27/04/2024 lúc 14:11 (GMT+7)
Breaking News

Điều hành chính sách tiền tệ - Vai trò chủ đạo của Ngân hàng nhà nước

Trong bối cảnh kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, để hỗ trợ hơn nữa cho quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế, kết quả điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đóng vai trò quan trọng, là một trong những chính sách vĩ mô đóng góp tích cực cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Trong bối cảnh có nhiều áp lực, có thể nói thời gian qua chính sách tiền tệ (CSTT) đã được ngành Tài chính và Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, chắc chắn, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để chia sẻ và đồng hành cùng nền kinh tế khắc phục khó khăn, đạt được các mục tiêu vĩ mô đặt ra và được dư luận xã hội đánh giá cao. Một số kết quả có thể kể đến như: Việc điều hành linh hoạt nghiệp vụ thị trường mở đã đảm bảo thanh khoản cho hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) trong trạng thái dư thừa; theo đó, lãi suất liên ngân hàng giảm nhanh tạo điều kiện để TCTD có thêm dư địa giảm lãi suất huy động và cho vay đối với nền kinh tế. Do dư địa tăng trưởng tín dụng lớn nên TCTD thuận lợi trong việc đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Tỉ giá về cơ bản ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào giá trị đồng Việt Nam. Việc NHNN mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối cũng góp phần đưa một lượng lớn tiền đồng ra nền kinh tế, tạo thanh khoản cho TCTD. Việc NHNN chủ động điều hành tỷ giá thông qua dự trữ ngoại hối cũng như giá bán USD trong năm 2023 khá nhịp nhàng cũng là một thành tựu giúp cho tỷ giá không biến động quá lớn trong giai đoạn rất nhiều khó khăn, thử thách.

Bên cạnh việc điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, NHNN đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp tín dụng khác nhằm tích cực hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế như: Tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, nhiều gói tín dụng đã được triển khai như Chương trình 120.000 tỉ đồng cho vay lãi suất ưu đãi đối với chủ đầu tư, người mua nhà các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh; chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản... Có thể nói, công tác điều hành CSTT đã hỗ trợ tích cực quá trình phục hồi và phát triển của nền kinh tế; đưa mặt bằng lãi suất cho vay về mức thấp trước dịch Covid-19, sẵn sàng nguồn vốn cung ứng tín dụng cho nền kinh tế trong bối cảnh các kênh cung ứng vốn khác gần như đóng băng và gặp khó khăn; đồng Việt Nam ổn định so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực trong khi lạm phát vẫn tiếp tục được kiểm soát dưới mức mục tiêu. Điều đó thể hiện sự linh hoạt, chủ động và hiệu quả trong việc phối hợp đồng bộ các công cụ CSTT và giải pháp điều hành.

Năm 2023vừa qua có hiện tượng thừa tiền của các ngân hàng thương mại, khi mà lượng vốn tồn đọng trong ngân hàng khá lớn và không thể đẩy ra nền kinh tế được nhiều. Điều này đã gây nên sự chênh lệch lãi suất tiền đồng và USD ở thị trường liên ngân hàng, từ đó thúc đẩy việc đầu cơ tỷ giá, tức là các ngân hàng thương mại vay VND với lãi suất thấp và mua USD, sau đó cho vay lại vừa hưởng chênh lệch lãi suất và vừa kỳ vọng lợi nhuận từ việc đồng USD tăng giá. Việc nguồn vốn VND quá dư thừa trong hệ thống cũng đã đẩy lãi suất huy động xuống mức thấp nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Trong điều hành chính sách tiền tệ, việc tăng nguồn cung về tiền chỉ có tác dụng kích thích kinh tế trong ngắn hạn khi nó tác động lên lượng cầu hàng hóa và dịch vụ, từ đó tác động lên sản lượng ngắn hạn. Nhưng nếu lạm dụng cung tiền quá nhiều không những không thúc đẩy tăng trưởng mà còn có thể gây ra lạm phát cao trong nền kinh tế, hoặc đưa nền kinh tế vào suy thoái. Đặc biệt, trong một nền kinh tế có chế độ tỷ giá tương đối cố định như Việt Nam, chính sách tiền tệ sẽ kém hiệu quả hơn so với chính sách tài khóa.

Chính vì vậy, theo ý kiến các chuyên gia, Việt Nam nên điều hành CSTT theo hướng trung lập và thực thi việc điều hành cung tiền hay lãi suất theo nhu cầu thực của nền kinh tế, đảm bảo cung ứng đủ tiền cho nhu cầu của nền kinh tế. Việc điều hành có phần theo ý chí chủ quan thời gian qua đã cho thấy là chưa thực sự hiệu quả, khi chúng ta muốn tăng cung tiền để thúc đẩy tăng trưởng, nhưng cầu tiền không tăng tương ứng, dẫn đến việc tạo ra các trạng thái lệch pha giữa cung và cầu tiền. Việc điều hành dựa trên tăng trưởng tín dụng là một biện pháp hữu hiệu để kiểm soát cung tiền; nhưng cũng cần điều chỉnh chỉ tiêu linh hoạt cho phù hợp với cung cầu tín dụng trên thị trường. Do đó CSTT nên thực thi theo mục tiêu lạm phát hơn là thực hiện cả hai mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát như hiện tại.

Mặc dù chưa thể hoàn thiện trong điều hành CSTT, nhưng thời gian qua NHNN đã luôn bám sát diễn biến trên thị trường tiền tệ để có những điều chỉnh kịp thời khi thực hiện chính sách tiền tệ. Điều đó được thể hiện khá rõ nét ở các mặt: Về điều hành các công cụ chính sách tiền tệ: NHNN thực hiện điều hành linh hoạt, chủ động nghiệp vụ thị trường mở để ổn định thị trường tiền tệ, góp phần thực hiện mục tiêu chính sách tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ vốn cho các TCTD, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong điều hành lãi suất: NHNN cũng luôn linh hoạt để điều chỉnh phù hợp với xu hướng lạm phát và lãi suất trên thế giới, trên cơ sở tạo điều kiện để giảm lãi suất cho vay của thị trường. Việc điều hành tỷ giá và thị trường ngoại tệ, NHNN thực hiện sự điều hành linh hoạt, hỗ trợ hấp thu có hiệu quả các cú sốc bên ngoài, nhưng đồng thời cũng có các biện pháp để hạn chế các biến động lớn trong ngắn hạn của tỷ giá, hướng tới lợi ích tổng thể hài hòa của nền kinh tế. Nhờ đó, VND diễn biến tương đối ổn định so với các đồng tiền khác trong khu vực, góp phần tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư ổn định, hấp dẫn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài. Về điều hành chính sách tiền tệ kiểm soát lạm phát: Từ năm 2020 đến nay, ngành Ngân hàng đã đóng góp tích cực vào việc kiểm soát thành công lạm phát ở mức dưới 4% và neo giữ kỳ vọng lạm phát ổn định; đảm bảo thanh khoản hệ thống TCTD, hỗ trợ cung ứng vốn đầy đủ, kịp thời nhu cầu sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội…

Tuy nhiên, nhìn tổng thể, các động lực tăng trưởng kinh tế của nước ta chưa thực sự ổn định; lạm phát cơ bản vẫn có xu hướng tăng cao, trong khi vẫn cần thực hiện các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, nhưng khó khăn trên thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp chưa được giải quyết căn bản. Trong bối cảnh đó, việc điều hành chính sách tiền tệ trong thời gian tới cũng cần có những giải pháp phù hợp. Theo đó, NHNN cần chủ động bám sát và nắm chắc tình hình để đưa ra các giải pháp, công cụ điều hành phù hợp với liều lượng, thời điểm hợp lý. Chính sách tiền tệ cũng cần được điều hành trong mối quan hệ hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác trong tổng thể các giải pháp điều hành của Chính phủ, nhằm thực hiện kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, cũng như đảm bảo an sinh xã hội… Bên cạnh đó, NHNN cần chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, như: đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp. Trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước ngày một sâu rộng, NHNN cần kiên trì định hướng điều hành ổn định tỷ giá, chống đô la hóa nền kinh tế, điều hành tỷ giá hai chiều, tiếp tục tăng cường quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia./.

 TS. Phạm Xuân Lam

...