18/05/2024 lúc 12:00 (GMT+7)
Breaking News

Đồng Tháp: Thông qua quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Hội đồng nhân dân tỉnh khóa X vừa ban hành Nghị quyết về thống nhất thông qua Quy hoạch tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Sự phát triển của ngành Du lịch thời gian qua đã góp phần vào sự phát triển chung của tỉnh Đồng Tháp – (Ảnh: Internet)

Mục tiêu phát triển đến năm 2030 là phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, nguồn lực và yếu tố con người để đưa Đồng Tháp phát triển cân bằng, toàn diện và bền vững. Nông nghiệp đổi mới là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, đưa Đồng Tháp trở thành một trong những trung tâm sản xuất và chế biến nông sản quan trọng của vùng.

Các chỉ số phát triển kinh tế chủ yếu xếp trong nhóm 5 địa phương dẫn đầu của vùng ĐBSCL, đạt trên mức trung bình của cả nước; xếp trong nhóm dẫn đầu vùng ĐBSCL về chuyển đổi số và một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế. Hạ tầng giao thông nội tỉnh kết nối thông suốt, hình thành các trục giao thông kết nối liên vùng; kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại.

Tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Tháp là trung tâm đầu mối nông nghiệp phát triển bền vững về thủy sản nước ngọt, hoa kiểng, trái cây, lúa gạo, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng và giá trị gia tăng cao của khu vực ĐBSCL, dẫn đầu cả nước trong một số lĩnh vực nông nghiệp có lợi thế trên cơ sở kế thừa các thành quả của giai đoạn 2021-2030. Tỉnh phát huy tốt vai trò trung tâm đầu mối nông nghiệp sinh thái nước ngọt của vùng ĐBSCL, trung tâm giao lưu phát triển kinh tế giữa ĐBSCL với các nước thuộc Tiểu vùng sông Mekong, một trong những trung tâm du lịch vùng sinh thái nước ngọt của vùng ĐBSCL. Chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao, là một trong những nơi đáng sống và hạnh phúc của vùng với các tiêu chí hướng đến sự cân bằng, hài hòa và bền vững.

Một góc thị trấn Mỹ An nằm gần trung tâm huyện Tháp Mười – (Ảnh: Internet)

Hạ tầng giao thông được cho là bước đệm để Đồng Tháp phát triển trong giai đoạn tới. Do đó, tỉnh tạo điều kiện đẩy nhanh đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông cấp vùng đi qua tỉnh Đồng Tháp (cao tốc Hồng Ngự - Cao Lãnh - Trà Vinh với giai đoạn đầu là đoạn An Hữu - Cao Lãnh, cao tốc N2 kết nối Mỹ An - Cao Lãnh, tuyến đường kết nối Sa Đéc (Đồng Tháp) - Ô Môn (TP Cần Thơ) - Giồng Riềng (Kiên Giang), tuyến kết nối Khánh Bình - Chợ Mới (An Giang) - Lấp Vò (Đồng Tháp), tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp có quy mô dịch vụ cấp Quốc gia và quốc tế; đẩy mạnh lĩnh vực phát triển đô thị và dịch vụ đô thị sau năm 2025.

Bên cạnh đó, phát triển các không gian kinh tế - đô thị mới dựa trên mối quan hệ liên kết - hợp tác vùng với TP Cần Thơ qua sông Hậu (hành lang ven sông Hậu), với TP Hồ Chí Minh (trục xuyên Đồng Tháp Mười từ TP Cao Lãnh), với nước bạn Campuchia (khu vực cửa khẩu theo tuyến đường bộ và đường thủy). Định vị các đô thị mới dựa trên lợi thế và đặc trưng địa phương để tạo hiệu ứng về quảng bá thương hiệu lãnh thổ, thu hút lưu trú và phát triển dịch vụ, du lịch theo chuyên đề./.

Hoàng Châu