16/01/2025 lúc 20:01 (GMT+7)
Breaking News

Doanh nghiệp xăng dầu tuyên bố sẵn sàng bước vào cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ

VNHN - Nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối lớn, trong đó có Petrolimex và PV Oil, tuyên bố sẵn sàng bước vào cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ với các đại gia bán lẻ lớn nhất hiện nay. Tổng số tiền đầu tư được các đại gia xăng dầu rót vào cuộc đua lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

VNHN - Nhiều doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối lớn, trong đó có Petrolimex và PV Oil, tuyên bố sẵn sàng bước vào cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ với các đại gia bán lẻ lớn nhất hiện nay. Tổng số tiền đầu tư được các đại gia xăng dầu rót vào cuộc đua lên tới hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều lợi thế

Đại hội đồng cổ đông mới đây, đại diện Petrolimex cho hay, đã lên kế hoạch và sẵn sàng cho cuộc chơi mới khi lấn sân sang kinh doanh bán lẻ, lập các chuỗi cửa hàng tiện lợi với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Chia sẻ về kế hoạch tấn công thị trường bán lẻ, trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex Phạm Quang Dũng cho hay, sau gần 20 năm liên tục duy trì đầu tư vào mạng lưới bán lẻ, đến nay tập đoàn đã có gần 2.500 cửa hàng bán lẻ trên cả nước với mạng lưới cửa hàng, chưa kể hệ thống đại lý, phủ khắp 63 tỉnh, thành phố.

Trong bối cảnh thị trường xăng dầu ngày càng cạnh tranh khốc liệt với sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn các DN đầu mối, theo ông Dũng, tập đoàn đã xây dựng chiến lược phát triển mới, trong đó có phát triển chuỗi hệ thống cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi nhằm tăng thị phần cũng như tìm nguồn lợi nhuận mới. Cụ thể, mỗi năm Petrolimex đầu tư khoảng 1.000 tỷ đồng để phát triển hệ thống bán lẻ, bám sát các dự án phát triển đường cao tốc, trục lộ giao thông mới, có giá trị thương mại về lâu dài. Với việc mở thêm khoảng 70 cửa hàng bán lẻ/năm, tính trung bình, cứ khoảng 5 ngày làm việc Tập đoàn sẽ có thêm một cửa hàng xăng dầu mới với diện tích vài nghìn mét vuông nếu đặt ở trên đường cao tốc hoặc diện tích vài trăm mét vuông nếu đặt trạm xăng ở khu vực huyện, tỉnh.

Theo ông Dũng với việc sở hữu trực tiếp khoảng 2.500 cửa hàng xăng dầu và do Petrolimex trực tiếp vận hành và quản lý, tập đoàn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều so với các DN khác khi bước chân mở cửa hàng bán lẻ hay chuỗi cửa hàng tiện lợi với khoảng 2.000 mặt hàng được nhân viên tập đoàn bán trực tiếp. Kế hoạch lấn sân sang bán lẻ và phát triển hệ thống chuỗi cửa hàng tiện lợi đã được tập đoàn nghiên cứu triển khai từ cách đây 5 năm và được công khai tại Đại hội đồng cổ đông gần đây.

Thực tế, từ năm 2017, Petrolimex đã khai trương một cửa hàng tiện ích mang tên P - Mart nằm trong khuôn viên của cây xăng Petrolimex ở huyện Hoài Đức (Hà Nội) bán các mặt hàng do Petrolimex sản xuất như dầu nhớt, nước giặt… “Việc xây dựng mạng lưới bán lẻ là nhiệm vụ rất thách thức đối với các nhà đầu tư, kể cả với các nhà đầu tư như Petrolimex. Đối tác chiến lược JX Nippon Oil sẽ hỗ trợ tập đoàn triển khai hệ thống cửa hàng tiện lợi hiệu quả nhất. Việc đầu tư này phải tính toán kỹ vì nếu không sẽ lỗ khi phải cạnh tranh trực tiếp với với nhiều đối thủ sừng sỏ cả trong lẫn ngoài nước như Circle K, 7-Eleven, VinMart”, ông Dũng nói.

Các đại gia xăng dầu sẽ tham gia vào thị trường bán lẻ trong thời gian tới. 

Mỏ vàng không dễ khai thác 

Tổng giám đốc Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), ông Cao Hoài Dương cũng cho hay, việc các DN kinh doanh xăng dầu bước chân vào kinh doanh siêu thị, cửa hàng bán lẻ không phải là việc mới trên thế giới. Như ở Mỹ, các số liệu thống kê tài chính và thị phần cho thấy, việc bán nước tăng lực Red Bull trong hệ thống cửa hàng tiện lợi tại các cây xăng của hãng Shell hiện đã lớn hơn so với doanh số bán tại các siêu thị. Từ khoảng 2 năm trước, ban lãnh đạo PV Oil đã nghiên cứu triển khai mở thêm các chuỗi cửa hàng bán lẻ, cửa hàng tiện lợi tích hợp tại hệ thống hơn 600 cây xăng mà tổng công ty đang sở hữu. Dù đánh giá đây là một thị trường có thể mang lại nhiều lợi nhuận, nhưng theo ông Dương, việc triển khai cũng sẽ gặp nhiều thách thức do mô hình cửa hàng tiện lợi ở cây xăng chưa phát triển tại Việt Nam.

“Thống kê của các hãng nghiên cứu về bán lẻ trên thế giới cho thấy, lợi nhuận đến từ các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu ở cây xăng chiếm tới 50% lợi nhuận của các cây xăng. Việc kinh doanh các cửa hàng tiện lợi mang lại dòng tiền tương đối tốt đối với bất cứ DN nào”, ông Dương nói. Theo lãnh đạo PV Oil, thách thức lớn nhất chính là làm sao để quản trị cho tốt. Còn nếu không sẽ phải tính đến việc hợp tác với các đối tác bên ngoài để phát triển chuỗi các cửa hàng tiện lợi và các dịch vụ phi xăng dầu tại hệ thống cây xăng. “Hướng đi của PV Oil là sẽ hợp tác với một đối tác có kinh nghiệm để phát triển cửa hàng tiện dụng ở cây xăng của mình, thay vì tự phát triển thương hiệu riêng”, ông Dương nói thêm. Không chỉ đẩy mạnh việc phát triển hệ thống các cửa hàng tiện lợi để cạnh tranh với các DN nước ngoài như Circle K, B’s Mart, Aeon, Mini Stop, 7-Eleven, các đại gia bán lẻ của Việt Nam như Saigon Co.Op hay Vingroup, đang rất mạnh tay đầu tư trong việc chiếm thị phần.

Vingroup có kế hoạch mở 4.000 cửa hàng tiện ích Vinmart vào năm 2020 thông qua việc mở mới và mua lại các chuỗi có sẵn. Mới đây nhất, từ 1/9/2019, toàn bộ mặt bằng của 8 siêu thị thuộc hệ thống Queenland Mart thuộc Công ty cổ phần thực phẩm Bông Sen đã được “sang tên” thành siêu thị Vinmart. Hồi cuối năm ngoái, Vingroup cũng chi hơn 1.000 tỷ đồng mua lại Công ty Cổ phần Đầu tư Nhất Nam, DN sở hữu hệ thống siêu thị Fivimart và chuỗi bán điện thoại Viễn Thông A.

Hồi tháng 4/2019, công ty VinCommerce - đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup quản lý hệ thống bán lẻ VinMart và VinMart+ công bố việc nhận chuyển nhượng chuỗi 87 cửa hàng Shop&Go với giá 1 USD. Theo Báo cáo về thị trường bán lẻ Việt Nam tháng 2/2019 của Deloitte, quy mô thị trường bán lẻ tại Việt Nam năm 2018 đạt 142 tỷ USD và sẽ tăng lên mức 180 tỷ USD vào năm 2020. Số lượng cửa hàng tiện lợi tại Việt Nam đã tăng gấp 4 lần kể từ năm 2012.