01/07/2024 lúc 01:55 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới tư duy và cách làm nhằm nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách là phần quan trọng trong hoạt động truyền thông của Đảng, Nhà nước ta. Đây được coi là nhiệm vụ chính trị của các cơ quan hành chính, cơ quan báo chí trong việc xây dựng, phổ biến, tổ chức thực hiện và đánh giá tác động để mọi chính sách đến với nhân dân; là giải pháp quan trọng để đưa chính sách pháp luật vào cuộc sống và mang hơi thở cuộc sống vào quá trình xây dựng chính sách.

Chủ trương và yêu cầu của công tác truyền thông chính sách

Để làm tốt công tác truyền thông chính sách thì không chỉ có quyết tâm, mà phải có phương pháp, cách làm khoa học và phù hợp với tình hình, điều kiện, bối cảnh từng cơ quan, đơn vị, phù hợp với nội dung thực tế đòi hỏi thực hiện; vừa có tính khoa học, vừa có tính nghệ thuật. Phải làm truyền thông cả trước, trong và sau khi ban hành chính sách. Bên cạnh đó, cần tạo cơ chế, điều kiện để người dân, các nhà khoa học, tổ chức, doanh nghiệp góp ý phản biện chính sách nhằm giúp cho quá trình xây dựng, hoạch định chính sách mang tính thực tiễn và phù hợp hơn với yêu cầu thực tiễn.

Mặt khác, truyền thông chính sách phải được tổ chức liền mạch, với hệ thống dữ liệu, nội dung tổng quát, chuyên sâu. Truyền thông chính sách cần bao gồm cả mục tiêu truyền thông trong nội bộ các cơ quan dự thảo chính sách, để văn bản ban hành mang tính thống nhất cao, dễ dàng chỉ đạo và thực hiện. Đồng thời tăng cường kết nối giữa các đơn vị hoạch định, ban hành chính sách và những đối tượng bị tác động bởi chính sách. Tạo cơ chế, điều kiện để người dân, tổ chức, doanh nghiệp góp ý, phản biện trong suốt quá trình đề xuất chính sách, xây dựng dự thảo chính sách, đối thoại chính sách và giám sát thực thi chính sách.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng, vị trí của công tác truyền thông chính sách. Phải đổi mới tư duy, cách nghĩ, cách làm về truyền thông chính sách, sát với tình hình thực tiễn, với điều kiện, khả năng, bối cảnh của đất nước… Về phía các cơ quan, tổ chức, cấp, ngành, cần chủ động cung cấp thông tin trung thực, khách quan. Đồng thời tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý nhằm phát huy vai trò của các cơ quan thông tin, báo chí trong truyền thông chính sách. Bởi hệ thống báo chí, truyền thông (bao gồm Cổng Thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước, các báo, đài, các trang thông tin điện tử tổng hợp hệ thống thông tin ở cơ sở, các phương thức truyền thông mới qua mạng xã hội, tin nhắn qua hệ thống viễn thông...) cũng góp phần hết sức to lớn vào việc thông tin kịp thời những thông điệp quan trọng trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Chính phủ. Muốn chính sách đi vào cuộc sống, truyền thông chính sách phải hướng đến mục tiêu để "Dân biết - Dân hiểu - Dân tin - Dân theo - Dân làm".

Hệ thống báo chí đương nhiên có vai trò, trách nhiệm trong thực hiện truyền thông chính sách. Nhưng, điều đó không có nghĩa là báo chí không được tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ đó. Ở đây chính là vấn đề liên quan đến việc dành nguồn lực cho truyền thông chính sách, vấn đề kinh phí thực sự quan trọng nhằm giúp các cơ quan báo chí thực hiện tốt hơn trọng trách của mình.

Chính vì nhìn nhận được vấn đề này, ngày 30-3-2022, Đề án “Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề án được triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, áp dụng đối với các dự thảo chính sách đáp ứng 4 tiêu chí: 1- Là các chính sách được ban hành trong các văn bản quy phạm pháp luật mà Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định phải lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trước khi tiến hành soạn thảo, trừ các nội dung thuộc bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật; 2- Tác động trực tiếp làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người dân, tổ chức, doanh nghiệp; 3- Được xác định là những vấn đề khó, nhạy cảm, dư luận xã hội quan tâm hoặc có nhiều ý kiến khác nhau về nội dung dự thảo chính sách; 4- Chính sách có tác động trên phạm vi cả nước hoặc trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Về tổ chức, bộ máy làm công tác truyền thông chính sách, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 văn bản rất quan trọng. Đó là Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 12/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng hoạt động truyền thông, báo chí phục vụ nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; kịp thời chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí, truyền thông; và Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027", trong đó đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan báo chí, truyền thông trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động thông tin, tuyên truyền, bảo đảm phục vụ hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và công tác truyền thông chính sách.

Một số hạn chế cần khắc phục

1. Để làm truyền thông chính sách, bên cạnh sự tích cực của các cơ quan báo chí, đòi hỏi sự chủ động của chính các cơ quan chức năng, bộ ngành, địa phương và sự phối hợp giữa hai bên, cũng như cơ chế đặt hàng thì sẽ đạt hiệu quả hơn.

2. Hiện tại, vẫn chưa có được sự thống nhất trong tư duy tiếp cận về truyền thông chính sách. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh, là phương thức, là công cụ tuyên truyền cho chính sách mới, nhưng gốc vẫn là việc hoạch định chính sách. Việc hoạch định, ban hành và thực thi chính sách nhiều lúc, nhiều nơi thiếu hẳn khâu đánh giá tác động truyền thông, dẫn đến không được truyền thông đúng cách và đủ "liều lượng". Một số bộ, ngành và địa phương chưa ban hành kế hoạch tổng thể và cụ thể về truyền thông chính sách, để từ đó có lộ trình, bước đi, đội ngũ và nguồn lực triển khai công tác truyền thông một cách bài bản, chuyên nghiệp. Kinh tế báo chí chưa được chú trọng đúng mức để cơ quan báo chí có thêm nguồn lực tham gia vào quá trình truyền thông chính sách một cách hiệu quả. Việc báo chí thực hiện chức năng phản biện chính sách cũng rất quan trọng, vì nó góp phần hoàn thiện chính sách.

3. Không những vậy, công tác truyền thông chính sách có lúc, có nơi chưa được coi trọng. Năng lực giải thích, diễn giải cụ thể chính sách, quy định của một số cơ quan nhà nước để người dân hiểu và chủ động tuân thủ còn hạn chế. Việc chủ động tiếp xúc, cung cấp thông tin cho báo chí vẫn được coi là việc "khó", tâm lý cán bộ ngại tiếp xúc với báo chí còn khá phổ biến…  

Một số giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truyền thông chính sách

Quyết định số 407/QĐ-TTg tương đối hoàn thiện, với 8 nội dung rất cần thiết: (1) Thủ trưởng các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung chủ động quán triệt, chỉ đạo nhằm nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác truyền thông dự thảo chính sách bằng hình thức phù hợp cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như người dân, tổ chức, doanh nghiệp; phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong vận động, khuyến khích Nhân dân quan tâm, tham gia đóng góp ý kiến đối với dự thảo chính sách. (2) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan rà soát, nghiên cứu và tham mưu hoàn thiện các quy định của pháp luật về: Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật và tiếp cận thông tin nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý và nguồn lực cho hoạt động truyền thông dự thảo chính sách. (3) Phát huy vai trò chủ động của cơ quan, đơn vị, cá nhân chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật trong tổ chức thực hiện truyền thông dự thảo chính sách. (4) Tăng cường công tác chỉ đạo, theo dõi của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật cấp tỉnh về truyền thông dự thảo chính sách. (5) Xây dựng nội dung truyền thông dự thảo chính sách, trong đó yêu cầu: Cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật xây dựng tài liệu, nội dung truyền thông dự thảo chính sách bảo đảm đầy đủ, ngắn gọn, dễ hiểu, hình thức phong phú, sinh động để đăng tải trên Cổng/Trang Thông tin điện tử của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và ở địa phương và cung cấp cho các cơ quan thông tin, báo chí phục vụ hoạt động truyền thông dự thảo chính sách. (6) Tổ chức triển khai các hình thức truyền thông về dự thảo chính sách, trong đó yêu cầu phát huy vai trò của cơ quan quản lý thông tin, báo chí trong lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng cơ quan thông tin, báo chí tham gia truyền thông dự thảo chính sách; tổ chức các hội nghị, tọa đàm, diễn đàn, phỏng vấn, đối thoại trực tiếp, trực tuyến, họp báo để trao đổi, thông tin về dự thảo chính sách tới các cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp; chú trọng phát huy đội ngũ báo cáo viên pháp luật; tổ chức truyền thông dự thảo chính sách tại địa bàn cơ sở; thực hiện việc tích hợp, chia sẻ để đăng tải thông tin nội dung dự thảo chính sách; tổ chức truyền thông thông qua các ứng dụng mạng xã hội và hình thức truyền thông phù hợp khác… (7) Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ làm công tác truyền thông chính sách. (8) Huy động nguồn lực xã hội tham gia công tác truyền thông dự thảo chính sách.

Thực hiện tốt 8 nội dung nêu trên sẽ giúp khắc phục những hạn chế và nâng cao hiệu quả công tác truyền thông chính sách. Cùng với đó, cần có nguồn lực về nhân sự, cơ sở vật chất, tài chính... Trong đó, nguồn lực về tài chính là điều kiện đảm bảo quan trọng để thực hiện truyền thông có hiệu quả. Các cơ quan báo chí nói chung mong muốn được các cơ quan, đơn vị đặt hàng và giao nhiệm vụ ở các mảng nội dung, trong đó có việc tuyên truyền chính sách./.

Ths. Đỗ Văn Hoàn

...