Văn hóa truyền thống là nền tảng tinh thần và động lực phát triển
Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, bên cạnh việc hoạch định và thực hiện các đường lối phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng và hoàn thiện hệ thống chính trị, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến công tác xây dựng văn hóa và con người Việt Nam. Văn hóa không chỉ là một lĩnh vực quan trọng mà còn là nền tảng tinh thần của xã hội, góp phần định hướng sự phát triển bền vững của đất nước.
Chính sách vĩ mô của Nhà nước về văn hóa đã được khẳng định trong Hiến pháp năm 2013, trong đó nhấn mạnh vai trò của Nhà nước và xã hội trong việc bảo tồn và phát triển nền văn hóa Việt Nam mang tính dân tộc, hiện đại và nhân văn. Chính sách này đề cao việc kế thừa và phát huy giá trị văn hóa của các dân tộc Việt Nam, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và khuyến khích sự sáng tạo trong nhân dân. Nhà nước cũng thực hiện quản lý thống nhất đối với sự nghiệp văn hóa, nghiêm cấm các hoạt động truyền bá tư tưởng, văn hóa phản động, đồi trụy và bài trừ mê tín, hủ tục.
Quan điểm này được cụ thể hóa trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nghị quyết khẳng định, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Nền văn hóa Việt Nam mang tính thống nhất nhưng cũng đa dạng trong cộng đồng các dân tộc, tạo nên sức mạnh nội sinh quan trọng để đất nước phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Ngày hội tôn vinh và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Ảnh: Nguồn Internet
Văn học nghệ thuật góp phần bồi dưỡng nhân cách và tâm hồn con người Việt Nam. Nhà nước tích cực đầu tư phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật; tạo điều kiện để nhân dân được hưởng những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị. Bên cạnh những chính sách về bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, Việt Nam còn đặc biệt chú trọng việc phát triển các giá trị ấy trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay. Tiêu biểu là Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/06/2014, của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI “Về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước bền vững” xác định nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện là chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại: chủ động hợp tác văn hóa với các nước, thực hiện đa dạng các hình thức văn hóa đối ngoại; tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm nền văn hóa dân tộc. Đề cao chính sách hội nhập quốc tế văn hóa để thích ứng với điều kiện phát triển xã hội hiện đại; kết nối với cộng đồng người Việt ở nước ngoài để thúc đẩy lòng yêu nước, tự tôn dân tộc, giữ gìn truyền thống, bản sắc dân tộc, phát huy trí tuệ, tài năng sáng tạo, đóng góp vào công cuộc xây dựng đất nước.
Tiếp tục giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống
Nhà nước phát triển các hình thức của hoạt động truyền thông về văn hóa, nghệ thuật thông qua khuyến khích các hoạt động nghệ thuật văn hóa, nghệ thuật quần chúng đa dạng, thu hút giới trẻ. Tạo ra cái nhìn tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, hình thành quan điểm biện chứng về đời sống; cổ vũ những nhân tố mới, thành tựu mới; đề cao tính tích cực xã hội trong quần chúng nhân dân.
Chương trình Anh trai vượt ngàn chông gai thu hút đông đảo giới trẻ.
Triển khai Các chương trình mục tiêu và cuộc vận động bảo tồn và phát triển giá trị văn hóa truyền thống như: Chương trình mục tiêu bảo tồn và tôn tạo di tích danh thắng; Chương trình mục tiêu xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở; Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Kết hợp với các chương trình liên quan như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Nhân dân tham gia đóng góp, xây dựng, phản hồi về các lĩnh vực văn hóa truyền thống. Vận dụng hình thức truyền thông trực tiếp thông qua triển khai, tổ chức các hoạt động bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống như: tích cực tổ chức các lễ hội truyền thống tiêu biểu, phát huy giá trị văn hóa làng nghề, lưu truyền các di sản văn hóa nghệ thuật dân gian,... để tác động trực tiếp tới đời sống văn hóa của quần chúng nhân dân, cũng như quảng bá nét đẹp văn hóa độc đáo tới bạn bè quốc tế.
Lễ hội đền Hùng, Phú Thọ.
Đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống
Việc xây dựng và thực hiện chính sách văn hóa cần được thiết kế linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của quốc gia, đồng thời đặt trong bối cảnh kinh tế thế giới và xu hướng hội nhập. Truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa các chính sách này, giúp Việt Nam hội nhập nhưng vẫn giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc. Cần nâng cao chất lượng và đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý của các cấp ủy đảng, chính quyền trong thực hiện các chương trình, chính sách văn hóa. Việc huy động và phân bổ nguồn lực cần được thực hiện một cách hiệu quả, tránh chồng chéo, bảo đảm tính khả thi để triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó, chính sách văn hóa cần gắn liền với phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện nâng cao mức sống và dân trí của nhân dân. Đây là nền tảng quan trọng giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.
Tiếp tục triển khai hiệu quả các đề án, chương trình bảo tồn, phát triển văn hóa truyền thống trong thời gian tới. Việc này không chỉ giúp gìn giữ bản sắc dân tộc mà còn tạo động lực cho sự phát triển bền vững của nền văn hóa Việt Nam. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách cũng cần được đẩy mạnh, phát huy tính chủ động, sáng tạo trong cộng đồng. Sự kết hợp giữa Nhà nước và nhân dân, cùng với sự hỗ trợ từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, sẽ tạo ra sức mạnh tổng hợp nhằm thúc đẩy công cuộc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc.
Chính quyền địa phương cần xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của từng vùng, từng địa phương. Việc duy trì và tổ chức các lễ hội truyền thống theo hướng đúng đắn, lành mạnh sẽ góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của nhân dân, đồng thời đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09/06/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Truyền thông chính sách không chỉ là phương tiện lan tỏa thông tin mà còn là cầu nối quan trọng giữa Nhà nước và nhân dân trong công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Khi được triển khai hiệu quả, truyền thông góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng, tạo sự đồng thuận xã hội và thúc đẩy hành động thiết thực vì sự phát triển bền vững. Trong bối cảnh hội nhập, việc kết hợp hài hòa giữa gìn giữ bản sắc và tiếp thu tinh hoa văn hóa thế giới là yêu cầu cấp thiết. Để làm được điều đó, cần một chiến lược truyền thông bài bản, sáng tạo, phù hợp với thực tiễn, đưa văn hóa Việt Nam vững bước trên hành trình phát triển lâu dài.
Đặng Nguyễn Anh Thư