27/12/2024 lúc 05:34 (GMT+7)
Breaking News

Đồng Nai phát triển du lịch nông thôn từ các sản phẩm OCOP

Đồng Nai được xem là địa phương có nguồn tài nguyên phong phú, một trong những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP với 150 sản phẩm được công nhận cùng sự phát triển du lịch nông thôn với nhiều mô hình mang lại hiệu quả cao.

Chương trình OCOP là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng.

Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn là cơ hội để quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, đặc biệt là các sản phẩm OCOP. Qua đó, vừa nâng cao năng lực cộng đồng, vừa thúc đẩy tiêu thụ trong điều kiện nông sản và sản phẩm OCOP gia tăng cả về số lượng, sản lượng và quy mô sản xuất. Chương trình OCOP được Đồng Nai xác định là một trong những động lực khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất khai thác tiềm năng của các đặc sản, sản phẩm nông thôn tiêu biểu, đặc trưng. Tỉnh đặt ra mục tiêu cao cho chương trình, không chỉ phát triển về số lượng chủ thể, sản phẩm, mà còn phải chú trọng cả về mặt chất lượng.

Hướng tới mục tiêu của tỉnh Đồng Nai là đến năm 2025, toàn tỉnh có ít nhất 144 sản phẩm OCOP được công nhận đạt chuẩn 3 sao trở lên, ít nhất có 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đặc biệt, có ít nhất 30% các chủ thể OCOP xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn gắn với vùng nguyên liệu ổn định.

Để chương trình tiếp tục phát triển đi vào chiều sâu, đáp ứng những mục tiêu, yêu cầu đề ra, cần xây dựng hình ảnh thương hiệu sản phẩm Đồng Nai, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và chủ thể tham gia chương trình OCOP cần tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong quản lý, điều hành.

Đồng thời, thực hiện quy hoạch và phát triển nguồn nguyên liệu ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến bảo quản sau thu hoạch để sản phẩm OCOP phát triển bền vững; tổ chức các hội chợ sản phẩm OCOP Đồng Nai, kết nối cung - cầu; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử…

Từ khi bắt đầu triển khai, phong trào khởi nghiệp gắn với sản phẩm OCOP đã thu hút nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, đặc biệt là các lực lượng thanh niên, phụ nữ, với các phong trào như thanh niên nông thôn sáng tạo khởi nghiệp với chương trình OCOP, phụ nữ Đồng Nai khởi nghiệp đồng hành cùng sản phẩm OCOP.

Hiện các địa phương trong tỉnh đã và đang chung tay cùng các chủ thể đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, các sự kiện kết nối giao thương, hội chợ thương mại quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP trên toàn quốc; tham gia sàn thương mại điện tử, đưa sản phẩm vào các kênh tiêu thụ hiện đại vì mục tiêu để các sản phẩm OCOP ngày càng đi xa hơn.

Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã kết nối đưa sản phẩm vào các điểm, khu du lịch. Đây là kênh tiêu thụ nông sản địa phương tại chỗ rất tiềm năng, cần được hỗ trợ để khai thác hiệu quả. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm OCOP đã cung cấp hàng cho các trạm dừng chân, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Xuân Lộc đang chú trọng vào phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP ở các cụm du lịch sinh thái vườn tại các xã Xuân Bắc và Lang Minh. Đây là những điểm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhằm nâng tầm giá trị cho sản phẩm của nhà nông.

Đến nay, có 48 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu. Những vườn cây được chọn lựa sẽ được huyện hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu…