22/01/2025 lúc 19:55 (GMT+7)
Breaking News

Diện mạo những công trình giao thông nổi bật hoàn thành trong 2023

Năm 2023 có bước đột phá về hạ tầng giao thông trên cả nước với hàng loạt dự án cao tốc, đường vành đai đi vào hoàn thiện, trong đó đặc biệt là các tuyến cao tốc Bắc - Nam. Với thành tích này, hiện cả nước đã có gần 1.900km đường cao tốc.

 

Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn

Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn dài 43,28km được khánh thành ngày 18/10 tại cửa Bắc hầm Trường Vinh thuộc xã Trường Lâm thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa). Dự án có điểm đầu giao với điểm cuối dự án cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 và điểm cuối giao với điểm đầu dự án Nghi Sơn - Diễn Châu.

Điểm nhấn dự án là cầu vượt hồ Yên Mỹ trên tuyến chính, dài gần một km và là cầu vượt hồ dài nhất cao tốc Bắc Nam đến nay.

Công trình này có tổng mức đầu tư hơn 5.534 tỷ đồng do Ban Quản lý dự án 2 làm chủ đầu tư. Giai đoạn phân kỳ đầu tư với quy mô 4 làn xe, mặt đường rộng 16m; giai đoạn hoàn chỉnh quy mô 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m.

Trên tuyến có 2 nút giao liên thông gồm nút giao Vạn Thiện kết nối với quốc lộ 45 và đường Nghi Sơn - Thọ Xuân; nút giao Nghi Sơn kết nối với đường Hồ Chí Minh đoạn Nghi Sơn - Bãi Trành và đường vào Nhà máy xi măng Công Thanh.

Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu

Tiếp nối cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu cũng được khánh thành trong ngày 18/10. Dự án có điểm đầu giao điểm cuối đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, điểm cuối giao với điểm đầu dự án Diễn Châu - Bãi Vọt.

Việc hoàn thành 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An từ 5 giờ còn khoảng 3 giờ, lộ trình Nghệ An - Thanh Hoá từ 3 giờ chỉ còn khoảng 1,5 giờ.

Dự án có tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng do chủ đầu tư là Ban Quản lý dự án 6 làm chủ đầu tư. Giai đoạn hoàn chỉnh cao tốc thiết kế là đường cao tốc thiết kế 6 làn xe, vận tốc đạt 100 - 120km/giờ; giai đoạn phân kỳ quy mô 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/giờ.

Trên tuyến có 3 nút giao liên thông gồm nút giao Quỳnh Vinh và Quỳnh Mỹ kết nối quốc lộ 48D; nút giao Diễn Cát kết nối với quốc lộ 7.

Việc hoàn thành 2 dự án Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu giúp rút ngắn thời gian từ Hà Nội về Nghệ An từ 5 giờ còn khoảng 3 giờ, lộ trình Nghệ An - Thanh Hoá từ 3 giờ chỉ còn khoảng 1,5 giờ. Không chỉ góp phần giảm chi phí vận tải, logistics, tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân, 2 tuyến cao tốc được đưa vào khai thác sẽ giúp các địa phương nơi cao tốc đi qua mở ra nhiều cơ hội để đón nhận đầu tư, phát triển kinh tế, du lịch, từng bước tạo được sự bứt phá.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ

Ngày 24/12, dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ (giai đoạn 1) chính thức được khánh thành, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP. HCM đi Cần Thơ chỉ còn hơn 2 giờ thay vì 3,5 giờ như hiện nay.

Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và Bộ Giao thông vận tải phê duyệt dự án vào năm 2020.

Được khởi công từ tháng 1/2021, đi qua địa phận Vĩnh Long và Đồng Tháp, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ có quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, chiều dài 23km.

Dự án được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h; tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách nhà nước.

Cầu Mỹ Thuận 2

Cũng trong ngày 24/12, cầu Mỹ Thuận 2 cũng chính thức được khánh thành. Đây là dự án trọng điểm quốc gia trên tuyến đường huyết mạch từ TP. HCM đi TP. Cần Thơ, kết nối 2 tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang.

Cùng với cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, cầu Mỹ Thuận 2 là 2 dự án cuối của tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn từ TP. HCM đến TP. Cần Thơ dài 120km.

Dự án cầu Mỹ Thuận 2 là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và được khởi công ngày 16/3/2020. Tổng mức đầu tư của dự án là 5.003,064 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước.

Dự án Cầu Mỹ Thuận 2 có tổng chiều dài 6,61km, cách cầu Mỹ Thuận hiện hữu 350m về phía thượng lưu. Cầu chính có chiều dài khoảng 1,9km, quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h.

Cảng hàng không Điện Biên

Sau 22 tháng triển khai xây dựng, dự án mở rộng cảng hàng không Điện Biên đã chính thức khánh thành vào ngày 24/12. Dự án được khởi công ngày 22/1/2022 với tổng mức đầu tư hơn 1.467 tỷ đồng.

Cảng hàng không Điện Biên 

Sân bay Điện Biên nằm trong hệ thống 21 sân bay được giao ACV quản lý, khai thác. Trước đây, do điều kiện kỹ thuật hạn chế, địa thế lòng chảo đặc biệt, sân bay Điện Biên chỉ có thể tiếp nhận được loại máy bay nhỏ ATR72 và tương đương, thường xuyên không tiếp nhận được các chuyến bay do điều kiện thời tiết.

Sau khi khánh thành, cảng hàng không Điện Biên đảm bảo khai thác máy bay A320/A321 hoặc tương đương. Công suất khai thác nhà ga hành khách 500.000 khách/năm. Hiện, đã khai thác các đường bay Hà Nội - Điện Biên và TP. HCM - Điện Biên.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ

Trong ngày 24/12, dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ cũng được chính thức thông xe sau gần 3 năm thi công.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ một trong những dự án quan trọng được giao cho địa phương là UBND tỉnh Tuyên Quang làm chủ đầu tư.

Cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ dài 40,2km kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, có điểm đầu kết nối với nút giao IC9 cao tốc Nội Bài - Lào Cai, điểm cuối tại nút giao quốc lộ 2 (thuộc xã Lưỡng Vượng, thành phố Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang).

Dự án có 4 làn xe, vận tốc khai thác tối đa 90km/h với tổng mức đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng. Được khởi công từ tháng 2/2021.

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm

Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm được khánh thành ngày 18/6. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP, có chiều dài tuyến 49,1km, quy mô 4 làn xe, với nền đường rộng 17m và không có làn dừng khẩn cấp. Ô tô được phép chạy tốc độ tối đa 80km/h, tối thiểu 60km/h.

Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải; doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH đầu tư đường cao tốc Nha Trang - Cam Lâm.

Được khởi công từ tháng 9/2021, cao tốc Nha Trang - Cam Lâm có  tổng đầu tư 5.524 tỷ đồng. Điểm đầu dự án tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, điểm cuối tại xã Cam Thịnh Tây, TP. Cam Ranh; quy mô 4 làn xe, rộng 17m; sau đó nâng đường rộng 32m, 6 làn xe, trong đó 2 làn khẩn cấp.

Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết

Trong ngày 18/6, dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng chính thức được khánh thành. Dự án có chiều dài tuyến khoảng 100,8km đi qua địa phận các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam của tỉnh Bình thuận. Giai đoạn hoàn chỉnh thiết kế là đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100-120 km/h.

 

Dự án có tổng mức đầu tư 10.850 tỷ đồng, được khởi công tháng 9/2020.

Phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 gồm có 4 làn xe, chiều rộng mặt đường là 17m, tốc độ tối đa là 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng cấp lên 6 làn xe, bề rộng mặt đường là 32,25m, vận tốc thiết kế là 120km/h. Công trình này được xây dựng theo quy chuẩn đường cấp III đồng bằng.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Ngày 29/4, cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 được chính thức khánh thành. Dự án có tổng chiều dài 63,37km (đi qua tỉnh Ninh Bình 14,35km; qua tỉnh Thanh Hóa 49,02km), với tổng đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng.

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45 giai đoạn hoàn chỉnh được xây dựng theo quy mô 6 làn xe, nền đường 32,25m, đạt vận tốc thiết kế 120km/h; giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng 4 làn xe hạn chế, nền đường 17m, đạt vận tốc thiết kế 80km/h.

Được khởi công từ tháng 9/2020, dự án có điểm đầu giao với điểm cuối dự án Cao Bồ - Mai Sơn, thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối giao với điểm đầu dự án thành phần đoạn Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Chủ đầu tư dự án là Bộ Giao thông Vận tải và được giao cho Ban Quản lý dự án Thăng Long là đại diện chủ đầu tư.

Điểm nhấn toàn tuyến là hai hầm xuyên núi Tam Điệp (TP Tam Điệp, Ninh Bình) và Thung Thi (huyện Hà Trung, Thanh Hóa) cùng cây cầu Núi Đọ vượt sông Chu dài 1,9 km. Đây là cầu dài nhất trên cao tốc, tổng đầu tư khoảng 550 tỷ đồng.

Cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết

 

Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45, cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết cũng được khánh thành trong ngày 29/4 với chiều dài toàn tuyến là 99km.

Dự án được khởi công ngày 30/9/2020 với tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Công trình có điểm đầu nối với cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết tại huyện Hàm Thuận Nam và điểm cuối ở nút giao cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai.

Bộ Giao thông Vận tải cho phép các xe chạy trên cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết tốc độ tối đa 120km/h và tối thiểu 60 km/h. Sau khi hoàn thành, tuyến đường giúp rút ngắn thời gian từ TP. HCM đi Phan Thiết còn khoảng 2 giờ so với 4-5 giờ như trước đây.