07/12/2024 lúc 10:12 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nhân Nguyễn Văn Lượng: Người trả “vàng” cho đất cằn !

Thôn Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) là mảnh đất hội tụ những bàn tay khéo, tài hoa. Là đất đồng chiêm nên đa số thổ nhưỡng xấu. Người dân quanh năm đầu tắt, mặt tối nhưng kết quả chỉ là mấy bông lúa lép lơ phơ trước gió, mấy bông lúa có hạt lại bị chìm xuống ruộng lầy.

Nghị quyết số 19/TW của BCH Trung ương Đảng khóa XIII về Nông nghiệp, Nông dân, Nông thôn đã như làn gió mới khuyến khích người nông dân làm kinh tế, như: “ Đẩy mạnh công nghiệp dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn”; “ Đầu tư phát triển các cụm công nghiệp, làng nghề phù hợp với quy hoạch và điều kiện ở địa phương”…  

Đón nhận chủ trương mới của Trung ương, người dân Xuân La, nhất là lớp trẻ vốn có ý chí vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm chủ cuộc sống, đã tập trung phát triển kinh tế đa dạng.  Với câu phương ngôn nổi tiếng từ ngàn xưa “Ruộng bề bề không bằng nghề trong tay”, người dân Xuân La đã bắt đất cằn dâng mật cho đời bằng nhiều hình thức lao động hiệu quả, thiết thực.

Doanh nhân Nguyễn Văn Lượng bên nhà xưởng của mình

Anh Nguyễn Văn Lượng – một Doanh nhân trẻ ở Xuân La, đã vươn lên phát triển ngành nghề trên chính mảnh đất quê hương để ổn định cuộc sống, tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho hơn 20 lao động nông thôn, là một tấm gương đáng ghi nhận. Hiện anh đang quản lý cơ sở sản xuất bàn ghế văn phòng. Với mục tiêu “ chữ Tâm, chữ Tín , Chất lượng là hàng đầu”, sản phẩm của anh đã có mặt trong nhiều văn phòng, công sở, trường học trên cả nước.

Anh Lượng chia sẻ: “Bất kỳ một thành công nào cũng trải qua trăm ngàn những khó khăn vất vả. Nhưng ý chí, niềm tin và mục tiêu cuộc sống sẽ luôn là động lực để vượt qua. Không chỉ riêng tôi có hoàn cảnh khó khăn: Bố bị ung thư, mẹ đã già hết tuổi lao động, các con còn nhỏ dại mà những người dân ở quê tôi không thể trụ được với mấy sào ruộng đất xấu, sâu bệnh phá hoại. Nhiều người phải bạt xứ đi làm ăn xa. Tôi đã quyết định tìm hướng phát triển ngành nghề để xóa đói, giảm nghèo, ổn định cuộc sống cho chính gia đình mình và nhiều gia đình khác”.

Nguyễn Văn Lượng sinh năm 1988 ở chính làng quê nghèo, đồng đất cằn cỗi ấy. Học hết cấp 3 anh quyết tâm tìm hướng đi cho mình. Đầu tiên anh đi làm thuê và học làm bàn ghế văn phòng cho một số doanh nghiệp lớn. Sau một thời gian học nghề, năm 2018 anh Lượng về mở xưởng sản xuất tại gia đình. Với uy tín, chất lượng sản phẩm ngày càng cao, mặt hàng của anh đã làm vừa lòng khách hàng. Yêu cầu về sản xuất ngày càng lớn, mà diện tích mặt bằng tại gia đình nhỏ hẹp, lại gây tiếng ồn, bụi bặm cho những hộ gia đình xung quanh.  Bà Đặng Thị Bổng – mẹ của anh Lượng, đã có một quyết định đột phá. Bà nói với anh Lượng: “Nhà mình có mảnh ruộng bị ô nhiễm nặng do nước thải ở trong làng đổ ra. Mẹ cấy mấy vụ đều không thu hoạch được. Mẹ còn mạnh dạn bồi thêm nhiều đất, cải tạo đất để trồng bưởi và cây lâu năm, đều không thành công. Hay con chuyển xưởng sản xuất ra đó cho đỡ gây tiếng ồn, bụi bặm, ảnh hưởng đến người xung quanh. Mọi vấn đề về thu nộp sản phẩm gia đình mình phải hoàn thành nghĩa vụ với nhà nước. Nay nguồn vay vốn để phát triển sản xuất nhà nước cũng rất thông thoáng. Con mạnh dạn vay để phát triển ngành nghề”.

Bà Đặng Thị Bổng - mẹ anh Lượng, người đã hỗ trợ anh nhiều trong khởi nghiệp

Thấy ý kiến của mẹ có tình có lý, anh Lượng đã mở rộng mặt bằng sản xuất trên mảnh ruộng hoang phế của gia đình. Nhưng anh chỉ xây dựng hoàn toàn chỉ là xưởng tôn thấp, thô sơ bằng tôn ghép. Khi được ra sản xuất ở mặt bằng thoáng đãng, những người thợ vô cùng phấn khởi, chất lượng công việc, chất lượng sản phẩm được tăng lên rõ rệt. Ông Lê Văn Tiến – một người thợ già đã 64 tuổi chia sẻ: “Tuy chúng tôi đã hết tuổi lao động, không thể bươn trải ra ngoài đời nhưng xưởng sản xuất bàn ghế của anh Lượng đã tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho chúng tôi. Với mức ngày công là 300.000 đồng/ngày, gấp nhiều lần chúng tôi cấy lúa. Mà nay thì cày cấy thua lỗ, lúa xấu do môi trường sâu bệnh. Chúng tôi rất hài lòng với cuộc sống ở nông thôn. Thay mặt những người thợ, chúng tôi luôn mong xưởng sản xuất của anh Lượng phát triển, mở rộng hơn nữa, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn”.

Xưởng sản xuất của anh Lượng

Ra thăm quan xưởng sản xuất của anh Lượng, chúng tôi vừa mừng vừa thấy xót xa. Chúng tôi mừng vì có một cơ sở xản xuất mang lại no ấm, hạnh phúc cho những người nông dân. Chúng tôi thương cho những mảnh ruộng bị bỏ hoang phế, xung quanh cỏ dại mọc đầy không ai cày cấy. Những ruộng hoang đó là nơi trú ngụ cho chuột, bọ, muỗi sinh sôi – nguy cơ truyền nhiều bệnh cho con người. Chúng tôi thiết nghĩ: sao đây không trở thành những mô hình sản xuất mới làm thay đổi diện mạo của nông thôn!

Khi được hỏi về công việc sản xuất kinh doanh của anh Lượng trong tương lai, anh trả lời:  “Ông cha ta có câu: Tấc đất – Tấc vàng. Là lớp doanh nhân trẻ ở địa phương, chúng tôi muốn những mảnh đất hoang này phải trả mật cho đời bằng những hướng đi táo bạo, thông minh, tài hoa của lớp trẻ. Chúng tôi mong Đảng, nhà nước nhất là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tạo mọi điều kiện để chúng tôi làm giàu trên chính mảnh đất của mình. Tất nhiên chúng tôi sẽ tuân thủ theo đúng yêu cầu của Luật pháp và có đóng góp cho an sinh xã hội”.

Mảnh đất vốn để hoang hóa đã được anh Lượng chuyển làm nhà xưởng sản xuất đem việc làm đến cho nhiều lao động.

Riêng anh Lượng đã làm đúng tiêu chí đó. Anh cũng là người tham gia mọi chương trình an sinh xã hội, đóng góp xây dựng những công trình phúc lợi. Ý nghĩ của anh Lượng phải chăng cũng là tâm nguyện của lớp trẻ thời đại mới “Ly nông – Bất ly hương ”- bắt đất cằn phải dâng mật cho đời.

Bài và ảnh: Tuệ Minh

...