VNHN - Các quốc gia trong khu vực có xu hướng lựa chọn những cây thân gỗ thường ở trong rừng như phong, xà cừ, bạch quả để trồng tại đô thị vì những lợi ích của chúng tới đời sống.
Diện tích quy hoạch cho cây xanh chiếm tới 50% ở Singapore , tương đương 2 triệu cây. Muồng tím là loại cây phổ biến nhất trên đường phố của đảo quốc sư tử. Với thân gỗ cùng nguồn gốc từ châu Mỹ, cây muồng tím có tán che phủ rộng 20-30 m, chiều cao tới 30 m. Nhờ vậy, loại cây này ít khi bị bật rễ khi có gió bão, phù hợp trồng ở đường phố, công viên, bệnh viện và các khu dân cư. Ảnh: NParks.
Bên cạnh đó, Singapore cũng trồng xà cừ, một loài cây thân thuộc với người dân Việt Nam. Có nguồn gốc từ châu Phi, xà cừ trước đây thường được trồng ở những khu rừng ven sông, rừng hoang mạc. Xà cừ phát triển rất nhanh, thường cao 30 m và có tán rộng.
Lọng ô là một trong những loại cây mang nét đặc trưng của quốc đảo sư tử. Tán xanh rộng, lá rụng ít và tuổi thọ cao. Đặc biệt, nó dễ dàng sinh sôi trong điều kiện đất khô cằn khắc nghiệt hay đất sét. Ở Singapore, cây trưởng thành thường được trồng dọc những tuyến đường chính, tạo nên cảnh quan xanh mát. Năm 2001, Công viên Quốc gia Singapore ra mắt Kế hoạch Di sản nhằm bảo tồn những con đường cây xanh, đó là kết quả của nỗ lực chính phủ và người dân sau hơn 40 năm trồng và chăm sóc những hàng cây cổ thụ.
Vào những năm 1970, chính quyền thành phố Seoul (Hàn Quốc) bầu chọn bạch quả là biểu tượng chính thức vì loại cây này dễ phát triển mà không cần chăm sóc nhiều. Kể từ đó, hàng nghìn cây được trồng dọc theo các con phố, giúp giảm lượng bụi, ô nhiễm không khí và toả bóng mát trong những ngày hè nóng nực.
Tuy nhiên, vào mùa thu, người dân lại "đau đầu". Quả của chúng rơi xuống đất, bị giẫm nát gây mùi hôi rất khó chịu. Có giai đoạn, bạch quả chiếm 47% số cây được trồng trên đường phố Seoul. Chính quyền thành phố sau đó phải đưa ra quyết định đa dạng hóa loại cây trồng vào đầu những năm 2000. "Chúng tôi đang dần hạn chế trồng thêm bạch quả trong những năm gần đây và thay thế bằng loại cây khác", ông Yoo Ji-yong, một quan chức phụ trách vấn đề cây xanh tại Seoul, cho biết. Tỷ lệ cây bạch quả đã giảm xuống còn 40,3 % vào năm 2012, dần được thay thế bằng cây khác như cử và anh đào. Ảnh: Tumblr.
Năm 2012, giới chức Seoul thành lập 347 đội đặc nhiệm loại bỏ quả trước khi chúng rụng xuống đất và thu được khoảng 4 tấn. Năm 2013, thành phố Seoul được lắp đặt hệ thống lưới ở một số khu vực nhất định trong thủ đô. "Tuy nhiên, chi phí khá tốn kém, bởi mỗi cây bạch quả cần một chiếc lưới có giá khoảng 190 USD", ông Yoo nói.
Dưới thời kỳ Edo (1603-1868), thành phố Tokyo (Nhật Bản) tập trung mở rộng bến cảng và không gian cây xanh. Với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, trong nhiều thập kỷ qua, chính quyền thành phố luôn nỗ lực nhiều biện pháp để trồng mới và bảo vệ cây xanh. Kế hoạch "Phủ xanh Tokyo" được thiết lập vào cuối năm 2006, nhằm tái thiết cảnh quan thành phố. Đô thị này cũng trồng và chăm sóc nhiều loại cây ven đường để phù hợp với đặc điểm của khu vực. Cây dễ bị tổn thương được thay thế với cây thân cứng, có sức chịu đựng với các kiểu hình thời tiết xấu. Ảnh: Ambassador Japan.
Tại Tokyo, hơn 70 loại cây được trồng trên đường phố, chủ yếu là cây phong, hoa anh đào, bạch quả... Đến tháng 4/2015, gần 950.000 cây phủ xanh khắp thành phố này. Cây phong Nhật Bản cao trung bình 10 m, tạo tán màu đỏ râm mát khi vào thu. Ảnh: Tokyo Top Guide.
Còn tại Trung Quốc, một trong những loài cây làm nên màu sắc đô thị là ngô đồng, được trồng nhiều trên vỉa hè tạo bóng râm mát. Bên cạnh đó, Bắc Kinh cũng là "nhà" của hơn 300.000 cây dương. Loài cây thân gỗ này có lá hình kim và dễ chăm sóc. Trung Quốc từng lên kế hoạch phẫu thuật “chuyển đổi giới tính” cho cây dương, để ngăn chặn phấn hoa của chúng bay khắp thành phố, ảnh hưởng cuộc sống của người dân.
Tuy nhiên, hệ quả của tốc độ đô thị hoá quá nhanh khiến Trung Quốc đang phải chặt nhiều hàng cây, nhường chỗ cho các dự án giao thông, nhà ở. Năm 1993, hơn 3.000 cây bị phá bỏ để làm đường cao tốc, mới đây hơn 200 cây bị chặt để xây dựng đường tàu điện ngầm. Điều này khiến người dân bức xúc phản đối. Ảnh: Coolbluice.
Từ năm 2011, giới chức Đài Loan quyết tâm trồng hơn 4.600 cây và hàng nghìn cây bụi dọc theo 35 con đường lớn trong vòng 4 năm. Kế hoạch này trị giá hơn 2,4 triệu USD. Ông Chen Jia-chin, Giám đốc Văn phòng Công viên và Đèn đường thành phố, cho biết số lượng cây 2 bên đường sẽ tăng mạnh từ 5% lên 92%. Ông khẳng định Đài Loan ưu tiên trồng những loài cây bản địa, thích ứng với thời tiết của địa phương như mưa bão và ít rụng lá. Ảnh: Ministry of Ofu.