10/01/2025 lúc 15:02 (GMT+7)
Breaking News

Đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu

Trước xu thế phát triển của cách mạng khoa học - công nghệ, việc đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với phát triển của Việt Nam. Yêu cầu đó càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế do tác động của đại dịch COVID-19. Quá trình này đòi hỏi sự nỗ lực không chỉ cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi vai trò chủ động, tích cực của Nhà nước.
Ảnh minh họa - Internet

Phát huy động lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong đổi mới mô hình tăng trưởng - yêu cầu tất yếu đối với phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam

Lịch sử phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới cho thấy, mỗi khi động lực phát triển được phát huy đúng, bắt trúng thời cơ tương ứng với xu hướng phát triển của trình độ văn minh nhân loại, quốc gia đó thu được những thành công và tạo ra tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội mới, dịch chuyển được trình độ văn minh vật chất và văn minh tinh thần. Minh chứng rõ nhất là sự thành công của các quốc gia phát triển Tây Âu thời kỳ phục hưng; Nhật Bản thời kỳ cải cách của Minh Trị cũng như giai đoạn sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai; Hàn Quốc trong những năm thuộc thập niên 60 đến 90 của thế kỷ XX, Trung Quốc từ thập niên 80 thế kỷ XX đến nay... Những kinh nghiệm phát triển như vậy không đưa đến nhiều mô thức phát triển để có thể rập khuôn, áp dụng một cách xơ cứng, giáo điều đối với các nước có trình độ xuất phát điểm thấp về kinh tế - xã hội như Việt Nam. Song, các kinh nghiệm của các quốc gia điển hình nêu trên cho chúng ta cách nhìn nhận thực tiễn tích cực về việc cần thiết phải tìm được đúng và trúng động lực phát triển đất nước trong bối cảnh mới.

Trong điều kiện phát triển của lực lượng sản xuất trên thế giới hiện nay, các quốc gia đang bước tới và chịu sự tác động mạnh mẽ của cách mạng khoa học - công nghệ, phương thức phát triển mới, chưa từng có so với các bước phát triển nhảy vọt trước đây. Những thành tựu mới, những động lực mới đó được khái quát trong quan niệm về một cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Công nghiệp 4.0). Mặc dù mới xuất hiện, nhưng mức độ và phạm vi tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư lan tỏa và xâm nhập nhanh, rộng, mạnh chưa từng thấy. Thời kỳ của khoa học - công nghệ trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp trở nên hiện hữu hơn bao giờ hết. Nghĩa là động lực mới của sự phát triển trong thời đại khoa học - công nghệ đã xâm nhập vào quá trình tái sản xuất, đây cũng chính là cơ hội to lớn cho các quốc gia thích ứng và khai thác được động lực phát triển mới này. Thực tế cũng cho thấy, nước nào khai thác tốt các cơ hội lớn này, đều đạt được những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội nổi bật trong thời gian 5 năm trở lại đây. Khoa học - công nghệ, sự phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo đang trở thành phương thức duy trì năng lực cạnh tranh quốc gia, xây dựng phương thức mới để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của nền kinh tế; đổi mới phương thức quản trị quốc gia và quản trị phát triển xã hội.

Đối với Việt Nam, sau một số thập niên đạt được thành tựu lớn về kinh tế - xã hội nhờ khai thác và phát huy động lực phát triển theo chiều rộng, đến nay, mô hình tăng trưởng dựa trên nguồn lực lao động giá rẻ, tài nguyên đất đai đã không còn phát huy hiệu quả. Thực tế cho thấy, sự hiện hữu của động lực tăng trưởng cũ, mô hình tăng trưởng theo chiều rộng, kém bền vững kéo dài còn kìm hãm sự phát triển. Đổi mới mô hình tăng trưởng trở thành mệnh lệnh của đời sống kinh tế - xã hội và đối với sự phát triển mới của đất nước. Mô hình tăng trưởng mới dựa trên động lực mới cần được xác lập và phát huy.

Ngày nay, động lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo đang trở thành trụ cột sự phát triển của kinh tế cũng như quản trị phát triển xã hội. Đổi mới sáng tạo trở thành yêu cầu không thể đảo ngược đối với sự phát triển của các quốc gia, nhất là các quốc gia đi sau. Với ý nghĩa đó, đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo là phương thức phát triển cho phép khai thác được lợi thế của một quốc gia đi sau và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trong tình hình hiện nay. Đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên động lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo trở thành tất yếu đối với sự phát triển của Việt Nam.

Yêu cầu của phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội càng thúc đẩy đổi mới mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu

Tác động sâu sắc của đại dịch COVID-19 đến nền kinh tế - xã hội nước ta đang làm cho bài toán đổi mới mô hình tăng trưởng trở nên phức hợp, đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn. Việc đổi mới mô hình tăng trưởng trong điều kiện bình thường đã là quá trình thay đổi về chất với rất nhiều nỗ lực, khó khăn, việc đổi mới mô hình tăng trưởng trong điều kiện đòi hỏi phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội do tác động của đại dịch lại càng trở nên khó khăn, phức tạp hơn.

Về mặt tác động không mong muốn, sự đứt gãy hệ thống chuỗi sản xuất trên phạm vi quốc tế đã gây ảnh hưởng đến các cấu trúc nền tảng của sản xuất cũng như tiêu thụ của nền kinh tế đất nước. Những nỗ lực chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, kém bền vững sang mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, bền vững hơn, đòi hỏi sự tuần hoàn, chu chuyển một cách thông suốt của các yếu tố công nghệ cũng như sự ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Trong điều kiện đứt gãy các chuỗi cung ứng, cơ hội có được nhanh hơn các thành tựu khoa học - công nghệ để chuyển hóa chúng vào trong quá trình sản xuất, tái sản xuất, từ đó từng bước tạo ra nền tảng của mô hình tăng trưởng mới trở nên khó khăn hơn. Nguyên nhân là do hầu hết các chủ thể sáng tạo công nghệ đang phải xoay sở với tình trạng khó khăn chung. Hệ quả là việc thích ứng với sự phát triển mới trở nên không thể duy trì với nhịp độ và lộ trình bình thường mà phải nỗ lực hơn gấp nhiều lần.

Về cơ hội, tác động không mong muốn được coi như thách thức nêu trên cũng mang đến cơ hội đẩy nhanh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng để phục hồi và phát triển kinh tế cũng lớn hơn bao giờ hết. Không còn cách để trì hoãn, các chủ thể quản trị quốc gia, địa phương, hoạt động sản xuất, kinh doanh, từng người dân phải thích ứng với vai trò của các yếu tố quản lý và tổ chức mới. Trong đó, việc ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ để có thể hoạt động trong trạng thái vừa thích ứng với điều kiện dịch bệnh, vừa thực hiện chức năng quản lý và sản xuất, kinh doanh trở thành tất yếu và như một nhu cầu tự thân của cả các cơ quan quản lý nhà nước cũng như doanh nghiệp, người dân. Đây là cơ hội hiếm có và phải mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực mới có thể thực hiện được trong điều kiện thông thường.

Với ý nghĩa như vậy, một mặt, việc khuyến khích, thúc đẩy các chủ thể quản lý, kinh doanh và người dân nhận thức đây là cơ hội, trở thành nhiệm vụ đẩy mạnh các biện pháp thích ứng với chuyển đổi mô hình tăng trưởng; mặt khác, việc thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng vừa thực hiện nhiệm vụ phục hồi kinh tế, vừa hướng tới tạo tiền đề cho những bước phát triển của những giai đoạn tới càng làm cho quá trình đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo cần phải nhanh hơn và phạm vi sâu, rộng hơn.

Sở dĩ có áp lực đó là vì, xét về cấu trúc nền tảng các tiền đề công nghiệp dịch vụ cốt lõi, tiềm năng, lâu dài của nền kinh tế của nước ta hiện nay còn hạn chế trên nhiều mặt. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ ra: “Phát triển công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thiếu tính bền vững; chưa tạo ra được ngành công nghiệp trong nước có năng lực cạnh tranh cao, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn đóng vai trò dẫn dắt. Sản xuất công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng thấp. Công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; nguyên vật liệu, linh kiện phục vụ sản xuất trong nước còn phụ thuộc lớn vào bên ngoài; chưa quan tâm đúng mức đến chuỗi giá trị và cung ứng trong nước. Tỷ lệ nội địa hóa thấp, phụ thuộc nhiều vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài(1).

Để giải quyết căn bản, lâu dài những hạn chế, bất cập nêu trên của việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, cần sử dụng và phát huy tổng hợp các động lực tiềm năng, cơ hội của nền kinh tế, trong đó việc đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ là giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa lâu dài. Tinh thần này đã được Đại hội XIII của Đảng chỉ ra: “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó tập trung phát triển các ngành ưu tiên có mức độ sẵn sàng cao như công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông; an toàn, an ninh mạng; công nghiệp chế tạo thông minh; tài chính - ngân hàng; thương mại điện tử, nông nghiệp số; du lịch số; công nghiệp văn hóa số; y tế; giáo dục và đào tạo. Xây dựng nền kinh tế tự chủ, nâng cao khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế. Thực hiện Chương trình quốc gia về tăng năng suất lao động nhằm hiện đại hóa nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh. Tập trung phát triển sản phẩm quốc gia dựa vào công nghệ mới, công nghệ cao. Thực hiện các giải pháp khắc phục tác động của đại dịch covid-19 và thiệt hại do thiên tai, lũ lụt, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế,... tận dụng hiệu quả các cơ hội mới cho bứt phá, phát triển đất nước”(2).

Việc đẩy nhanh và mạnh mẽ động lực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo sẽ giúp khắc phục được các đứt gãy của các chuỗi sản xuất, đồng thời tạo ra tiền đề nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả của các hoạt động sản xuất, kinh doanh, quản lý kinh tế - xã hội. Không đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo trong những năm trước mắt, sẽ khó có được động lực mới cho đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, năng suất lao động không tăng lên, Việt Nam khó có thể phát triển kinh tế bền vững trong những giai đoạn tiếp theo khi các quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã nỗ lực thành công trong phục hồi kinh tế. Do đó, cần phải xem việc đẩy nhanh và mạnh việc phát huy vai trò động lực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo là một giải pháp vừa có ý nghĩa trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội ở những giai đoạn tới. 

Trên thế giới, khoa học - công nghệ trở thành lĩnh vực then chốt, nền tảng của cạnh tranh chiến lược và duy trì động lực phát triển kinh tế - xã hội của các nước. Các cuộc chạy đua để nắm giữ những lĩnh vực then chốt về khoa học - công nghệ, những nền tảng công nghệ lõi, những cách thức để có được công nghệ nguồn nhằm duy trì sức mạnh và vị thế không chỉ diễn ra giữa các nền kinh tế lớn. Với lợi thế của các nước đi sau, nhiều quốc gia cũng đang rất quyết liệt đẩy mạnh các chiến lược phát triển khoa học - công nghệ nhằm tìm kiếm lợi thế mới. Không nắm bắt xu thế này để đẩy mạnh sự phát triển khoa học - công nghệ một cách căn cơ, bài bản, thực chất sẽ khó có được những động lực mới cho sự phục hồi kinh tế và phát triển kinh tế - xã hội những năm tới. Do đó, để không bị lỡ nhịp phát triển và tụt hậu xa hơn, cần đẩy mạnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo như một động lực chủ yếu.

Một số khuyến nghị để thực hiện tốt việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu

Trong bối cảnh vừa thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng, vừa thực hiện “nhiệm vụ kép” phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội nhằm sớm khắc phục tác động của đại dịch COVID-19, nhanh chóng tạo tiền đề bứt phá mới nhằm đạt mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, một số giải pháp định hướng cần được chú trọng thực hiện bao gồm:

Thứ nhất, thực hiện tốt vai trò của Nhà nước trong sự tương thích với thị trường nhằm tạo nguồn lực tổng hợp cho khoa học - công nghệ phát triển.

Để đẩy nhanh tốc độ phát triển khoa học - công nghệ, rất cần có sự hiện diện một cách thực chất của Nhà nước. Thị trường có nhiều mặt mạnh trong tạo môi trường và động lực cạnh tranh. Xét riêng lĩnh vực khoa học - công nghệ, nếu chỉ phát huy vai trò của thị trường thì cần nhiều thời gian mới có thể đạt được kết quả. Xét về yêu cầu đẩy mạnh, đẩy nhanh ứng dụng khoa học - công nghệ nhằm chuyển đổi trạng thái và mô hình tăng trưởng trong thời gian hữu hạn thì việc phát huy vai trò của Nhà nước là cần thiết và tất yếu. Nhà nước cần đóng vai trò chủ thể đắc lực trong việc tạo ra động lực khoa học - công nghệ. Tuy nhiên, nếu không đặt vai trò của Nhà nước trong mối quan hệ tương thích với thị trường thì có thể thất bại. Bởi vậy, Nhà nước cần đầu tư nguồn lực vào những lĩnh vực nghiên cứu cơ bản, tạo động lực và sức lan tỏa lâu dài; thị trường cần phát huy vai trò trong đẩy mạnh ứng dụng của các chủ thể sản xuất, kinh doanh. Nhà nước cần tạo lập môi trường thể chế thông thoáng, tạo nguồn lực ban đầu để kích hoạt sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, tạo những chương trình nghiên cứu lớn, có sức lan tỏa đối với toàn bộ nền kinh tế. Đi đôi với việc thực hiện vai trò của Nhà nước, phát huy vai trò thúc đẩy, linh hoạt của thị trường là hết sức cần thiết. Thị trường dẫn dắt và tạo động lực để doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh lựa chọn những thành tựu khoa học - công nghệ tối ưu đối với trình độ sản xuất và quản lý của các doanh nghiệp. Thị trường tạo động lực không ngừng đổi mới sáng tạo để các doanh nghiệp linh hoạt thích ứng. Sự nhập cuộc chủ động của doanh nghiệp là biện pháp hữu hiệu nhất để chuyển hóa chủ trương, cơ chế của Nhà nước thành hiệu quả, năng suất, chất lượng trên thực tế. Do đó, sự kết hợp hài hòa giữa Nhà nước - thị trường trong phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ trong quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng là yêu cầu rất quan trọng.

Thứ hai, các ngành, các địa phương chủ động phối hợp nhằm tháo gỡ các “điểm nghẽn” thể chế, giải phóng nguồn lực.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề ra hệ thống các giải pháp lớn về cơ cấu lại các ngành sản xuất và dịch vụ tương ứng với từng lĩnh vực, ngành cụ thể. Vì vậy, các ngành cần tổ chức thực hiện nhanh chóng, hiệu quả các chủ trương trên. Trong đó, có những lĩnh vực liên ngành đòi hỏi sự phối hợp tổng thể để huy động nguồn lực hoặc tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế cho phát triển. Đối với các lĩnh vực trọng tâm, như đầu tư công, tài chính, ngân hàng, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước... rất cần có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của các ngành và các cơ quan liên quan để tháo gỡ những điểm  không còn phù hợp, cản trở quá trình giải phóng nguồn lực.

Đối với cấp địa phương, việc phối hợp trong liên kết kinh tế vùng, khu kinh tế cần trở thành tư duy thường trực trong tổ chức quản trị phát triển địa phương. Việc làm này có ý nghĩa tích cực trong huy động và sử dụng nguồn lực, hạn chế hiện tượng phân tán nguồn lực và sử dụng kém hiệu quả nguồn lực tổng hợp trong thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu.

Thứ ba, hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp là chủ thể chủ yếu của quá trình nghiên cứu, áp dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Cơ chế về sử dụng các nguồn lực cho nghiên cứu, sáng tạo công nghệ mới, công nghệ nguồn gắn với các doanh nghiệp cần được rà soát và điều chỉnh thông thoáng hơn. Việc khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo thông qua cơ chế các đòn bẩy tài chính tổng hợp cần được chú trọng thay vì chỉ chú ý vào công cụ thuế suất. Cùng với các cơ chế mang tính đòn bẩy, cần phát huy khát vọng vươn lên của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và các chủ thể sản xuất công nghiệp, sáng tạo. Về lâu dài, đây chính là bộ phận động lực rất quan trọng của nền kinh tế và tiền đề để có thể gắn kết lợi ích của Việt Nam với khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) một cách bền vững.

Tóm lại, bối cảnh mới đang tạo ra áp lực lớn để đẩy nhanh việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên việc lấy khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo làm động lực chủ yếu. Yêu cầu của quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội do tác động của đại dịch COVID-19 càng làm cho áp lực quá trình này tăng lên, đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động phối hợp của các cấp, các ngành và phát huy vai trò trung tâm của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam./.

PGS, TS. NGÔ TUẤN NGHĨA
Viện trưởng Viện Kinh tế chính trị học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

--------------------------------

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. II, tr. 62 - 63
(2) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. II, tr. 104 - 105

...