19/11/2024 lúc 16:39 (GMT+7)
Breaking News

Đồng loạt khánh thành 4 dự án giao thông quan trọng

Ngày 24/12, tại Điện Biên, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự lễ khánh thành 4 dự án: Dự án đầu tư xây dựng mở rộng Cảng Hàng không Điện Biên, Dự án đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Dự án đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, Dự án cầu Mỹ Thuận 2.

Lễ khánh thành do Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các cơ quan, địa phương tổ chức, được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính thành phố Điện Biên Phủ tới các các tỉnh có các dự án trên địa bàn: Phú Thọ, Vĩnh Long, Tiền Giang.

Thủ tướng và các đại biểu thực hiện nghi thức gắn biển công trình chào mừng kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ và 80 năm Ngày truyền thống ngành GTVT

Dự sự kiện tại các điểm cầu có các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương; Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố có các dự án trên địa bàn; các nhà thầu, đơn vị tư vấn thiết kết, tư vấn giám sát và đông đảo nhân dân.

Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trước hết bày tỏ hết sức xúc động khi có mặt tại thành phố Điện Biện Phủ, địa danh lịch sử với Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu", cùng tổ chức lễ khánh thành các dự án giao thông quan trọng với các tỉnh Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long… - những vùng đất có truyền thống lịch sử hào hùng, nền văn hóa phong phú, đặc sắc nhưng đời sống nhân dân còn rất khó khăn. Việc khánh thành cùng lúc 4 công trình giao thông này với tổng vốn đầu tư gần 18.000 tỷ đồng là một dấu mốc lịch sử.

Thủ tướng cho biết còn xúc động hơn nữa khi tại lễ khánh thành, được gặp, tri ân và tặng quà 20 chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa, những người đã hy sinh một phần xương máu để góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ và hôm nay lại có mặt ở đây để động viên, khích lệ, tiếp thêm lửa cho các thế hệ sau tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, xứng đáng với sự hy sinh, cống hiến, công lao của các thế hệ đi trước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành dự án

Trước lễ khánh thành, Thủ tướng cùng đoàn công tác cũng đã dâng hương viếng các anh hùng, liệt sỹ tại Đền thờ liệt sỹ tại Chiến trường Điện Biên Phủ và Nghĩa trang liệt sỹ A1 ở thành phố Điện Biên Phủ.

Thủ tướng chỉ rõ, thực tiễn đã chứng minh, giao thông vận tải nói chung và đường bộ cao tốc, sân bay, bến cảng nói riêng mang lại hiệu quả rõ nét về phát triển kinh tế - xã hội. Giao thông phát triển đến đâu sẽ mở ra không gian phát triển mới đến đó, nhiều khu đô thị, khu công nghiệp, dịch vụ, du lịch được hình thành, quỹ đất được khai thác hiệu quả và đặc biệt là giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi cho nhân dân đi lại thuận lợi, dễ dàng, tiết kiệm thời gian và công sức.

Thủ tướng cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã khánh thành và đưa vào khai thác thêm 730 km đường cao tốc, nâng tổng số đường cao tốc của cả nước lên gần 1.900 km và đang triển khai thi công gần 1.700 km cao tốc, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mục tiêu cả nước có khoảng 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km cao tốc vào năm 2030.

Theo Thủ tướng, cả 4 dự án khánh thành hôm nay đều có nhiều khó khăn, vướng mắc về pháp lý; kinh phí có hạn nên phải huy động hợp tác công tư, huy động nguồn vốn Trung ương và địa phương, nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi và các nguồn vốn hợp pháp khác; gặp nhiều khó khăn về nền đất yếu ở các tỉnh phía Nam, khan hiếm nguyên vật liệu xây dựng thông thường (sân bay Điện Biên phải nghiền đá thay cho cát sỏi); thi công trong điều kiện dịch bệnh, tình hình thời tiết phức tạp; những khó khăn về giải phóng mặt bằng, bảo vệ môi trường…

Phân tích thêm về ý nghĩa, kết quả của các dự án, Thủ tướng nhấn mạnh những cái hơn của cầu Mỹ Thuận 2 so với cầu Mỹ Thuận 1: Quy mô dài hơn, cao hơn, rộng hơn; cầu Mỹ Thuận 1 sử dụng vốn tài trợ nước ngoài, Mỹ Thuận 2 sử dụng vốn nhiều hơn và là vốn trong nước; cầu Mỹ Thuận 1 do nước ngoài thiết kế, thi công, còn Mỹ Thuận 2 là công trình cầu dây văng khẩu độ lớn do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn trong tất cả các khâu; suất đầu tư của Mỹ Thuận 1 là khoảng 5.000 USD/m2 còn cầu Mỹ Thuận 2 khoảng 2.400 USD/m2, tức là tiết kiệm khoảng 50%; tạo việc làm, sinh kế cho người dân được nhiều hơn.

Cầu Mỹ Thuận 1 xây dựng trước đây: (1) Chiều dài 1,5 km, chiều rộng 23,7 m, cao 120 m; (2) Tổng vốn đầu tư khoảng hơn 2.000 tỷ đồng (gần 100 triệu USD), chúng ta vay khoảng 66%; (3) Thiết kế, thi công, giảm sát cơ bản phải thuê nước ngoài và thi công hết 36 tháng; (4) Suất đầu tư là 5 nghìn USD/m2.

Cầu Mỹ Thuận 2 ngày nay: (1) Chiều dài gần 6,7 km (gồm cầu là 1,9 km; đường dẫn 4,7 km); rộng 28,3 m, cao 125 m; (2) Tổng vốn đầu tư gần 5 nghìn tỷ (đây là tiền của nhân dân ta, đất nước ta); (3) Thiết kế, thi công, giám sát do người Việt Nam thực hiện và thi công 39 tháng trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp; (4) Suất đầu tư là 2,4 nghìn USD/m2.

Thủ tướng Chính phủ cho biết, thời gian qua, tất cả các chủ thể có liên quan, các cấp, các ngành, nhất là Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, UBND các tỉnh: Điện Biên, Tuyên Quang, Phú Thọ, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Đồng Tháp, các chủ đầu tư, nhà tư vấn, nhà thầu, các cán bộ, công nhân trên công, với sự hỗ trợ, đồng tình, ủng hộ của người dân đã nỗ lực triển khai thực hiện một khối lượng công việc rất lớn với tinh thần "3 ca, 4 kíp", "vượt nắng, thắng mưa", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương", ý chí kiên cường, chiến thắng đại dịch, làm việc xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ, để các dự án đã hoàn thành đáp ứng tiến độ.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự đồng hành của Quốc hội, HĐND các cấp; các bộ ngành, UBND các địa phương và các Ủy ban của Quốc hội; các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà tư vấn, nhà thầu và cán bộ, công nhân trên công trường; MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân các vùng có dự án đi qua.

Từ kết quả và ý nghĩa của các công trình này, Thủ tướng chỉ ra những bài học kinh nghiệm quý trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng nói riêng.

Trong đó, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ lòng dân. Trung ương mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương, phân bổ nguồn lực phù hợp và thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong triển khai các dự án.

Các địa phương phải tự lực, tự cường, tự vươn lên từ bàn tay khối óc của mình, dám nghĩ, dám làm, không trông chờ, ỷ lại. Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, làm việc nào dứt điểm việc đó.

Công tác phối hợp giữa các cấp, các cơ quan trong hệ thống chính trị phải chặt chẽ, kịp thời, chủ động, tích cực, hiệu quả; đồng thời tranh thủ sự vào cuộc, ủng hộ của người dân.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khai thác, sử dụng các công trình có hiệu quả

Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức khai thác, sử dụng các công trình có hiệu quả; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện, đồng bộ hóa các hạng mục, các công trình liên quan; tiếp tục rà soát đảm bảo đời sống của người dân đã nhường đất cho các dự án tại nơi ở mới phải tốt hơn, ít nhất là bằng với nơi ở cũ. Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, duy tu, bảo dưỡng, bảo vệ môi trường, hoàn nguyên các mỏ khai thác nguyên vật liệu; kiểm đếm, thanh quyết toán công khai, minh bạch, đúng quy định, chống tiêu cực.

 Các nhà thầu, nhà tư vấn tiếp tục rút kinh nghiệm để tiếp tục làm các dự án mới, các cơ quan vận dụng linh hoạt nhất các chính sách theo quy định của pháp luật để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi nhất cho những nhà thầu, tư vấn đã làm tốt nhiều dự án được tham dự các dự án mới.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần là đổi mới tư duy, cách làm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội, tất cả vì lợi ích chung, vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, của Nhân dân, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, Nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Thanh Khê