04/01/2025 lúc 17:10 (GMT+7)
Breaking News

Ninh Bình – Điểm đến di sản kết nối cùng thể thao golf

Với mục tiêu nâng cao giá trị di sản văn hóa, thiên nhiên và thúc đẩy phát triển thể thao golf bền vững, tỉnh Ninh Bình tổ chức tọa đàm “Kết nối Di sản và Thể thao Golf: Cơ hội và Thách thức” vào ngày 30/11/2024. Đây là một sự kiện quan trọng, không chỉ đánh dấu bước chuyển mình trong tư duy phát triển du lịch mà còn mở ra cơ hội xây dựng Ninh Bình trở thành điểm đến toàn cầu, nơi hội tụ giữa di sản và các hoạt động thể thao đẳng cấp.

Quang cảnh buổi toạ đàm.

Tọa đàm Kết nối Di sản và Thể thao Golf: Cơ hội và Thách thức không chỉ là một diễn đàn thảo luận mà còn là nơi mở ra hướng đi mới cho ngành du lịch và thể thao Việt Nam (Ảnh: Báo Ninh Bình).

Nằm trong chuỗi các hoạt động của Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024, tọa đàm Kết nối Di sản và Thể thao Golf: Cơ hội và thách thức” là dịp để quảng bá Ninh Bình không chỉ là vùng đất di sản mà còn là điểm đến lý tưởng cho các sự kiện thể thao quốc tế, mang lại trải nghiệm độc đáo cho khách hàng thượng lưu. Đây là sự kiện quan trọng không chỉ trong lĩnh vực thể thao mà còn có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa. Sự kết hợp giữa môn thể thao đẳng cấp Golf và các di sản văn hóa là cơ hội lớn để tạo ra một sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn và đầy sáng tạo. Giải Golf kết hợp di sản sẽ không chỉ giúp nâng cao giá trị du lịch mà còn tạo ra nhiều lợi ích kinh tế cho cộng đồng và các địa phương có di sản.

Tràng An Golf & Country Club

Bên cạnh đó, Giải golf sẽ là cầu nối để du khách có thể khám phá các di sản văn hóa, tìm hiểu lịch sử và tận hưởng thiên nhiên tươi đẹp trong khi tham gia vào môn thể thao yêu thích. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa…

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và thảo luận các nội dung về: Du lịch Golf- thế mạnh của du lịch Việt Nam"; Thể thao Golf trên các vùng di sản Việt Nam; Phát triển sản phẩm “Golf di sản” tại Ninh Bình-cơ hội và hợp tác quốc tế; Ứng dụng công nghệ số trong kết nối di sản và thể thao Golf tại Ninh Bình; Di sản văn hoá tỉnh Ninh Bình-tiềm năng và lợi thế; Truyền thông di sản gắn với thể thao Golf-chất liệu cho hoạt động truyền thông tích hợp hiện đại; Mô hình tổ chức “Golf di sản” - sản phẩm truyền thông hiệu quả cho di sản và du lịch Ninh Bình…

https://apibeta.baoninhbinh.org.vn/user-blob/15088545-560b-d200-1fa2-cc31adda5a44/2024/11/30/duy-bien-thu-truong_1732943528699.jpg

Ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh việc kết nối di sản và thể thao Golf là một mô hình mang lại sự giao thoa giữa thể thao, du lịch và bảo tồn di sản văn hóa (Ảnh: Báo Ninh Bình).

Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch khẳng định: “Để ngành du lịch phát triển bền vững, cần sáng tạo và xây dựng những sản phẩm du lịch mới mẻ, hấp dẫn, vừa bảo tồn di sản, vừa phát huy được các tiềm năng kinh tế. Và một trong những sản phẩm đó chính là việc kết nối di sản và thể thao Golf, một mô hình mang lại sự giao thoa giữa thể thao, du lịch và bảo tồn di sản văn hóa”.

Thông qua các tham luận, trao đổi tại tọa đàm đã chỉ ra những lợi thế của Ninh Bình trong việc tổ chức các giải đấu Golf quốc tế kết hợp với quảng bá các di sản văn hoá, thiên nhiên; những thách thức về bảo tồn di sản khi các sự kiện thể thao lớn có thể gây ảnh hưởng đến các khu vực di sản; tầm quan trọng của truyền thông và quảng bá; phát triển kinh tế di sản…

Các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng gợi mở những vấn đề quan trọng về sự phát triển của ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch tại Ninh Bình, đặc biệt trong bối cảnh giải “Golf di sản” lần thứ nhất sắp được tổ chức. Các tham luận đều khẳng định sự quan trọng của việc kết hợp thể thao Golf với du lịch di sản, không chỉ để thúc đẩy ngành du lịch mà còn để phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hoá, thiên nhiên của các địa phương, đặc biệt là Ninh Bình.

https://apibeta.baoninhbinh.org.vn/user-blob/15088545-560b-d200-1fa2-cc31adda5a44/2024/11/30/manh-cuong-_1732943528735.jpg

Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình nhận định Ninh Bình đang đứng trước cơ hội lớn để tận dụng thể thao Golf như một sản phẩm mới, độc đáo, kết hợp giữa thể thao và du lịch di sản.

Tại tọa đàm, đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình cho biết: “Ninh Bình, với lợi thế về di sản và cảnh quan thiên nhiên, đang đứng trước nhiều cơ hội lớn để phát triển kinh tế thông qua việc đầu tư vào thể thao Golf. Tuy nhiên, để đạt được thành công, cần có chiến lược đầu tư hợp lý và dài hạn, đảm bảo sự bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Những giải đấu Golf Di sản quốc tế sẽ là cầu nối quan trọng giúp quảng bá hình ảnh và giá trị độc đáo của di sản Ninh Bình đến với cộng đồng quốc tế. Đồng thời, các sự kiện này cũng sẽ thu hút sự chú ý của giới truyền thông toàn cầu, tạo đà phát triển du lịch Golf và tăng cường thương hiệu du lịch di sản Việt Nam.”

Các sự kiện Golf quốc tế được tổ chức tại những vùng có di sản sẽ là cơ hội lớn để quảng bá hình ảnh của Việt Nam ra thế giới, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa và kinh tế. Việc phát triển loại hình du lịch này không chỉ góp phần thu hút du khách quốc tế đến với Ninh Bình mà còn tạo ra một mô hình kinh tế bền vững cho cả cộng đồng địa phương.

Sự kiện không chỉ nhằm thúc đẩy ngành du lịch và thể thao tại Ninh Bình mà còn mở ra hướng đi mới trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua các hoạt động kinh tế hiện đại. Ninh Bình đang hướng tới trở thành một điểm đến toàn diện, nơi hội tụ giữa văn hóa truyền thống và xu hướng du lịch cao cấp. Tọa đàm cũng đánh dấu bước chuyển mình trong cách tiếp cận và phát triển du lịch, kết hợp bảo tồn di sản với các hoạt động mang tính toàn cầu như golf, qua đó tăng cường hội nhập quốc tế và xây dựng hình ảnh Ninh Bình ngày càng chuyên nghiệp, hấp dẫn.

Trần Hiếu - Thanh Nhàn