18/11/2024 lúc 06:24 (GMT+7)
Breaking News

Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2050

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 586/QĐ-TTg ngày 3/7/2024 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu tổng quát là đến năm 2030, Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước. Kinh tế phát triển năng động và đi đầu trong phát triển kinh tế hàng không, công nghiệp công nghệ cao, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế và xã hội, hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững, giàu bản sắc, đặc trưng là phát triển đô thị sân bay, đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế. Bản sắc văn hoá được bảo tồn và phát huy; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được đảm bảo vững chắc.

Tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 10%/năm

Cụ thể, về kinh tế, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) bình quân thời kỳ 2021-2030 khoảng 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt khoảng 14.650 USD.

Cơ cấu kinh tế (GRDP) đến năm 2030: công nghiệp - xây dựng chiếm 59% (riêng công nghiệp chế biến chế tạo chiếm 50%); khu vực dịch vụ chiếm 29%; nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 6%; thuế sản phẩm (trừ trợ cấp sản phẩm) chiếm 6%.

Về xã hội, quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 4 đến 4,2 triệu người. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%.

Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức dưới 2%.

Tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt khoảng 70%. 100% số xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 huyện hoàn thành nông thôn mới kiểu mẫu; 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu...

Đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; là trung tâm giao thương quốc tế, du lịch, dịch vụ gắn với các đô thị đẳng cấp quốc tế, nơi tập trung trí thức và nhân tài, lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng "0". Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc.

Các nhiệm vụ đột phá phát triển

Từ nay đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai thực hiện các nhiệm vụ đột phá: 

Khai thác hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Long Thành và triển khai dự án sân bay lưỡng dụng Biên Hòa gắn với mô hình đô thị sân bay;

Hoàn thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thông minh, thích ứng biến đổi khí hậu. Trong đó, tập trung vào hạ tầng giao thông, thủy lợi, đô thị, hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội. Thúc đẩy phát triển đô thị gắn với định hướng giao thông công cộng (TOD);

Xây dựng các Khu công nghiệp xanh, thực hiện chuyển đổi các Khu công nghiệp hiện hữu theo lộ trình thực hiện mục tiêu giảm phát thải cac-bon. Tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp hiện đại, có giá trị gia tăng cao, công nghệ mới, thân thiện môi trường, gắn với chuỗi giá trị toàn cầu;

Xây dựng khu trung tâm đổi mới sáng tạo, khu công nghệ thông tin tập trung, các dự án chuyển đổi số, phát triển các tổ hợp giáo dục, đào tạo chuyên sâu cho Vùng Đông Nam Bộ;

Triển khai các dự án đô thị, du lịch, dịch vụ nghỉ dưỡng đẳng cấp, tập trung phát triển: các khu đô thị - du lịch - dịch vụ kề cận sân bay Long Thành; khu đô thị - du lịch núi Chứa Chan, hồ Núi Le; chuỗi đô thị ven sông Đồng Nai (ưu tiên khu vực thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành, huyện Nhơn Trạch).

Công nghiệp chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn

Theo phương hướng phát triển, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao với các cấu phần chính gồm: các khu công nghiệp chuyên ngành/khu công nghiệp công nghệ cao/khu công nghiệp sinh thái; dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; trung tâm nghiên cứu phát triển, công viên khoa học; trung tâm đào tạo, giáo dục nghề nghiệp; trung tâm đổi mới sáng tạo, vườn ươm khởi nghiệp. Phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng "0". 

Chuyển đổi các khu công nghiệp hiện hữu theo hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, lựa chọn sản phẩm, công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. 

Chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin...   

Phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Phát triển dịch vụ trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Trong đó chú trọng phát triển các lĩnh vực dịch vụ thương mại, logistics, du lịch… Phát triển các ngành dịch vụ hỗ trợ (tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, khoa học công nghệ, viễn thông…).

Tăng cường liên kết vùng, quốc gia và quốc tế, với vai trò là một trong những trung tâm giao thương quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ; trên cơ sở khai thác Cảng hàng không quốc tế Long Thành, sân bay lưỡng dụng Biên Hòa, cảng biển Phước An làm động lực để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa, sản xuất công nghiệp, thương mại điện tử và vận chuyển hành khách. Chủ động hội nhập, tận dụng khai thác các thế mạnh trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia.

Phát triển hệ thống vận tải đa phương thức cùng các dịch vụ logistics, lấy nền tảng là các trung tâm logistics hiện đại cấp vùng và cấp tỉnh. Tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, du lịch MICE..., gắn với thế mạnh địa phương.

Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu

Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực (sản phẩm chủ lực quốc gia, tỉnh và đặc sản của địa phương); phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, ứng dụng công nghệ cao; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến sâu, xuất khẩu theo chuỗi giá trị; đa dạng hóa sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng, đáp ứng được các tiêu chuẩn sản xuất an toàn, truy xuất nguồn gốc và phục vụ xuất khẩu.

Bảo vệ và phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất. Xây dựng ngành lâm nghiệp trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật theo hướng hiện đại, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa bảo vệ và phát triển rừng với khai thác hợp lý, góp phần bảo vệ môi trường, giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến, hiện đại vào công tác bảo vệ rừng, phát triển rừng...

Hiếu Đoàn