27/07/2024 lúc 12:29 (GMT+7)
Breaking News

Tiếp tục nâng cao hiệu quả chính sách hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

Những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách nhằm phát triển bền vững ngành nông nghiệp, đặc biệt, Nghị quyết số 26-NQ/TW về phát triển “tam nông” đã góp phần tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn.

Tuy nhiên, trong thực tế ngành nông nghiệp vẫn luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức; các chính sách cũ không còn phù hợp trong tình hình mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh, gắn liền với an sinh xã hội của người nông dân để ngành nông nghiệp thực sự có điều kiện phát triển bền vững.

Ảnh minh họa - TL

Nông dân trong chính sách “Tam nông”

Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Hội nghị Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã đặt nền tảng tạo nên một diện mạo mới cả về chất và lượng cho khu vực nông thôn nói riêng và phát triển “tam nông” nói chung.  Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phát triển trong các giai đoạn mới, từ sau Nghị quyết số 26 đến nay, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, nghị quyết, chỉ thị về hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nông nghiệp.

Trước đó, năm 1996 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quỹ Hỗ trợ nông dân đã được thành lập. Trải qua gần 30 năm hoạt động, hệ thống Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã đạt được nhiều kết quả đáng kích lệ, trở thành kênh dẫn vốn quan trọng của Hội Nông dân với hệ thống Quỹ được tổ chức ở các cấp. Tiếp sau là một số chính sách tài chính thúc đẩy phát triển nông nghiệp Công nghệ cao (CNC) trong nông nghiệp đã được ban hành; tiêu biểu là Nghị định số 210/2013/NĐ-CP và Nghị định số 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất nông nghiệp; Nghị định số 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP); Quyết định số 813/QĐ-NHNN của Ngân hàng Nhà nước về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch… Đó chính là những chính sách trực tiếp hỗ trợ  cho nông nghiệp và nông dân phát triển kinh tế trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với cấp ngành quản lý nhà nước, ngày 11/7/2022, Bộ Nông nghiêp và Phát triển nông thông đã ban hành Thông tư số 04/2022/TT-BNNPTNT hướng dẫn thực hiện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Đây là Thông tư hướng dẫn thực hiện nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp quy định tại Tiểu dự án 1 Dự án 3 của Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, gồm: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm, ngư, diêm nghiệp; Hỗ trợ phát triển hệ thống lương thực, thực phẩm đảm bảo đủ dinh dưỡng; Tập huấn, tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, thí điểm, nhân rộng các giải pháp sáng kiến phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị hiệu quả. Đối tượng áp dụng theo Thông tư là: Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, người khuyết tật (không có sinh kế ổn định) trên phạm vi cả nước; người dân sinh sống trên địa bàn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; Hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng và phụ nữ thuộc hộ nghèo…

Mới đây nhất, ngày 17/01/2024 Văn phòng Chính phủ có văn bản số 381/VPCP-NN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ nông dân, phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn bền vững. Theo văn bản, để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu cụ thể các Bộ, ngành nghiên cứu, rà soát, xem xét bổ sung, hoàn thiện các văn bản, chính sách liên quan đến vấn đề “Tam nông”, đến việc tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp… Trong đó, tập trung triển khai thực hiện các lĩnh vực và nhiệm vụ cụ thể, gồm: Triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, thông minh; Sửa đổi, bổ sung quy định về bảo hiểm nông nghiệp; Chuyên nghiệp hóa nông dân, tri thức hoá nông dân; Hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa nông sản; Rà soát chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp; Đẩy mạnh hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư.

Những kết quả tích cực

Hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết 26 về “tam nông” đã khẳng định được vị trí của ngành nông nghiệp Việt Nam khi luôn duy trì ở mức tăng trưởng trung bình khoảng 3,5%/năm, thuộc mức tăng trưởng cao ở khu vực châu Á nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Đặc biệt, trước biến động phức tạp của dịch bệnh và những bất ổn của thế giới, nông nghiệp đã trở thành “bệ đỡ” của nền kinh tế nước ta.

Trong hành trình đó, phát triển nông nghiệp công nghệ cao (CNC) được coi là bước đột phá về năng suất, chất lượng nông sản nhờ ứng dụng những công nghệ mới, tiên tiến vào sản xuất. Đây là định hướng phát triển nhằm tăng lợi thế cạnh tranh cho ngành nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế và thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay; cũng là tăng thu nhập cho người nông dân trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Tuy vậy, dù hệ thống chính sách tài chính đã hỗ trợ tích cực cho phát triển nông nghiệp CNC, song nông nghiệp ứng dụng công nghệ cần phải đầu tư rất lớn, thu hồi vốn chậm, trong khi chính sách được đánh giá là vẫn chưa đủ hấp dẫn đối với các nhà đầu tư; hầu hết các sản phẩm đầu tư nông nghiệp CNC đang thiếu thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có đủ công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng CNC. Cùng với đó, các doanh nghiệp muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC hay muốn ứng dụng CNC trong nông nghiệp vẫn gặp phải không ít thách thức. Đó là rào cản về vốn do nông nghiệp CNC cần nguồn vốn rất lớn để xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư sản xuất giống cây trồng, vật nuôi, đào tạo nhân lực, tiêu thụ sản phẩm và nhất là nhập thiết bị, tiếp cận và tích tụ đất đai…

Bên cạnh các định chế tài chính lớn hỗ trợ tín dụng chung phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn, như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ tín dụng nhân dân… thì còn có định chế tài chính chuyên biệt của Nhà nước là hệ thống Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp. Quỹ này hỗ trợ trực tiếp vốn cho đối tượng là các hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và nâng cao đời sống nông dân, nông thôn thời gian qua. Đến nay có 1 Quỹ Hỗ trợ nông dân Trung ương, 63 Quỹ Hỗ trợ nông dân cấp tỉnh và 638 Quỹ cấp huyện. Tổng nguồn vốn toàn hệ thống đến ngày 31/8/2023 đạt khoảng 4.827 tỷ đồng, tổng doanh số cho vay từ khi thành lập đến ngày 31/8/2023 là khoảng 15.200 tỷ đồng, dư nợ là 3.541 tỷ đồng, qua đó đã giúp hàng triệu hộ nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Tuy nhiên, cần sớm ban hành khuôn khổ pháp lý chung liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân là ưu tiên hàng đầu để giúp Quỹ hoạt động rõ ràng, minh bạch, hiệu quả và chuyên nghiệp hơn.

Những khó khăn, hạn chế trong thực tiễn

Có thể nói, sản xuất nông nghiệp vẫn luôn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi các cơ chế xử lý, phòng ngừa rủi ro (như bảo hiểm trong nông nghiệp) chưa được triển khai mạnh mẽ nên ảnh hưởng lớn đến năng lực tài chính, cũng như khả năng trả nợ khi gặp rủi ro trong sản xuất, kinh doanh của người nông dân. Bên cạnh đó, trình độ của người nông dân ở nước ta hiện nay còn khá thấp dẫn đến thiếu những kiến thức cần thiết cho việc lập các dự án, quản lý và có kế hoạch sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phục vụ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp. Về phía người sản xuất, vẫn có tình trạng vay vốn không đúng mục đích, đầu tư không đúng đối tượng nên hiệu quả mang lại không cao, việc trả nợ ngân hàng khó khắn, khiến cho ngân hàng lo ngại, ảnh hưởng đến việc triển khai các gói cho vay đối với các hộ nông dân.

Một số giải pháp

Để khắc phục những hạn chế, giúp nông dân có điều kiện hơn để phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, cần thực hiện một số giải pháp, bao gồm: Nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về các biện pháp xử lý rủi ro đối với các khoản vay tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cần có quy định cụ thể về trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc tham gia tích cực vào quá trình cho vay tín dụng triển khai các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn của các hộ nông dân. Có giải pháp nhằm gia tăng nguồn thu của Quỹ hỗ trợ nông dân.

Căn cứ vào các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương về phát triển nông nghiệp, nông thôn và hỗ trợ nông dân, các cấp, ngành liên quan caafi tích cực tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những khó khăn trong tiếp cận chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn, thúc đẩy người nông dân vươn lên sản xuất lớn, hình thành tầng lớp nông dân giàu có, văn minh, trở thành lực lượng quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước./.

ThS Đào Xuân Năng

...