VNHN-Ngày 16/5 vừa qua tại TP HCM, đoàn công tác của Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc với UBND tỉnh Đồng Nai, TP HCM để đánh giá thực trạng, tìm hướng tháo gỡ đối với những bất cập hiện nay của dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 57,7 km, vốn đầu tư hơn 31.000 tỉ đồng (khoảng 1,6 tỉ USD), được khởi công tháng 7-2014, đi qua các tỉnh Long An, TP HCM và Đồng Nai. Đây là dự án đường bộ cao tốc dài và lớn nhất miền Nam, dự kiến thông xe cuối năm 2018, song đã lùi tiến độ hoàn thành vào cuối 2020. Dự án này được kỳ vọng kết nối giao thông giữa các tỉnh, thành Đồng Nai, TP HCM, Long An, đồng thời giảm áp lực giao thông và tạo đà phát triển cho vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Nam. Nhìn chung, tổng khối lượng thi công dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (đi qua địa bàn các tỉnh, thành Long An, TP HCM và Đồng Nai) mới đạt hơn 70%, như vậy tiến độ chậm trễ so với kế hoạch. Vướng mắc lớn nhất của dự án này là giải phóng mặt bằng, trong đó tập trung chính ở tỉnh Đồng Nai và TP. HCM.
Tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành đang dần hoàn thiện
Theo ông Lê Mạnh Hùng- Giám đốc Ban Quản lý dự án các đường cao tốc phía Nam (SEPMU) thuộc VEC cho biết: "Tuyến cao tốc này qua địa bàn tỉnh Đồng Nai có 3 gói thầu sử dụng nguồn vốn vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Hiện còn 116 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng, với khoảng 18 ha. Trong khi đó, vẫn còn một số hộ cản trở, gây khó khăn cho công tác triển khai thi công trên tuyến. Riêng địa bàn TP HCM, hiện cũng đang tồn tại 26 hộ dân ở huyện Bình Chánh chưa bàn giao mặt bằng, trong đó có một số trường hợp do tranh chấp, chưa được giải quyết. Cũng theo ông Hùng để hoàn thành đoạn tuyến của cao tốc Bến Lức - Long Thành qua tỉnh Đồng Nai trước ngày kết thúc hiệp định vay vốn ADB (14-12-2020), việc giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh phải hoàn thành trong tháng 6-2019. Do đó, đơn vị này kiến nghị UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo Sở Tài chính tỉnh trình đơn giá đất ở 2 huyện Nhơn Trạch và Long Thành làm cơ sở tiến hành các thủ tục vận động và có biện pháp hành chính. "Hiệp định vay vốn ADB khi hết hạn không thể gia hạn thêm, trong khi thời gian còn lại để thi công các hạng mục không nhiều nên công tác bàn giao mặt bằng phải gấp rút tháo gỡ thì dự án mới hoàn thành theo đúng kế hoạch.
Được biết, Dọc tuyến cao tốc này từ khu vực Quốc lộ 1 (huyện Bình Chánh, TP HCM) đến cuối tuyến huyện Long Thành (tỉnh Đồng Nai), nhiều đoạn đã hoàn thiện việc thảm nhựa phần đường và đang lắp dải phân cách... Những nhịp cầu cuối cùng đang dần được kết nối với tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương về các tỉnh miền Tây. Một số đoạn qua huyện Bình Chánh cũng đang dần hoàn thiện, người dân trong vùng có thể chạy xe đi tắt ra Quốc lộ 1. Tuy nhiên, khá nhiều đoạn việc thi công vẫn dang dở do mặt bằng chưa được liên thông.Tại gói thầu A2-1 (thuộc tỉnh Long An), không khí thi công khá nhộn nhịp, nhà thầu đã huy động nhiều máy móc thiết bị đẩy nhanh tiến độ thi công. Một cán bộ chỉ huy thi công gói thầu cho biết do đã có mặt bằng sạch, nhà thầu đang tập trung nhân lực, thiết bị đẩy nhanh tiến độ. Đến cuối tháng 4-2019, cơ bản hoàn thành tuyến chính và tháng 6-2019 sẽ bàn giao công trình. Trong khi đó, gói thầu A2-2 công trường vẫn ngổn ngang và phải thi công cầm chừng do mặt bằng không có. Về phía Bộ Giao thông Vận tải, đơn vị trên kiến nghị bổ sung vốn năm 2019 cho huyện Nhơn Trạch và Long Thành để thực hiện bồi thường, xây dựng hạ tầng tái định cư...