VNHN - Các hiệp định thương mại tự do đã hướng dòng chảy chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đi qua Việt Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam mới thu được tiền lẻ khi tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.
Đó là khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Diễn đàn cải cách và phát triển Việt Nam 2019 ngày 19/9.
Thủ tướng phát biểu tại Diễn đàn
Thủ tướng nhấn mạnh, các hiệp định thương mại tự do đã hướng dòng chảy chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu đi qua Việt Nam. Tiêu biểu như các kênh phân phối của Samsung, Aone. Tuy nhiên, tỷ lệ doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu mới đạt 21%; thấp hơn các nước như Thái Lan.
Các chuyên gia quốc tế tham gia diễn đàn đều nhìn nhận, Việt Nam thu hút được nhiều FDI, đặc biệt kể từ 2015. Vấn đề đặt ra là làm sao liên kết khu vực FDI với khu vực tư nhân trong nước, tiếp cận tài chính của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước… mở cửa thị trường tài chính và chứng khoán hơn nữa. Trước đây Việt Nam thường phụ thuộc vào kênh ngân hàng để cung cấp vốn cho nền kinh tế, nhưng nay cần đa dạng hóa nguồn vốn để “tiếp nhiên liệu” cho tăng trưởng kinh tế.
Theo Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, đến hết năm 2018, quy mô GDP Việt Nam đạt trên 250 tỷ USD và thuộc nhóm 45 nền kinh tế có quy mô GDP lớn nhất thế giới, GDP bình quân đầu người đạt xấp xỉ 2.600 USD.
“Thế giới mà chúng ta đang sống đang thay đổi rất mau lẹ với nhiều diễn biến phức tạp, mức độ cạnh tranh kinh tế, thương mại toàn cầu ngày càng cao. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của nhiều công nghệ chưa từng có đang làm thay đổi mạnh cách thức kinh doanh, vận hành nền kinh tế và doanh nghiệp. Các hình thái kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn ngày càng phổ biến. Bối cảnh này mang lại cơ hội và cả thách thức cho những nước đang phát triển như Việt Nam, đòi hỏi các nước phải rất nhanh nhạy trong nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức, nếu không sẽ không bắt kịp xu thế phát triển của thời đại”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Cùng với xu thế phát triển của kinh tế thế giới, Việt Nam đã mau chóng thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng đổi mới sáng tạo; đón bắt, tiếp thu và ứng dụng những thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội và quản lý nhà nước. Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm đổi mới, nhất là hoàn thiện thể chế, sửa đổi, bổ sung, ban hành nhiều cơ chế, chính sách xây dựng và thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.