩnh…

Ngọc Hằng